Nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Hoàng Long cùng hai giảng viên Khoa Kinh doanh & Quản trị Đại học RMIT, Tiến sĩ Hoàng Ái Phương và Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, đã nhận giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc nhất tại Hội thảo khu vực Úc-Á về Hệ thống thông tin (ACIS) năm 2021.
Nghiên cứu tìm hiểu việc chia sẻ thông tin liên quan tới sức khỏe trên mạng xã hội trong bối cảnh khủng hoảng y tế như đại dịch COVID-19 gần đây.
Theo Thạc sĩ Lê Hoàng Long, các cuộc khủng hoảng y tế thường đi kèm với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe (như bệnh thể chất và các vấn đề sức khỏe tâm thần) cũng như các vấn đề về thông tin (như quá tải thông tin, thông tin không chắc chắn, thông tin sai lệch).
Ông nhận định: “Chia sẻ thông tin sai lệch hoặc chia sẻ thông tin một cách thiếu suy nghĩ có thể khiến các vấn đề trong khủng hoảng y tế trở nên nghiêm trọng hơn”.
“Cần phải chia sẻ thông tin liên quan tới sức khỏe đã được kiểm chứng và hướng tới lợi ích của cộng đồng thì mới có thể giúp giảm thiểu các vấn đề này”.
Công trình nghiên cứu đoạt giải của RMIT tìm hiểu việc chia sẻ thông tin liên quan tới sức khỏe trên mạng xã hội trong bối cảnh khủng hoảng y tế. |
Theo nhóm nghiên cứu, việc chia sẻ thông tin liên quan đến sức khỏe trên mạng xã hội đã phổ biến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng y tế như COVID-19 khiến nạn thông tin sai lệch tăng lên đáng kể, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa để xác định động cơ sâu xa đằng sau việc chia sẻ thông tin.
Dựa trên dữ liệu khảo sát 326 người, các nghiên cứu viên nhận thấy rằng hành động chia sẻ vì lợi ích cộng đồng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bảo vệ (hiệu quả từ việc chia sẻ, hiệu quả từ phản hồi) và yếu tố trợ giúp (kỳ vọng có đi có lại).
Hơn nữa, nhận thức về rủi ro sức khỏe và rủi ro chất lượng thông tin đều ảnh hưởng đến ý định chia sẻ thông qua các yếu tố động cơ trên.
Thạc sĩ Long chia sẻ thêm: “Người dùng trực tuyến có khuynh hướng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội với kỳ vọng sẽ nhận được thông tin đối ứng và hỗ trợ từ người khác".
“Ý định chia sẻ cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây sợ hãi – tức là người dùng trực tuyến dường như có đánh giá rủi ro khủng hoảng và hiệu quả của các hoạt động chia sẻ trước khi thực hiện”, ông cho biết.
Tiến sĩ Hoàng Ái Phương nhấn mạnh rằng trong khi hầu hết các nghiên cứu khác tập trung vào động cơ của việc chia sẻ thông tin sai lệch, thì nghiên cứu của nhóm tập trung vào động cơ của việc chia sẻ thông tin vì lợi ích cộng đồng.
Tiến sĩ Phương cho biết: “Việc tìm hiểu các yếu tố động cơ có thể gợi ý cho người làm truyền thông y tế cách thúc đẩy người dùng trực tuyến chia sẻ thông tin theo hướng có lợi cho cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức về bệnh tật và giảm thiểu rủi ro sức khỏe trong các cuộc khủng hoảng y tế”.
“Phát hiện của chúng tôi có thể giúp cả người dùng trực tuyến bình thường và người làm truyền thông trong ngành y tế điều chỉnh hoạt động chia sẻ của họ và qua đó giảm thiểu nạn thông tin sai lệch”, chuyên gia RMIT nhận định.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các vấn đề về thông tin có thể thay đổi theo thời gian trong một cuộc khủng hoảng y tế. Chẳng hạn, có thể thiếu thông tin trong giai đoạn đầu nhưng lại quá tải thông tin trong giai đoạn sau.
Tiến sĩ Phương cho biết: “Việc hiểu rõ động lực của hành vi chia sẻ có thể hỗ trợ đưa ra các chính sách khuyến khích hoặc hạn chế phù hợp, giúp điều hòa lượng thông tin ở mỗi giai đoạn khủng hoảng và giảm thiểu các vấn đề về thông tin sai lệch và quá tải thông tin”.
Trước đó, các nghiên cứu viên của Đại học RMIT đã giành giải Công trình nghiên cứu xuất sắc nhất (Á quân 1) tại ACIS 2020 cho nghiên cứu về chuyển đổi kỹ thuật số được phối hợp thực hiện cùng FPT Software.