Ngày 29/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Chương trình 'Chào mừng Ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12) và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật'.
Chương trình do Lãnh đạo Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Hiệp hội Paralympic Việt Nam và Lãnh đạo Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên đồng chủ trì, với sự tham dự của Đại diện Ban Dân vận Trung ương, Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác người khuyết tật, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao đối với người khuyết tật.
Các huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật được vinh danh tại chương trình. |
Phát biểu khai mạc Chương trình, Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam khẳng định, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong những năm qua, hoạt động thể thao của người khuyết tật đã đóng góp không nhỏ vào bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam, rất nhiều vận động viên là người khuyết tật đã được vinh danh trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế. Trước đó, công tác tuyên truyền, vận động các tỉnh, thành phố quan tâm thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, chú trọng loại hình hoạt động thể thao một môn, đa môn dành cho người khuyết tật đã được triển khai cùng với đề xuất, kiến nghị 63 tỉnh, thành phố có công trình thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Việc luyện tập thể thao, ngoài rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, còn là cơ hội để người khuyết tật cống hiến tài năng cho thể thao nước nhà, tự tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Tại chương trình, nhằm vinh danh những thành tích xuất sắc của các huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật đã nỗ lực tập luyện, thi đấu mang vinh quang về cho Tổ quốc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12, tại Camphuchia), Ban Tổ chức trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 22 huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 11 huấn luyện viên, vận động viên, có thành tích xuất sắc.