Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp hiện quyết tâm đổi mới công tổ chức, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu, gồm 36 nhóm mạnh, 6 nhóm xuất sắc và 4 nhóm tinh hoa, để tăng cường các nghiên cứu chuyên sâu, mang tính đột phá. Những nhóm này sẽ tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, vươn tầm quốc tế.
Những sinh viên ưu tú được vinh danh khen thưởng có thành tích trong công bố khoa tại các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus; đấu thầu thành công các đề tài cấp Bộ và tương đương trở lên và tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia. |
Hơn thế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn thành lập các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nguồn khoa học công nghệ Spin off. Đơn cử như Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu hiện là nơi hỗ trợ đào tạo trình độ đại học chuyên ngành này với các nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, phát triển nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu; nuôi trồng, chuyển giao công nghệ nuôi trồng các loài nấm ăn và nấm dược liệu.
Trong những năm qua, Viện đã nghiên cứu chọn tạo và tiến hành công nhận giống và và quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu mới có giá trị cao như nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, đông trùng hạ thảo, nấm sò... Đến nay, viện đã bảo tồn và lưu giữ hơn 200 chủng, giống nấm ăn, nấm dược liệu quý của Việt Nam và trên thế giới.
GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Khoa học công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. |
Trong khi đó, mặc dù mới được thành lập năm 2021 nhưng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu đã đi vào hoạt động ổn định, bắt đầu tập trung nghiên cứu, phát triển các giống cây dược liệu bản địa (lan thạch hộc, lan kim tuyến nhung, hoa tiên, thảo quả, tam thất); cũng như nhập nội một số giống tiềm năng (sâm Ấn Độ, đàn hương Ấn Độ, đương quy Trung Quốc, đẳng sâm Trung Quốc)...
Ngoài ra, viện cũng đã sản xuất các giống như lan kim tuyến, lan thạch hộc, đàn hương Ấn Độ siêu chuẩn giống sẵn sàng cho các đơn vị làm giống và tạo vùng nguyên liệu.
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh danh các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện. |
Phát biểu tại Hội nghị Khoa học công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Công nghệ, sản phẩm tiêu biểu, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2021, hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện đã đạt được thành tích đáng khích lệ, số lượng đề tài tăng. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật/bằng sáng chế/giải pháp hữu ích tăng mạnh, đặc biệt là các công bố quốc tế (tăng 10%).
Theo GS. TS Nguyễn Thị Lan, khoa học và công nghệ là sức sống của trường đại học, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, vai trò của đội ngũ trí thức, trường đại học trong việc phát triển khoa học công nghệ, đóng góp cho nền kinh tế trí thức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.Chính vì vậy, Học viện Nông nghiệp đã chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Học viện đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đạt được một số kết quả quan trọng như: tăng số lượng đề tài, dự án khoa học công nghệ nhờ vào tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ quốc tế và đã những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Tôi mong muốn các nhà khoa học, các thầy cô giáo sẽ nỗ lực, tập trung hơn nữa trong nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ thiết thực cho xã hội, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của Học viện", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vinh danh khen thưởng 34 giải thưởng của tập thể, cá nhân là cán bộ, giảng viên và sinh viên của Học viện. 46 cá nhân và 11 nhóm tác giả được vinh danh khen thưởng có thành tích trong công bố khoa tại các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/scopus; đấu thầu thành công các đề tài cấp Bộ và tương đương trở lên và tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng được công nhận cấp quốc gia.