Khi nhận được thông tin đạt từ Ban Tổ chức, Đạt đã có chút nghi ngờ vì giải thưởng này đã được Đạt làm hồ sơ vào tháng Năm trước khi nghỉ Hè lớp 12, đến tháng 11/2023 nhận được kết quả đậu là một bất ngờ với Đạt. Giải thưởng này khiến Đạt hạnh phúc và biết ơn những cố gắng của bản thân, đồng thời tự hào khi mình là một trong 18 cá nhân nhận Giải thưởng năm nay.
Là một học sinh người dân tộc thiểu số, hiện tại, một mình xa gia đình lên Hà Nội học tập, không có người thân bên cạnh, giải thưởng này như một nguồn động viên lớn về cả vật chất lẫn tinh thần với cá nhân Đạt, gia đình và nhà trường. Đạt tâm sự: “Mình biết rằng, những cố gắng của mình luôn được công nhận từ mọi người, dù ít hay nhiều. Chính vì thế, mình càng cố gắng hơn nữa để học tập, phát triển bản thân, không phụ sự tin tưởng của mọi người”.
Hoàng Mạnh Đạt (thứ 2, từ trái qua) nhận được Giải thưởng Vừ A Dính năm 2023. (Ảnh: NVCC) |
Trong ba năm học THPT, Đạt có 3 dự án nghiên cứu khoa học là đồng tác giả, đều đoạt giải Ba cấp Tỉnh. Nói về cơ duyên đến với những dự án nghiên cứu khoa học, Đạt cho rằng, rất tình cờ khi một lần, Đạt xin đi theo cô giáo hướng dẫn để thực hiện dự án nhưng không ngờ lại gắn bó và đạt được những kết quả như vậy. Dự án đầu tiên Đạt làm về hệ thống thông minh kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn ở mô hình nuôi cá Hồi Vân tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Dự án thứ hai mà Đạt tham gia là thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà. Dự án thứ ba, Đạt và nhóm phân tích thành phần hóa học trong tinh dầu chanh rừng ở Mẫu Sơn và ứng dụng vào các chế phẩm khác.
Với Đạt, mỗi dự án đều có những kỷ niệm riêng, trong đó, dự án đầu tiên để lại trong nam sinh nhiều kỷ niệm nhất, bởi đó là dự án đầu tiên Đạt thực hiện nghiên cứu, liên quan đến những kiến thức và kỹ năng mới mà nam sinh cần học như lập trình cơ bản, lắp ráp và chạy thử sản phẩm... Vì chưa có kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông nên Đạt phải học tập song song rất nhiều kỹ năng, có những hôm học đến đêm muộn giữa trời mùa đông lạnh 10 độ C tại Lạng Sơn.
Đặc biệt, trong lần thực hiện nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Đạt chọn địa điểm là nơi sống những người dân tộc thiểu số, không biết tiếng phổ thông, nên việc giao tiếp rất khó khăn và cần có người phiên dịch. Nhưng rất may mắn là nhóm của Đạt được người dân tin tưởng cho thực nghiệm tại mô hình của họ, được họ giúp đỡ rất nhiều. Đạt chia sẻ: “May mắn là giáo viên hướng dẫn của mình là người dân tộc Dao, cô vừa là người hướng dẫn, vừa là người liên kết và phiên dịch cho chúng mình trong suốt quá trình nghiên cứu”.
Hiện tại, Đạt đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Ở nghiên cứu khoa học đầu tiên, nhóm của Đạt chọn đo chất lượng nước đầu nguồn cho bể nuôi cá hồi và xử lý nước thải từ bể cá hồi thải ra, vì lúc đó, người dân nuôi cá hồi, không có công nghệ để kiểm soát chất lượng nước nên cá bị chết rất nhiều, nước thải ra môi trường không được xử lý mà thải trực tiếp tại vùng đầu nguồn, gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
Nói về ý nghĩa của nghiên cứu khoa học, nam sinh người Tày bộc bạch, mỗi dự án nghiên cứu khoa học đều đem lại lợi ích, như giúp Đạt học nhiều điều mới, phát triển các kỹ năng nghiên cứu, thuyết trình, viết lách, tìm kiếm thông tin... và cập nhật kiến thức về lĩnh vực nghiên cứu, ngoài ra, còn giúp Đạt tự tin thực hiện những điều mình ấp ủ.