Minh Hương sinh ra và lớn lên ở Sóc Sơn, một vùng quê yên bình ngoại thành Hà Nội. Vốn yêu thích, say mê tìm hiểu về các loài động vật, cô chọn theo học ngành Sinh học, và xuất sắc thi đỗ vào lớp Tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Đây là hệ đào tạo trọng điểm của trường, nơi tập hợp những học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, những học sinh trường chuyên hàng đầu cả nước.
Minh Hương là một người rất yêu các loài động vật |
Vốn bị mất gốc tiếng Anh từ thời phổ thông, suốt bốn năm đại học, Minh Hương đã phải cố gắng rất nhiều để cải thiện trình độ. Kết quả cuối cùng cũng xứng đáng với nỗ lực. Ngay từ khi chưa tốt nghiệp, cô đã có có hai công bố quốc tế được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Khóa luận viết bằng tiếng Anh của cô được đánh giá cao. Cô cũng từng được nhận học bổng thực tập nghiên cứu tại Ấn Độ năm 2019, đạt giải nhất cấp trường Nghiên cứu khoa học sinh viên và được chọn là học viên của Trường hè Khoa học Việt Nam tại Quy Nhơn cùng trong năm 2020.
Sau khi tốt nghiệp, bỏ qua nhiều cơ hội học thạc sĩ từ các trường đại học danh tiếng thế giới, Minh Hương làm việc cho một công ty khởi nghiệp về giáo dục. Cô là người sáng lập nhóm Facebook phi lợi nhuận “Muốn giỏi tiếng Anh thì vào đây”, hiện đã thu hút gần 10.000 thành viên. Đồng hành với cô là nhóm các bạn học sinh, sinh viên từ 14-20 tuổi, góp cùng sức xây dựng dựng cộng đồng lớn mạnh như hôm nay.
9X cũng là một cô gái năng động, có tính cách hoạt ngôn, cởi mở |
Các thành viên của nhóm chủ yếu là các bạn học sinh THPT tại những tỉnh, thành phố nhỏ, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu học tiếng Anh chất lượng hay giao tiếp với người nước ngoài.
Nhờ mối quan hệ đa dạng từ các quốc gia, vào mỗi chủ nhật, Minh Hương tổ chức các buổi giao lưu văn hoá kết hợp luyện tiếng Anh, giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài. Diễn giả chính là những người bạn mà cô biết đến trong quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Thông qua nền tảng trực tuyến, những bạn trẻ hiện đang là giảng viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu, người khởi nghiệp… từ Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal cho đến Đức hay Phần Lan và nhiều quốc gia khác, đã cùng các bạn học sinh Việt Nam trao đổi về các vấn đề trong cuộc sống.
“Vốn ở ngoại thành, nên mình không có nhiều cơ hội trò chuyện với người nước ngoài. Lên Đại học mình còn bị mất gốc tiếng Anh nữa. Sau khi mình đi một số nơi như Ấn Độ hay Singapore, mình nhận thấy trình độ tiếng Anh của các bạn ở đây rất tốt, nên mình cũng muốn làm gì đó để giúp các em giống mình. Mình quyết định chọn cách xây dựng một cộng đồng học tập trên mạng xã hội. Vừa giúp xóa bỏ những rào cản về địa lý, mà còn giúp các em học học sinh nâng cao kiến thức và sự tự tin." – Minh Hương chia sẻ.
Những người bạn nước ngoài được cô mời để tham gia nói chuyện mỗi cuối tuần |
Các thành viên của nhóm lại có những cảm nhận rất riêng. Minh Thư (17 tuổi) đến từ Vĩnh Long cho biết: “Mình nhớ lần đầu tiên tham gia nhóm là buổi gặp với anh Cedric người Đức. Lúc đó mình còn rất ‘ngố’, không hiểu những gì anh ấy nói và cũng không biết nói gì. Nhưng sau một số lần tham gia, khả năng tiếng Anh của mình đã được cải thiện nhiều hơn rồi”.
Còn Nhật Trần (19 tuổi) sống tại Cao Bằng nói: “Mình nhớ chị gái người Sri Lanka chỉ cho mình bí quyết cải thiện khả năng nghe, nói: nói chậm, chuẩn bị câu hỏi trước buổi gặp để tránh bị ấp úng, bí từ. Mình rất biết ơn nhóm và mong một ngày được gặp chị Minh Hương cùng các anh, chị ngoại quốc ngoài”.
Nhóm “Muốn giỏi tiếng Anh thì vào đây” còn có các hoạt động khác bổ ích như luyện tập và chữa đề thi IELTS, củng cố kiến thức ngữ pháp tiếng Anh cơ bản cho người bị mất gốc qua những hình ảnh vui nhộn. Gần đây, nhóm còn tổ chức thêm cuộc thi nói tiếng Anh về đề tài môi trường và biến đổi khí hậu, nhằm tăng nhận thức và trách nhiệm của các bạn trẻ với các vấn đề toàn cầu. Tất cả nội dung, hình ảnh của đều do cô và nhóm quản trị viên lên ý tưởng, phác thảo và trực tiếp thực hiện.
Trong tương lai, Minh Hương mong muốn xây dựng thêm các kênh Youtube và Tiktok cá nhân. Đây sẽ là nơi cô đăng tải các video dưới hình thức hài hước, các thí nghiệm thú vị để khiến các kiến thức khoa học tự nhiên nặng nề trong sách vở trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn với mọi người.
Ảnh: NVCC