Chương trình Lễ hội sẽ phân thành nhiều khoảng thời gian khác nhau: Không gian lễ hội diễn ra từ 24/1 – 8/2 (tức đến hết 29 tháng Chạp), sẽ hoạt động từ 8h - 22h; ngày 30 tháng Chạp nghỉ và tiếp tục đón khách vào mùng 1 cho đến hết mùng 5 Tết, thời gian phục vụ từ 8h - 17.
'Phố ông đồ' cũng bắt đầu hoạt động từ 24/1 – 8/2. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu diễn ra từ 24/1 – 7/2 (tức hết 28 tháng Chạp).
Năm nay, Lễ hội có sự sắp đặt của nhiều không gian mang dấu ấn xưa và nay. 'Phố ông đồ' được đầu tư công phu, bài bản cả về hình thức và nội dung hoạt động với khoảng 50 ông đồ trẻ và nhiều gian hàng bắt mắt.
Vườn mai vàng nổi bật tại sân A4 (Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM). Đây là không gian chính của Lễ hội. (Ảnh: NVH Thanh niên) |
Gốm Vĩnh Long được đưa vào trong thiết kế tiểu cảnh tại Lễ hội. |
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc - Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM, Đường Mai năm nay cũng có nhiều nét mới với cách sắp đặt cũng mới lạ với những gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (Q. 1) trong một bố cục đẹp mắt, hài hòa cùng các gian hàng 'Phố ông đồ'.
"Ban Tổ chức khéo léo lựa chọn những mảng gỗ pallet mộc mạc tạo thành không gian tương tác trong vườn mai. Tất cả được sắp đặt rất nghệ thuật, mang đến cảm giác mới lạ cho du khách khi bước lên những thanh gỗ ở vườn mai và thỏa sức tạo dáng chụp hình", ông Phúc chia sẻ.
Nhiều không gian ấn tượng của Lễ hội sẽ thu hút đông đảo bạn trẻ TP. HCM tìm đến thưởng lãm, chụp hình. |
Bên cạnh vườn mai và 'Phố ông đồ', với ý tưởng kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan, khuôn viên chính trong Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM sẽ tái hiện những hình ảnh Tết xưa, với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi... Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại…
“Khi đến với không gian Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn, mọi người sẽ có cảm giác được trở về quê. Dù ở miền nào đi chăng nữa, mọi người đều sẽ thấy phảng phất hình bóng quê hương của mình tại không gian lễ hội”, ông Nguyễn Hồng Phúc nói.
Làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đặc sắc, như chương trình nghệ thuật hát bội (diễn ra vào ngày khai mạc), đờn ca tài tử Nam Bộ, hát bài chòi Trung Bộ vào hai đêm 27 và 28/1. Ngoài ra, Ban Tổ chức bố trí 2 gian hàng cho thuê áo dài, các khu vực ăn uống, mua sắm… để làm phong phú thêm không gian của lễ hội.