Đạo chích & Quốc vương là vở kịch dài thuộc Mùa Diễn 7 - một dự án của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn do CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) sản xuất. Xuyên suốt vở kịch với thời lượng 180 phút, khán giả được gặp lại “những người bạn xưa cũ” bước ra từ cổ tích trong diện mạo và câu chuyện đầy mới lạ, qua đó vở diễn đã gửi gắm những thông điệp về xã hội hiện đại.
Đạo chích & Quốc vương (Tác giả: Nguyễn Đức Huy; Dàn dựng: Đức Huy - Như Võ) là vở thoại kịch mang màu sắc dân gian được cảm tác từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc: Đúc người, Quận gió và Dã Tràng. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Quận Phong - một tên cướp trượng nghĩa, tình cờ đụng độ với chàng học trò nghèo vốn là Đức vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về số phận bản thân và vận mệnh đất nước. Vở kịch là sự đúc kết sâu sắc về thân phận và những thói hư tật xấu của con người luôn tồn tại trong luân hồi cuộc sống.
Một số phân đoạn trong vở diễn. |
Vở diễn với sự góp mặt của nhiều diễn viên không chuyên là sinh viên. |
Trong suốt 3 tiếng thưởng thức vở kịch, khán giả như được bước vào chuyến du hành hành thời gian từ hiện tại về quá khứ. Bí mật động trời bị chôn vùi bởi lòng tham không đáy của kẻ ác, cùng hành trình lật mở sự thật của những con người đánh mất bản thân, đã được thể hiện một cách sinh động qua lối kể chuyện hai dòng thời gian song song. Khi tội ác và những câu chuyện đằng sau đó được khai quật cũng là lúc mọi thói hư tật xấu tham, sân, si, ái dục của con người được phơi bày một cách trần trụi nhất. Đó chính là thông điệp xã hội mà Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn muốn gửi gắm thông qua vở kịch Đạo chích & Quốc vương.
Các thành viên của CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM). |
Nguyễn Đức Huy (tác giả và dàn dựng) cho biết: “Chúng mình muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại như tình nghĩa đồng bào, lòng trắc ẩn, thói vô ơn…, được thể hiện thông qua loạt chi tiết châm biếm dí dỏm, sâu cay”.
Phạm Thị Thu Thảo (khán giả xem vở kịch) cho biết, đây là lần đầu cô được tiếp xúc với kịch sinh viên và không khỏi trầm trồ bởi sự đầu tư của vở kịch. “Vở kịch khiến mình phải bất ngờ bởi sự chỉn chu từ cảnh trí, đạo cụ, đến trang phục, đài từ sân khấu... Chúng mình đã cười rất nhiều, và cũng có những suy ngẫm về thông điệp cái thiện - cái ác trong mỗi con người mà vở kịch muốn truyền tải. Có những lúc mình không nghĩ mình đang xem kịch sinh viên làm, vì đầu tư quá”, Thu Thảo cho hay.
Như Võ (Dàn dựng tác phẩm) chia sẻ cảm xúc sau thành công của hai suất diễn: “Thật khó khi khán giả đã đặt niềm tin của mình vào một sân khấu sinh viên không chuyên. Nhưng đó lại là động lực để chúng mình cố gắng hơn nữa trong mỗi vở diễn. Hy vọng, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn sẽ ngày một tốt hơn, mang đến cho quý khán giả những vở diễn với những góc nhìn mới mẻ, là một màu sắc trong môi trường kịch nghệ của TP. HCM hiện nay”.
CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông thành lập đầu năm 2017, với hơn 70 thành viên. Hơn 6 năm 'khóc cười' cùng 6 vở kịch dài, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã gây ấn tượng đặc biệt đến khán giả, gần đây nhất là vở kịch Nằm khóc một mình, công diễn vào tháng 5/2023.
Với tình yêu sân khấu và tinh thần làm nghệ thuật nghiêm túc, các thành viên của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn luôn nỗ lực tạo ra những tác phẩm chỉn chu, mang đậm giá trị nhân văn.