Nguyễn Phúc Đạt (sinh năm 1998) - cựu sinh viên ngành Kỹ thuật không gian, bộ môn Vật lý, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) được hỗ trợ tài chính cho chương trình học Tiến sĩ về Planetary Science tại Lab Lunar and Planetary (LPL), University of Arizona (top 10 trong ngành Space Science và Astronomy ở Mỹ). Anh chọn exoplanets (ngoại hành tinh) là chủ để nghiên cứu của mình.
Phúc Đạt cho biết Vũ trụ (Cosmos) là chương trình truyền hình yêu thích của mình, do Carl Sagan – nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ thực hiện. Tập phim Titan đã để lại trong anh một thắc mắc liệu các dạng sống phải như thế nào mới tồn tại được trên một môi trường lạnh lẽo rất niều so với Trái Đất, nơi mà đại dương không phải là nước mà là một methane lỏng (CH4). "Hiện tại, chúng ta đã biết ít nhất là 5.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Sứ mệnh tiếp theo là quan sát trực tiếp một số những hành tinh này và tìm hiểu sâu hơn về chúng, và liệu có khả năng hỗ trợ sự sống không", Đạt chia sẻ thêm.
Kỹ thuật không gian là lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám, và định vị vệ tinh. Đây là chuyên ngành mà trước đó Đạt chưa có cơ hội được tìm hiểu, nhưng trong một lần tham dự kỳ tuyển sinh, anh đã may mắn gặp được PGS. TS Phan Bảo Ngọc – Trưởng bộ môn Vật lý, trường ĐH Quốc tế. Nhận thấy mình có đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học không gian, Đạt đã quyết định chuyển ngành vào năm học thứ 2 tại trường.
Phúc Đạt vẫn đang theo đuổi ngành Vật lý thiên văn. |
Năm 2019, Đạt là một trong số ít sinh viên Việt Nam được mời sang thực tập tại Trung tâm Khoa học SOFIA, thuộc Trung tâm Nghiên cứu AMES của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA. Trước đó, anh cũng từng thực tập tại các viện nghiên cứu ở Đài Loan (ASIAA), Nhật Bản (ISA/JAXA) và Hàn Quốc (KASI).
Hiện, Phúc Đạt đang là thành viên của mạng lưới nghiên cứu VARNET (Vietnam Astrophysics Research Network - https://sites.google.com/view/sf2-varnet/). Anh làm việc cùng các nhà nghiên cứu thiên văn người Việt ở trong và ngoài nước, với mục đích kết nối học thuật và tạo ra các công trình khoa học mới. Nhóm dùng các hiểu biết về vật lý của bụi không gian nhằm nghiên cứu môi trường hình thành sao, môi trường quanh hố đen ở tâm các thiên hà, cấu trúc vỏ sao…
Hình ảnh của một dự án mà Phúc Đạt đang theo đuổi. |
Đạt tâm sự: "Việc thiếu các chương trình học thuật toàn diện, thiếu các cơ hội thực tập và làm việc trong đại học hay các viện nghiên cứu, hướng nghiệp sai khi đào tạo đã trở thành rào cản cho các bạn sinh viên tiếp cận, đặc biệt là ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã có bước phát triển trong lĩnh vực này. Điển hình là việc trở thành một phần của đài quan sát Á Đông (EAO – East Asian Observatory) và được quyền truy cập dữ liệu của nhiều kính thiên văn lớn”. Đạt cho rằng, nếu có phương án đầu tư cho ngành Vật lý thiên văn, Việt Nam chắc chắn sẽ không đơn độc và sẽ nhận được hỗ trợ từ các đối tác trong khu vực.
Đạt đang làm việc cùng các nhà nghiên cứu thiên văn người Việt ở trong và ngoài nước. |
Vào thời điểm COVID-19, nhiều cơ hội nghiên cứu và làm việc quốc tế của Đạt bị hủy. Việc nộp đơn vào các chương trình cao học ở Mỹ cũng khó khăn hơn do nhiều dự án bị gián đoạn. Nên Đạt đã quyết định vừa nghiên cứu vừa đi làm trong một khoảng thời gian. Đạt đã dành gần một năm làm khoa học dữ liệu, trước khi quay lại tiếp tục nghiên cứu toàn thời gian và bắt đầu chương trình tiến sĩ Vật lý thiên văn và ngoại hành tinh. "Được làm việc cùng những nhà nghiên cứu giúp mình nhận ra nhiều bài học về lý tưởng lớn lao của việc làm khoa học, ý nghĩa của việc khám phá tự nhiên, và việc mở rộng đường biên kiến thức", Đạt chia sẻ.