“Mình cảm thấy chán nản khi nghĩ đến viễn cảnh 4 ngày nghỉ “nằm lì” trong nhà, không thể ra ngoài tận hưởng bầu không khí rộn ràng của ngày lễ Quốc khánh như mọi năm. Cứ nghĩ đến lúc ấy, mình lại buồn đến “phát khóc” đi được.”, cô bạn Hoàng Thị Lý, sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K40A1 chia sẻ về kì nghỉ lễ đặc biệt của bản thân.
“Một ngày lễ Quốc khánh đặc biệt đối với bản thân mình, mình cảm thấy hơi buồn, vì ở nhà nhiều, không được đi chơi. Buồn nữa vì dịch bệnh chưa hết, nên lễ Quốc khánh đã không thể diễn ra trọn vẹn. Một ngày lễ như này đáng ra mọi người phải vui vẻ cùng nhau thì lại có dịch bệnh khiến cho cả nước đều khó khăn hơn mọi năm.”- Kim Minh Huy, lớp Triết học K40 giãi bày.
“Nhưng mình vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh “éo le” này…”
Trái ngược với Lý và Huy, nhiều sinh viên vẫn bày tỏ góc nhìn tích cực và lạc quan, dù phải “chôn chân” ở nhà trong suốt kỳ nghỉ. Cậu bạn Đỗ Tuấn Phương, sinh viên lớp Báo Ảnh K40 dùng phần lớn quỹ thời gian trong dịp lễ để tranh thủ học tập, nghiên cứu khoa học, tập thể dục và dành thời gian bên cạnh gia đình: “Nghĩ lại, đây là quãng thời gian quý báu để mình sống chậm lại, tận hưởng từng phút giây bên gia đình, dù không được ra khỏi nhà, nhưng mình vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh “éo le” này mà! (cười).”
Bạn Đỗ Tuấn Phương – sinh viên K40 lớp Báo Ảnh.
Cô bạn Thùy Linh lớp Báo Mạng Điện tử K39 lại chọn riêng cho mình một góc nhỏ bình yên trong tâm hồn để thoải mái “chill” sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng, cô bạn bày tỏ mong muốn có thể “kết nối với bố mẹ nhiều hơn”: “Tuy đang trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng bản thân mình hiện tại cũng có khá nhiều bài tập và công việc ở trên lớp, ở Câu lạc bộ đang tham gia và việc làm online tại nhà. Dịp này là khoảng thời gian hiếm hoi để mình dành cho bản thân những ngày nghỉ thực sự để thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó, tận hưởng kỳ nghỉ lễ có 1-0-2 đáng nhớ này bên gia đình cũng là điều mà mình mong muốn được thực hiện để kết nối với bố mẹ nhiều hơn.”
Bạn Thùy Linh – sinh viên năm 3 Khoa Phát thanh – Truyền hình.
Một Quốc khánh “đặc biệt” …
So với mọi năm, chắc chắn Quốc khánh năm nay là một ngày lễ rất “khác” đối với sinh viên Báo chí. Ngày này những năm trước là những ngày rục rịch đi chơi, sắm quần áo, làm đẹp, tân trang nhan sắc, cùng nhau sum vầy bên mâm cơm thịnh soạn, còn năm nay lại trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, suy sụp, sợ hãi, nhớ nhà da diết đến bình tĩnh, tự chủ, tự ý thức khi sống trong thời dịch. Đặc biệt đối với những sinh viên hiện đang sinh sống và học tập ngay trong “vùng đỏ” Thành phố Hồ Chí Minh và những sinh viên tạm thời mắc kẹt tại Thủ đô Hà Nội. “Đây là lần đầu tiên mình đón Quốc khánh một mình tại Thủ đô, tuy có một chút chạnh lòng vì phải xa gia đình, người thân, nhưng được sự động viên và quan tâm kịp thời từ ban lãnh đạo Học viện, mình cảm thấy vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà.”, bạn Phi Yến, lớp Truyền thông Marketing K39A1 cho biết.
Bạn Phi Yến – sinh viên năm 3 ngành Truyền thông Marketing.
Không bị “mắc kẹt” tại Hà Nội giống như Yến, nhưng Yến Nhi, cô sinh viên năm hai ngành Truyền thông đại chúng cũng đang trải qua những tháng ngày “sóng gió” khi lần đầu đón một Quốc khánh ngay giữa tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh: “Lúc đầu, mình vô cùng hoang mang khi ngay gần nhà xuất hiện một ca F0, nhưng mình dần nhận ra rằng quan trọng nhất lúc này là giữ được tinh thần lạc quan, không phải để an ủi bản thân mình mà còn là để mọi người xung quanh thấy an tâm hơn. Coi như đây là dịp để mình gần gũi với gia đình sau gần 1 năm đi học xa nhà vậy. Quốc khánh năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh tuy không tổ chức long trọng như các năm trước, nhưng trong lòng mình vẫn hân hoan và háo hức giống như bao mùa Quốc khánh khác.”
Nhưng sau tất cả, là niềm tin về một tương lai tươi sáng…
Dịch bệnh có thể mang lại nhiều mất mát, đau thương, nhưng sẽ không bao giờ dập tắt được hy vọng và niềm tin của sinh viên trường Báo: “Quốc khánh năm nay thật đặc biệt, nhưng mình cảm thấy may mắn nhiều hơn là tiếc nuối, và nhiều nhất là sự hy vọng về một ngày Quốc khánh trọn vẹn của cả Dân tộc – ngày mà chúng ta đẩy lùi được dịch bệnh”, bạn Thanh Hằng, sinh viên K40 ngành Truyền thông đại chúng nhắn nhủ.
Bạn Lê Khánh Hà – sinh viên năm 2 ngành Truyền thông đa phương tiện.
Còn với Lê Khánh Hà, cô sinh viên 19 tuổi đang theo học ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện lại bày tỏ góc nhìn lạc quan cùng hy vọng: “Chắc hẳn mọi người đều cảm thấy thật khó khăn khi dịch bệnh cứ mãi kéo dài. Cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn và chưa biết đến khi nào mới có thể quay về trạng thái ban đầu. Vậy nhưng cho dù dịch bệnh có khủng khiếp đến đâu cũng không thể đáng sợ bằng việc con người đánh mất niềm tin và hy vọng. Dịch bệnh sẽ qua đi thôi, chúng ta hoàn toàn có thể đi đến một "ngày mai" tươi sáng, nơi mà những tháng ngày tươi đẹp trong ký ức sẽ quay trở lại. Tin tưởng bản thân, tin tưởng mọi người, chúng ta rồi sẽ cùng nhau làm được, vì niềm tin sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh to lớn để đẩy lùi dịch bệnh.”