Tìm đam mê từ thiện nguyện
Dung đã từng làm biên tập viên tạp chí, copywriter cho công ty truyền thông. Dung cũng đã kinh qua vai trò quản lý Nội dung rồi quản lý bộ phận Nội dung và Truyền thông mạng xã hội của các công ty khác nhau. Năm 2017, Dung từng làm Giám đốc điều hành một startup về công nghệ.
Từ chuyên ngành Hán Nôm, công việc đầu tiên mà Dung nhận được là vào học kỳ II của năm thứ 4, đó là dịch sổ bộ cho một dự án nghiên cứu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Sau khi tốt nghiệp, Dung làm biên tập viên cho một tạp chí liên quan về văn hóa - học thuật. Nhưng sau đó nữa, Dung dần chuyển sang lĩnh vực truyền thông và tự học hỏi, phát triển bản thân dựa vào công việc thực tế mà mình đảm nhiệm. Hiện tại, lĩnh vực sở trường của Dung là sản xuất nội dung và truyền thông mạng xã hội. “Dù nhìn từ bề ngoài thấy công việc mình đang làm không liên quan đến ngành học đại học trước đây, nhưng bản thân mình nhận thấy, ngành Hán Nôm đã cho mình một nền tảng vững chắc về chữ nghĩa, văn hóa lịch sử Việt Nam. Chính nhờ vậy mà mình gặp nhiều thuận lợi trong quá trình thích nghi và phát triển bản thân trong ngành truyền thông. Đồng thời, bên cạnh việc hoàn thành công việc của mình, bản thân có thể góp thêm chút ít trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc”, Mỹ Dung chia sẻ.
Dung cho biết, việc tham gia những dự án xã hội và định vị được bản thân trên hành trình hoạt động cộng đồng cũng là một hành trình thú vị mà cô đã trải nghiệm.
Ban đầu, ở trường, Dung tham gia vào Liên chi hội sinh viên, rồi các câu lạc bộ như CLB Văn học, CLB Thư pháp… sau đó, ra trường Dung hay tham gia vào những chương trình thiện nguyện do thầy cô ở trường đại học tổ chức hoặc do công ty tổ chức. “Mình thực hiện điều này một cách rất tự nhiên, không suy tính cũng chẳng đắn đo. Có lẽ vì từ thuở nhỏ, mình đã sống trong một môi trường gia đình mà việc cho đi hay giúp đỡ người khác là chuyện hiển nhiên”, Dung tâm sự.
Cũng trong những chuyến đi thiện nguyện đó, Dung bắt đầu quan sát và đặt ra nhiều câu hỏi: Làm sao để những chuyến đi như thế này đạt hiệu quả cao nhất? Làm sao để những chuyến đi như thế này không còn là phong trào mà trở nên lâu dài? Làm sao thoát ra khỏi tâm lý xin - cho của việc làm từ thiện từ cả hai phía cho và nhận?...
Rồi Dung tham gia CLB Bé Khỏe Bé Ngoan của ĐH Y Dược TP. HCM vào năm 2012 - 2013 với vai trò Trưởng ban Truyền thông. Đến cuối năm 2015, Mỹ Dung và ThS Nguyễn Cao Luân (Nghiên cứu sinh ngành Liệu pháp miễn dịch Ung thư, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Lowy, ĐH New South Wales, Sydney, Úc) lập nên dự án Ruy Băng Tím. Đây chính là thời điểm mà Dung cho rằng, mọi trăn trở của bản thân đã có câu trả lời.
Trăn trở cùng “Ruy Băng Tím”
Cho đến nay, Ruy Băng Tím đã hoạt động được hơn 5 năm và là dự án xã hội mà Dung xác định từ đầu sẽ theo lâu dài với tất cả tâm trí của mình. Ở Ruy Băng Tím, Dung và các cộng sự làm tất cả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư, cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích dưới nhiều hình thức khác nhau để mọi người hiểu được cách phòng bệnh, nắm được những phương pháp điều trị chính thống, không bị dắt mũi bởi những kẻ lừa đảo, đặc biệt là nắm được kỹ năng phân biệt tin thật - giả liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là ung thư. “Chuyên mục làm nên thương hiệu của Ruy Băng Tím 5 năm qua là “Ung thư - tin đồn & sự thật”. Ở chuyên mục này, các chuyên gia của Ruy Băng Tím chuyên viết bài tổng hợp các nghiên cứu và phân tích những vấn đề nổi cộm, những tin đồn liên quan đến phòng ngừa và điều trị ung thư như kiềm hóa cơ thể để chữa ung thư, uống nước đun sôi để nguội gây ung thư, lá đu đủ chữa ung thư, lò vi sóng gây ung thư… Cuốn sách đã tổng hợp những bài viết có sẵn trong chuyên mục này lại, rồi biên soạn lại theo một cấu trúc rõ ràng và dễ tiếp cận hơn, văn phong cũng được điều chỉnh cho phù hợp với loại hình thể hiện mới là sách. Cách trình bày cũng được quan tâm với nhiều hình ảnh minh họa, in màu để mọi người cảm thấy không nặng nề với những nội dung về y - khoa học mà sách chuyển tải”, Dung cho biết.
Vượt ngoài mong đợi, cuốn sách tạo nên một hiện tượng trong lĩnh vực sức khỏe nửa cuối năm 2019 và cuốn sách đã tạo đà để Dung và các cộng sự của Ruy Băng Tím đã thực hiện những sổ tay sức khỏe năm 2020 và ấp ủ những dự án sách sức khỏe tiếp theo trong năm 2021.
Mê viết cho thiếu nhi
Dung có thiên hướng văn chương từ bé và bắt đầu viết lách rất sớm. Ngay từ lúc đi học Dung đã có tác phẩm được đăng báo và thậm chí có năm còn đoạt giải, được ra Hà Nội để nhận thưởng. Lúc đó Dung hay viết tản văn và truyện ngắn. Lên đại học, lại được học trong khoa Văn học với CLB Văn học quy tụ nhiều cây bút cá tính, Dung như cá gặp nước, được viết nhiều hơn. Tuy nhiên, đến khi ra trường, thì Dung lại viết ít lại mà dành thời gian cho sự trải nghiệm. “Bước ngoặt đến với mình vào năm 2014, khi được tham gia Hội thảo sáng tác do Room to Read - một tổ chức phi chính phủ về giáo dục tổ chức. Ở đó, mình được biết đến loại hình sách tranh dành cho thiếu nhi, chú trọng vào phát triển trí tưởng tượng và ước mơ cho trẻ nhỏ, việc cung cấp thông tin, kiến thức được thực hiện một cách tinh tế và nhẹ nhàng, khiến cho các bạn nhỏ hứng thú và khơi dậy trí tò mò với cuộc sống. Từ hội thảo cho đến dự án sách tranh đầu tiên với Room to Read, mình đã có được kiến thức nền tảng về việc viết cho thiếu nhi. Những bài học đạo đức chưa cần xuất hiện dưới dạng những lời khuyên mà chỉ cần thấp thoáng đâu đó giữa những câu chuyện và tự các em sẽ rút ra được những điều thú vị cho bản thân mình. Mình cũng biết cách làm việc với họa sĩ để có được những cuốn sách tranh đẹp và hấp dẫn”, Dung nhớ lại cơ duyên viết sách thiếu nhi của mình.
Cho đến nay, Dung đã kết hợp với các nhà xuất bản được một số đầu sách tranh: Su đi lấy nước, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2019; Kiến đen tìm mè, sách tranh, NXB Kim Đồng, 2018 (thuộc bộ sách Từ những hạt mầm); Hột điều của Sóc, sách tranh, NXB Kim Đồng, 2018 (thuộc bộ sách Từ những hạt mầm); Sớm mai, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2017 (Giải thưởng White Ravens); Gà Trống muốn ngủ nướng, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2016; Cậu có lấy hạt của tớ không?, sách tranh, Room to Read, NXB Văn học, 2015.
Trong năm nay, Dung đang ấp ủ hai dự án sách tranh mới. “Đây là những dự án sách được mình dành rất nhiều tâm huyết từ nội dung cho đến hình thức, cả những ý tưởng tương tác với bạn đọc nhí để đem đến cho các bạn nhiều hứng thú hơn khi đọc sách. Qua đó, mình mong rằng sẽ góp phần nuôi dưỡng được tình yêu và thói quen đọc sách từ lúc còn thơ bé cho các bạn nhỏ”, Dung phấn khởi chia sẻ.
Thời sinh viên Dung từng giành giải Ba Euréka lần thứ 8 năm 2011 do Thành Đoàn TP. HCM trao tặng, với chủ đề “Sưu tầm, nghiên cứu và phiên dịch di sản Hán Nôm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng”.