Đặng Thị Thơm (sáng lập dự án “Gen Xanh”) cho biết, dự án được thành lập vào tháng 2/2019 và đi vào hoạt động từ tháng Tám cùng năm. Khi đó, Thơm lập nhóm có tên “Nhóm tái chế”, dành riêng cho các bạn học sinh THPT.
“Tụi mình tổ chức được 3 đợt đổi rác lấy quà tại Củ Chi thì các bạn học sinh có lẽ không còn nhiệt huyết như ban đầu nên đã lần lượt rời nhóm. Còn lại một mình, cũng thấy nản, mình phân vân nên làm tiếp hay dừng lại. Sau khi nghĩ kỹ, mình quyết định bắt tay vào thực hiện tiếp nhưng muốn đi theo hướng bền vững hơn. “Gen Xanh” ra đời từ đó, với sự kiện đầu tiên là “Rác đi, quà về”. Mình cũng bắt đầu lên kế hoạch tuyển tình nguyện viên (TNV) cho nhóm và sau đó xây dựng đội ngũ điều hành”, Thơm chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm "Gen Xanh".
Thời gian đầu triển khai dự án, Thơm gặp khá nhiều khó khăn vì từ trước luôn làm theo kiểu tự phát. Ngoài ra, việc đưa thông tin đến mọi người của nhóm cũng gặp vướng mắc. “Thời điểm bắt đầu dự án, gia đình thấy mình làm nhiều việc "bao đồng" quá, nên cũng phản đối quyết liệt", Thơm nhớ lại.
Người dân đến đổi quà trong một hoạt động của nhóm "Gen Xanh".
Những khó khăn về kinh phí, hay vực dậy tinh thần của các thành viên sau dịch bệnh COVID-19 cũng từng bước được Thơm và nhóm khắc phục. “Thời gian dịch đỉnh điểm, mình cố gắng trao đổi với các thành viên qua Facebook, Zalo. Bên cạnh đó, mình cũng tìm hiểu thêm các doanh nghiệp "xanh" để xin tài trợ các phần quà đổi rác. Sau khi qua dịch, tạm ổn, mình đã họp để mọi người có cơ hội gặp gỡ và hiểu nhau, cũng như hiểu dự án này hơn”, Thơm chia sẻ.
Đặng Thị Thơm, người sáng lập và điều hành dự án môi trường "Gen Xanh".
“Gen Xanh” hiện nay hoạt động chính với chiến dịch “Rác đi, quà về”. Ở chiến dịch này, “Gen Xanh” hoạt động ở hai lĩnh vực: Rác thải điện tử và quần áo cũ. “Rác thải điện tử hiện nay ít được mọi người quan tâm nhưng lại là nguồn gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Nhóm có hai hình thức: Thu gom tận nhà và tại các điểm cố định + đổi quà. "Gen Xanh" đã thiết lập được 6 điểm thu gom trải rộng khắp TP. HCM. Ngoài ra, nhóm còn đang triển khai việc đổi quà trực tiếp, thay bằng tích điểm trên website dự án để mọi người hứng thú hơn nữa với việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhóm cũng chú trọng đến các hoạt động khác như: Tổ chức các buổi ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn TP. HCM và các hoạt động thiện nguyện khác”, Thơm bộc bạch.
Những buổi workshop mà "Gen Xanh" tổ chức thu hút đông người tham gia.
Trong sự kiện đổi rác lấy quà ở Củ Chi vào tháng 2/2020, nhóm Thơm tổ chức ở lề đường từ 8h - 16h chiều. Sự kiện thu hút được rất nhiều người đi đường. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ nhất với các thành viên trong nhóm, vì phải đứng dưới ánh nắng gay gắt của Củ Chi để nói về tác hại của rác thải pin và khuyến khích mọi người thu gom pin cũ đổi quà. “Ở sự kiện, nhóm mình còn kết hợp tủ giày và quần áo mới giá 1.000 đồng do mạnh thường quân gửi tặng. Có một cô lớn tuổi bắt xe buýt từ Hóc Môn xuống tham gia, đến nơi mới phát hiện... quên rác. Tụi mình vẫn tặng cô một phần quà và đến chiều đã thấy cô quay lại với bịch rác trên tay”, Thơm kể.
Rác thải Pin được nhóm "Gen Xanh" thu gom từ người dân.
Về lâu dài, “Gen Xanh” chú trọng tổ chức những buổi ngoại khóa để lồng ghép tuyên truyền các kiến thức về môi trường. Chiến dịch “Rác đi, quà về” sẽ được nhóm tổ chức với nhiều hình thức sinh động hơn, nhằm hấp dẫn người tham gia. Bên cạnh đó, “Gen Xanh” cũng chú trọng vào việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em nhỏ. “Tụi mình cũng muốn hướng đến các buổi ngoại khóa mà phụ huynh sẽ trực tiếp đồng hành với các con, vì hơn ai hết họ sẽ là người cùng xuyên suốt, hướng dẫn các con đi đến chặng đường sống xanh sau này”.
Những buổi workshop mà "Gen Xanh" tổ chức mong muốn có sự đồng hành của các phụ huynh cùng các bạn nhỏ.
Mới đây “Gen Xanh” còn kết hợp với tổ chức bảo vệ động vật hoang dã của Nam Phi tổ chức chương trình “Trẻ em hòa nhập với thiên nhiên” tại Q. 1, TP. HCM. Chương trình thu hút hơn 60 người tới tham dự, trong đó có nhiều em nhỏ từ 6 - 13 tuổi đi cùng cha mẹ.