“Đi một vòng, cuối cùng lại trở về vạch xuất phát”
Việt Dũng thích vẽ từ khi còn bé. Năng khiếu ấy được rèn luyện và bồi đắp một thời gian dài cho đến thời điểm cuối lớp 11, vì vài biến cố mà Dũng đã lựa chọn học ngành Công tác xã hội thay vì thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp như dự định ban đầu. Một năm sau, Dũng nhận ra bản thân không phù hợp với lĩnh vực hiện tại, vậy là “mình quyết định phải học Mỹ thuật, cái mình đam mê từ khi còn nhỏ.” Ấy vậy nhưng, niềm tự ti vì “người khác ôn luyện ròng rã bao lâu nay, trong khi mình chỉ có vỏn vẹn ba tháng để tìm lại kỹ năng vẽ” đã khiến Dũng không đủ can đảm nộp vào khoa đồ họa, thay vào đó Dũng chọn khoa thời trang với niềm an ủi rằng, dẫu sao đây cũng là một phần trong sở thích của cậu. Trớ trêu thay, điểm thi của Dũng lại đủ để đỗ vào khoa đồ họa. “Vậy là mình lại trễ hẹn chỉ vì không tin tưởng vào chính bản thân", Dũng chia sẻ.
Nguyễn Lê Việt Dũng |
Bước ngoặt quan trọng là khi Việt Dũng lọt top 20 Here We Go - Một cuộc thi dành cho các bạn trẻ yêu du lịch trên khắp Việt Nam có dịp chia sẻ và quảng bá vẻ đẹp đất nước. Việt Dũng nhận ra, sẽ thật tuyệt vời nếu có thể tự xây dựng hình ảnh, thiết kế, video… cho chính những chuyến đi của mình. Bởi vậy, Dũng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Digital và bắt gặp Mỹ thuật Đa phương tiện, lĩnh vực thỏa mãn đầy đủ mọi hình dung và kỳ vọng của cậu về công việc trong tương lai. “Mình đi đến một quyết định tạo bạo, nghỉ học đại học, đăng ký vào Arena Multimedia và mình muốn chứng minh cho bố mẹ thấy quyết định lần này là hoàn toàn chính xác. Đi một vòng, cuối cùng mình lại trở về vạch xuất phát ban đầu. 25 tuổi, cái tuổi bạn bè đã tốt nghiệp và có công việc ổn định thì mình vẫn loay hoay tìm kiếm bến đỗ học tập phù hợp, thật là điều không dễ dàng.”
Tại sao phải chờ tới tận bây giờ mới chịu sống vì đam mê
Dũng chia sẻ: “Bố mẹ mình luôn tôn trọng quyết định của con cái nhưng không phải là những người dễ tính. Lần đầu tiên chuyển trường, bố mẹ vẫn động viên, nhưng mình biết họ rất lo mình sẽ chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Bỏ học một lần rồi, đằng này lại muốn bỏ thêm lần nữa…” Đó là lý do, cậu quyết định giấu chuyện nhập học ở Arena Multimedia đến khi đạt được kết quả xuất sắc mới nói cho gia đình biết. Trước đây, Dũng học 6 buổi một tuần, vào Arena chỉ học một tuần 3 buổi. Vậy là trong những ngày không phải tới lớp, cậu vẫn thức dậy và ra ngoài để bố mẹ tin rằng mình đến giảng đường như bình thường. Áp lực tâm lý cứ đè nặng lên Dũng suốt cả học kỳ đầu tiên tại môi trường mới.
Không uổng công miệt mài cố gắng, đồ án Graphic Design của Dũng được hội đồng giảng viên đánh giá rất cao, cậu cũng thuận lợi tìm thấy một công việc Freelance đúng chuyên ngành. Tới lúc này, Việt Dũng mới đủ can đảm để cất lời: “Mình nói với gia đình đã nghỉ hẳn đại học, hiện chỉ học tại Arena và đi làm. Mẹ nghe thấy thế liền bảo nếu còn bỏ học thêm lần nào nữa, mẹ sẽ cắt tên mình ra khỏi sổ hộ khẩu.” Cậu hiểu rõ nỗi sợ của mẹ, mẹ sợ “quá tam ba bận”, sợ sau những lần chọn sai rồi bắt đầu lại con sẽ nản chí mà không thể vực dậy được. Còn về phần bố Dũng: “Mình nhớ như in câu của bố, rằng bố không hiểu nổi sao đầu tiên con không đi học luôn mà phải chờ tới tận bây giờ. Bố im lặng suốt hai ngày sau đó, đến ngày thứ ba bố hỏi mình: Khi nào nhận bằng tốt nghiệp phụ huynh có được tới dự không? Mình nói đùa rằng nếu đạt sinh viên xuất sắc sẽ để bố mẹ đến còn không thì xấu hổ lắm. Bố đáp lại: Không tốt bố vẫn đến.” Tới lúc này, Việt Dũng mới thực sự cởi bỏ gánh nặng bấy lâu nay, bởi hành trình sắp tới cậu đã có sự ủng hộ của gia đình bên cạnh, một sự ủng hộ toàn tâm toàn ý.
“Ở Arena, mình được khích lệ để thể hiện bản thân”
Nguyễn Lê Việt Dũng vừa hoàn thành học kỳ 2 tại Arena Multimedia với số điểm rất cao cho đồ án Web Design. Gần một năm gắn bó với cộng đồng sáng tạo này, Dũng chia sẻ về lý do lựa chọn nơi đây làm bến đỗ học tập: “Mình quen biết khá nhiều anh chị hoạt động trong lĩnh vực Thiết kế - Mỹ thuật. Trong quá trình tìm kiếm lời khuyên từ họ, Arena là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Điều khiến mình ấn tượng hơn cả chính là đồ án của học viên nơi đây, mình thực sự bị thuyết phục bởi phong cách và gu thiết kế hiện đại trong từng sản phẩm. Mình nghĩ rằng, không gì thể hiện rõ nhất chất lượng giảng dạy của một ngôi trường hơn đồ án tốt nghiệp của học viên ở đó. Bởi vậy, mình hoàn toàn tin tưởng vào sự lựa chọn lần này.”
Chia sẻ về một kỷ niệm khó quên trong quá trình học, Dũng kể: “Đó là vào ngày khai giảng, người đầu tiên mình được gặp gỡ là thầy Trần Quốc Lợi - Giảng viên phụ trách học kỳ 1: Graphic Design của Arena. Trong buổi trò chuyện và nghe thầy chia sẻ, thầy nói một câu khiến mình nhớ mãi: “Tôi thích những người bỏ học để rồi lại đi học.” Đối với các bạn khác, điều đó có thể rất bình thường, nhưng đối với mình nó như lời động viên, khích lệ để tiếp tục cố gắng vậy. Mình nhìn thấy bản thân trong câu nói của thầy và cũng thật may mắn bởi chính thầy là người đã dìu dắt mình trong khoảng thời gian đầu tiên tại Arena Multimedia.
Đối với Dũng, hai kỳ đồ án vừa qua là hai thử thách lớn trên hành trình theo đuổi ngành Multimedia Design. Nếu kỳ một là trải nghiệm độc lập về quá trình làm ra một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh, thì kỳ hai lại mang đến những nghiên cứu sâu sắc hơn trong trải nghiệm người dùng và thiết kế giao diện Website. Dũng bảo, trước đây cậu từng rơi vào tình trạng bị động, rõ ràng muốn học Mỹ thuật nhưng lại sợ vẽ. Sau này khi gia nhập vào Arena, cậu thấy mình chủ động hơn bởi môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khích lệ mỗi cá nhân thể hiện bản thân. “Mình khá hãnh diện bởi hai đồ án được đăng tải trên Website của trường. Còn nhớ mình đã từng ngưỡng mộ những gương mặt xuất hiện trên trang “Đồ án nổi bật” thì giờ đây mình cũng là một phần trong số đó rồi” - Dũng vui vẻ nói.
“Chỉ cần có một trái tim dũng cảm, tất cả rồi sẽ ổn thôi”
Có niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa truyền thống và nghệ thuật cổ điển, Việt Dũng sớm định hình phong cách cá nhân: “Mình là người hoài cổ, yêu những điều xưa cũ mang vẻ đẹp tự nhiên, tao nhã. Đó là lý do trong hai đồ án tại Arena Multimedia, mình đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Chơi Rối” để quảng bá nghệ thuật múa rồi nước Việt Nam. Đồng thời thiết kế giao diện Web “The Castle” - bảo tàng trưng bày các tác phẩm thời kỳ phục hưng.” Dũng cho biết, thần tượng trong giới nghệ thuật đã truyền cho cậu nhiều cảm hứng sáng tạo chính là họa sĩ minh họa Thái Mỹ Phương (Tamypu): “Những tác phẩm của chị đều gửi gắm một thông điệp gần gũi, đó cũng chính là mục tiêu mà mình muốn thực hiện trong các sản phẩm sắp tới của mình.”
Nói về dự định tương lai, Việt Dũng cho biết: “Mình muốn đầu quân vào một Agency để trải nghiệm và học hỏi trong môi trường có nhiều người trẻ năng động. Xa hơn, mình hy vọng có thể trở thành một Graphic Designer tự do, kiêm Travel Blogger để thỏa mãn ước mơ rong ruổi khắp mọi miền đất nước, gặp những con người thú vị và kể những câu chuyện truyền cảm hứng tích cực đến khán giả.” Việt Dũng cũng đặc biệt đam mê nhiếp ảnh, đối với cậu bạn này, cầm máy là một sở thích thuần túy, nếu thiết kế mang đến sự thỏa mãn cả về vật chất lẫn tinh thần thì nhiếp ảnh chỉ đơn giản là nơi gửi gắm những vui buồn cuộc sống: “Sau mỗi chuyến đi, mình thường xem lại các bức ảnh đã chụp, để nhớ lại nơi dấu chân mình đã in lại, rồi kể với mọi người câu chuyện sau bức ảnh ấy.”
Niềm đam mê, sáng tạo cùng với sự chỉn chu là ba điều Dũng luôn ghi nhớ khi làm việc: “Mình không cho phép bản thân từ bỏ khi các sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Tuổi trẻ, suy nghĩ mới mẻ và thái độ sẵn sàng học hỏi là thứ mình có nhiều nhất để phát triển bản thân”. Cuối cùng, gửi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ cũng đang loay hoay trên hành trình tìm kiếm đam mê đích thực của bản thân, Việt Dũng bộc bạch: “Nếu bạn có đam mê và mong muốn được làm điều mình thích thì không lúc nào là muộn cả. Chỉ cần bạn có một trái tim dũng cảm tất cả rồi sẽ ổn thôi.” Quả thực, mỗi người đều có một hành trình riêng, bởi vậy đừng vì bất kỳ rào cản hay định kiến nào mà đánh mất giấc mơ của bản thân trên con đường thực hiện hóa giấc mơ của mình.