Tham gia tọa đàm, có 3 diễn giả: GS Agnis Stibe, - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Sáng tạo Kinh doanh, trường ĐH RMIT Việt Nam; chị Olivia Nguyen - Giám đốc kiêm Nhà sáng lập Medscore; TS Huy Phạm - Giảng viên Tài chính tại trường ĐH RMIT và CFO tại GreenAnt.
Buổi tọa đàm ‘Tương lai của trí tuệ nhân tạo’ diễn ra vào ngày 2 của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ ASEAN-Australia 2024, có chủ đề chung là ‘InnovASEAN: Shaping Tomorrow’s Tech Leaders’ (Định hình các nhà lãnh đạo công nghệ tương lai). Buổi tọa đàm đem đến các góc nhìn về trí tuệ nhân tạo, các yếu tố hình thành và cách hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ, thông qua sự hợp tác đồng bộ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cơ chế nghiên cứu và phát triển.
Buổi tọa đàm ‘Tương lai của trí tuệ nhân tạo’ có sự tham gia của 50 đại biểu trẻ đến từ ASEAN và Australia. |
Công nghệ mới hỗ trợ con người
Chị Olivia Nguyen làm việc trong lĩnh vực Tài chính - Công nghệ (FinTech) chia sẻ về việc tập trung vào các giải pháp tài chính cho những bệnh nhân khi tiếp nhận điều trị y tế. Chị cho biết các loại bảo hiểm không thể hỗ trợ hết tất cả các chi phí y tế cho mọi căn bệnh.
“FinTech trong lĩnh vực y tế còn rất mới, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực ASEAN. Đặc biệt là khi người tiêu dùng chưa biết nhiều về cơ chế tài chính này, công ty của Olivia (Medscore) cố gắng sử dụng công nghệ mới để không chỉ hỗ trợ những bệnh nhân mà còn tuyên truyền thông tin về những phương pháp thanh toán linh hoạt để người bệnh, có lựa chọn tài chính phù hợp nhất”, chị Olivia Nguyen chia sẻ.
Chị Olivia Nguyen chia sẻ tại buổi toạ đàm. |
Chị Olivia gửi tới các đại biểu trẻ, đặc biệt là những ai muốn khởi nghiệp, hãy sẵn sàng thực địa khảo sát những người các bạn trẻ đang hướng tới. “Chúng ta không thể giúp những người không muốn sự giúp đỡ”, chị Olivia Nguyen nhắn nhủ các bạn trẻ hãy xây dựng và đưa ra những giải pháp mà đối tượng được hướng tới thật sự cần và muốn nó.
Chuẩn bị trước sự bùng nổ Trí tuệ nhân tạo
Thông điệp của buổi tọa đàm ‘Tương lai của trí tuệ nhân tạo’ được nhấn mạnh là con người. Chính hành động của con người sẽ quyết định tương lai của trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt là khi hành vi của người tiêu dùng càng trở nên phức tạp, khó dự đoán và nhận thức của người dùng và các nhà lập pháp về trí tuệ nhân tạo càng ngày nâng cao.
GS Agnis Stibe và TS Huy Phạm, dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu và giáo dục, cho rằng, trường đại học đã luôn là trung tâm nuôi dưỡng những sáng tạo công nghệ mới và bồi dưỡng thế hệ nhà khoa học và nhà sáng tạo nối tiếp. GS. Agnis trăn trở về việc làm sao để giữ lửa sáng tạo cho sinh viên khi thế giới công nghệ thay đổi quá nhanh và cảm giác như chúng ta không thể nào bắt kịp.
Đại biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
TS Huy Phạm đưa ra đề xuất: “Những nhà sáng lập trẻ nên chuẩn bị tinh thần để có thể chấp nhận rủi ro ở mức độ nhất định, trí tuệ nhân tạo có thể tiện lợi cho việc kinh doanh nhưng cũng đừng dễ dàng quên mất các khía cạnh pháp lý và đạo đức cần thiết. Lời khuyên dành cho các bạn trẻ là hãy luôn nuôi dưỡng trí sáng tạo và sự tò mò trên hành trình đó”.
Bên cạnh đó, anh Phan Hoàn Mỹ, đại biểu của Việt Nam cho rằng, trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ và cách mình sử dụng nó như thế nào thì nó định hình điều đó là tích cực hay tiêu cực. “Thay vì nhìn vào trí tuệ nhân tạo một cách tiêu cực hay trốn tránh nó thì nhìn sâu vào vấn đề. Cứ áp dụng vào cuộc sống, dù bạn là doanh nghiệp hoặc cá nhân, khi có tiềm ẩn rủi ro thì mình cùng nhau giải quyết. Đó là tương lai mình định hướng về trí tuệ nhân tạo” anh Mỹ chia sẻ.
Tầm nhìn chung của lãnh đạo trẻ ASEAN
Một hoạt động đáng chú ý là hoạt động thảo luận nhóm của 50 đại biểu. Các đại biểu được chia ra làm 10 nhóm, đại diện cho 10 quốc gia khác nhau tham dự một hoạt động giả lập. Các đại biểu được đóng vai là ban tư vấn về chính sách. Chủ đề của yêu cầu là thiết kế và khuyến nghị những chính sách về chủ đề “Thách thức Khí hậu xuyên quốc gia và khả năng ứng dụng công nghệ để chống chịu thiên tai trong khu vực ASEAN”.
Các đại biểu trẻ tham gia thảo luận nhóm để đưa ra chính sách cho chủ đề được giao. |
Anh Phan Hoàn Mỹ, đại biểu đại diện Việt Nam chia sẻ: “Buổi toạ đàm cũng như diễn đàn mang đến giá trị xây dựng cộng đồng. Đối với các đại biểu, không nhiều người theo đuổi hay học về công nghệ. Tuy nhiên, khi mọi người đặt chung vào hoàn cảnh, thì mọi người đều chia sẻ chung sự đam mê và hứng thú về công nghệ mới”.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Trưởng Ban Tổ chức AAYLF 2024 kỳ vọng, buổi toạ đàm nói riêng cũng như diễn đàn nói chung có thể gắn kết 50 nhà lãnh đạo trẻ từ Úc và các nước Đông Nam Á, thúc đẩy tình bạn và sự hiểu biết liên văn hóa. Tạo điều kiện cho các đại biểu trẻ được nghe và hiểu hơn từ nhiều góc nhìn khi tiếp cận chủ đề về công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Từ đó hỗ trợ mạng lưới các nhà lãnh đạo công nghệ trẻ tương lai để thúc đẩy phát triển khu vực một cách bền vững.
Buổi tọa đàm đã khép lại nhưng mở ra nhiều ý tưởng mới và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo trẻ. Ban tổ chức kỳ vọng chương trình có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo trẻ tiếp tục quan tâm, tham gia, và nâng cao kiến thức về khu vực. Đặc biệt là khi Việt Nam và ASEAN đang trên đà phát triển rực rỡ với một thế hệ lãnh đạo trẻ năng động và tri thức.