Chặng đường ba năm đong đầy ý nghĩa
Mang trên mình sứ mệnh chia sẻ hạnh phúc, tình yêu thương đến những mảnh đời còn khó khăn. Dự án phi lợi nhuận Aegis Project được thành lập bởi một nhóm học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa trong suốt gần 3 năm qua.
“Mình nhận thấy trong cuộc sống hiện tại, những việc làm thiện nguyện mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn đối với xã hội. Với mình, ý nghĩa cuộc sống là việc chúng ta đã đóng góp cho cuộc đời được điều gì, mang lại giá trị như thế nào cho xã hội. Đó là lí do mình lựa chọn việc chia sẻ và giúp đỡ những con người có hoàn cảnh khó khăn làm chủ đề và mục tiêu mà dự án hướng đến”, chia sẻ từ bạn Đỗ Quốc Việt (Hà Nội), trưởng BTC dự án.
Dự án phi lợi nhuận Aegis Project được thành lập bởi một nhóm học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa trong suốt gần 3 năm qua. Ảnh: Aegis Project |
Trải qua ba mùa hoạt động, dự án đã thực hiện nhiều sự kiện như đến thăm hỏi, chia sẻ với các ông bà cao tuổi tại Viện dưỡng lão Diên Hồng dưới hình thức một buổi chợ quê cùng các gian hàng đồ truyền thống và những trò chơi dân gian thú vị.
Với chủ đề “Thắp”, mùa 2 của dự án đã giúp đỡ hơn 100 em nhỏ mồ côi thiếu vắng tình thương thông qua việc trao tặng những món quà. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Aegis vẫn kết nối một buổi giao lưu trực tuyến, trò chuyện với các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Xuyên suốt thời gian triển khai, Quốc Việt và các thành viên trong nhóm đã kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm, nhà tài trợ cho các hoạt động. Chính những điều đó đã tạo tiền đề để dự án ngày càng phát triển và được mọi người biết đến như ngày hôm nay.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Quốc Việt cũng nói thêm rằng một trong những khó khăn đối với nhóm đó chính là chủ đề dự án. Việc khai thác được ý nghĩa, thông điệp và nội dung một cách sâu sắc nhất cũng như đảm bảo có được chất riêng là một điều không hề dễ dàng. Có những khoảng thời gian ngày nào các thành viên cũng phải ngồi lại với nhau để sáng tạo nội dung mới, tạo ra những cách tiếp cận táo bạo, đột phá hơn nhằm đảm bảo có thể lan tỏa ý nghĩa của dự án đến với mọi người một cách tốt nhất.
Dự án về môi trường của cô gái trường Luật
Mặc dù bản thân đã tham gia nhiều hoạt động, câu lạc bộ về những lĩnh vực như tâm lý học, âm nhạc cổ truyền hay cả những dự án về văn học Việt Nam, Nguyễn Phạm Khánh Linh (sinh năm 2003), sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định thực hiện La Perception Project lấy chủ đề về “Bảo vệ môi trường đúng cách” cho dự án đầu tay của mình.
Khánh Linh cho biết: “Chính những lần đi hoạt động thiện nguyện, mình nhận thấy có nhiều hành động bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đúng cách. Mình muốn sự ra đời của dự án sẽ mang theo sứ mệnh lan toả kiến thức về bảo vệ môi trường đến gần hơn với cộng đồng.”
Để La Perception được tiếp cận nhiều hơn đến mọi người, Khánh Linh và các thành viên đã lên kế hoạch chi tiết cho ba giai đoạn phát triển của dự án; cụ thể là tiền sự kiện, sự kiện chính và hậu sự kiện. Nhóm đã thực hiện 5 lần gây quỹ bao gồm hai lần gây quỹ trực tuyến và ba lần offline tại phố đi bộ Hồ Gươm.
Với sự kiện chính, nhóm đã quyết định tổ chức talkshow “Sống xanh” nhằm cung cấp kiến thức về bảo vệ môi trường đúng đắn cùng với triển lãm đồ tái chế với chủ đề “Sắc xanh nhựa sống” do chính những thành viên làm khi tận dụng những đồ nhựa thu thập được.
Dự án đã tổ chức talkshow “Sống xanh” cùng với triển lãm đồ tái chế và minishow ca nhạc “Xanh” với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Ảnh: La Perception Project |
Sự kiện cũng kết hợp với minishow ca nhạc “Xanh” và nhận được sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ, sau khi bán hết toàn bộ 250 vé ngay khi mở bán trực tuyến. Hậu sự kiện, Khánh Linh cùng các thành viên đã quyên góp số tiền thu được cho các tổ chức bảo vệ môi trường uy tín như CHANGE, Wildact,...
“Bản thân mình khi là người dẫn đường cho La Perception đã gặp không ít khó khăn và áp lực nhưng cũng nhờ đó mà mình đã bứt phá ra khỏi giới hạn của bản thân, học hỏi và tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm từ việc hoạt động tập thể. Mình đã trau dồi được những kĩ năng mềm, cách tổng duyệt và chạy một sự kiện có quy mô, và trên tất cả đó là gắn kết mọi người lại với nhau như một gia đình.”, Khánh Linh tâm sự.
Chia sẻ yêu thương với những người già neo đơn
Bên cạnh rất nhiều dự án ý nghĩa và thú vị được triển khai và hoạt động, Nguyễn Thái Hà An, sinh viên trường đại học Anh Quốc Việt Nam – British University Vietnam đã quyết định thực hiện The Felicity, một dự án hướng đến những người già neo đơn, một thành phần cần nhiều sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 khi họ không thể tiếp tục mưu sinh để trang trải cuộc sống.
Dự án đã tổ chức các tiền sự kiện gồm bán bánh tự làm, tổ chức cuộc thi bóng đá cho các bạn THPT nhằm mục đích gây quỹ ủng hộ. Tất cả số tiền thu được đã được An và các thành viên ủng hộ cho những người già bệnh tật, neo đơn tại Trung tâm bảo trợ xã hội III Hà Nội. Nhóm đã đến thăm và trao tặng sữa, đồ ăn bổ dưỡng,… cho ông bà tại đây.
“Số tiền tuy không lớn nhưng ông bà đã rất vui vì được mọi người đến thăm và trò chuyện. Bọn mình cũng được lắng nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc đời của ông bà. Những câu chuyện này đã kéo gần khoảng cách thế hệ giữa chúng mình và ông bà rất nhiều”, Hà An chia sẻ.
Hà An cùng các thành viên đã tổ chức dự án hướng đến những người già neo đơn mang tên The Felicity. Ảnh: The Felicity Project |
Cô bạn cũng nói thêm rằng The Felicity là một bước đệm quan trọng trong cuộc sống của mình vì đã giúp bản thân trưởng thành lên rất nhiều qua những bài học kinh nghiệm và học hỏi từ những người bạn đồng hành. Sau dự án, cô gái gen Z này vẫn đang tiếp tục tham gia những dự án vì cộng đồng để phát triển bản thân toàn diện hơn nữa trong tương lai.