Xin chúc mừng Bảo đã trở thành một trong hai chủ nhân của Học bổng Sáng tạo RMIT năm nay. Bảo còn nhớ cảm xúc khi nhận tin mình giành học bổng không?
Lúc đó là một buổi tối như mọi ngày, em đang ngồi ở bàn làm việc thì nhận được email thông báo của RMIT. Khi đọc thư thì em gần như không tin vào mắt mình, sau đó cảm giác rất nhẹ nhõm vì mình đã vượt qua được mọi khó khăn để đạt được mục tiêu lớn nhất. Người đầu tiên em báo tin vui là ba mẹ và ngay sau đó là nhóm bạn thân của em – mọi người đều rất vui và tự hào về em.
Trần Lâm Nam Bảo (thứ hai từ phải) là một trong hai sinh viên nhận Học bổng Sáng tạo của Đại học RMIT Việt Nam năm nay. |
Hành trình Bảo đến với học bổng của Đại học RMIT đã bắt đầu ra sao?
Lần đầu tiên em biết đến RMIT là thời gian tham gia cuộc thi làm phim do RMIT tổ chức mà đội em đã giành giải cao nhất. Nhờ đó em biết được RMIT là một trong những ngôi trường đào tạo các ngành sáng tạo hàng đầu ở Việt Nam và có thứ hạng cao trên thế giới. Em cũng tìm hiểu và biết được trường có rất nhiều học bổng khác nhau.
Ban đầu em nhắm vào học bổng cao nhất (Học bổng toàn phần) và nó đã khiến em thay đổi thành một con người hoàn toàn khác – luôn chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân và đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong những dự án trong và ngoài trường. Nhưng tiếc là cũng vì dành quá nhiều thời gian cho các dự án mà em không sắp xếp được thời gian học ở trường và không đủ điểm trung bình lớp 12 từ 9,0/10,0 trở lên để tranh Học bổng toàn phần. Tuy nhiên, giành được Học bổng Sáng tạo trị giá 50% học phí là một thành tích khiến em rất tự hào.
Đối với Bảo, phần khó nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng là gì?
Đó có lẽ là hồ sơ thể hiện năng lực sáng tạo (portfolio). Em không muốn hồ sơ này chỉ như một phòng trưng bày tranh ảnh hay sản phẩm thiết kế của mình, mà là một cuốn sách thể hiện cả con người em nữa. Em nhận thức được đây không chỉ là “portfolio của một designer”, mà là của một ứng viên tranh suất học bổng. Vì vậy, em đã đưa vào một vài câu chuyện cá nhân của riêng mình theo dạng blog, như là quá trình em mang luồng gió sáng tạo vào môi trường trường học, hay cách em tạo nên một dự án mang lại ảnh hưởng trên khắp cả nước như thế nào, và cả ước mơ được vào RMIT của em.
Một khó khăn lớn nữa là thời gian, vì quyết định vào RMIT và tranh Học bổng Sáng tạo là bước đi bất ngờ của em và gia đình vào phút cuối. Em gần như phải chạy nước rút trong vòng ba tuần để hoàn thành bốn đầu việc cùng lúc: học lấy chứng chỉ IELTS, làm portfolio, ôn thi đại học, và dự án riêng (làm thiết kế chính cho đại nhạc hội Tuổi Hồng của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai).
Phải nói rằng đó là khoảng thời gian gần như căng thẳng nhất em từng trải qua trong đời. Bây giờ nhìn lại em vẫn thấy thật kỳ diệu vì đã vượt qua tất cả để thực hiện được mục tiêu lớn nhất của mình.
Bảo bắt đầu đam mê thiết kế đồ họa từ năm lớp 9. |
Từng thử sức với làm phim và âm nhạc, nhưng Bảo đã quyết định theo học ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo. Thiết kế có phải là đam mê từ lâu của Bảo?
Từ cấp 1 em đã sớm xác định được thế mạnh của mình là những công việc liên quan đến sáng tạo. Thời gian rảnh rỗi em thường thích chơi Lego và game thiết kế nhà 3D trên iPad, đến nỗi em từng ước mơ làm kiến trúc sư. Lên cấp 2 thì em nhận ra mình có niềm yêu thích với việc đứng trên bục giảng và thuyết trình, cùng với đó thì em luôn đảm nhận phần PowerPoint khi làm việc nhóm. Em nhận ra rằng mình thích tạo ra giá trị và cái đẹp.
Lý do đầu tiên khiến em bắt đầu học Photoshop khá buồn cười, đó là em muốn kiếm thêm tiền để phụ gia đình. Em mày mò thiết kế áo để bán trên trang web quốc tế, nhưng cuối cùng lại không được vì em không có tài khoản ngân hàng. Đến năm lớp 9, em nhận thiết kế áo đồng phục của lớp, rồi sau đó bạn bè mời em làm logo và bài đăng trên mạng xã hội cho các dự án kinh doanh của các bạn. Từ đó niềm đam mê làm ra những thứ bắt mắt trên Photoshop của em lớn dần.
Năm lớp 9 cũng là thời điểm em biết đến khái niệm “thiết kế đồ họa” và bắt đầu chuỗi ngày “cắm mặt” vào màn hình nghiên cứu trên trời dưới đất về lĩnh vực này. Em tự tìm kiếm cơ hội để phát triển chuyên môn qua các câu lạc bộ, sự kiện, dự án ở trường, rồi dần dần các cơ hội làm việc tự tìm đến với em nhiều hơn. Thời gian trôi qua, trong mắt bạn bè em luôn là một người có thể tạo ra những thứ đẹp đẽ trên màn hình và em rất tự hào về điều đó.
Em rất thích những thứ liên quan tới sáng tạo khác như là làm phim hay âm nhạc, nhưng thiết kế luôn là thứ mà em tự tin nhất và có thể nói về nó hàng giờ đồng hồ mà không chán. Hiện tại nó là tình yêu lớn nhất của em, nhưng em vẫn luôn muốn giữ cho mình một cái đầu mở để thử sức thêm những ngành mới, biết đâu một ngày em có thể rẽ theo hướng khác.
Kế hoạch của Bảo trong những học kỳ đầu ở trường đại học là gì?
Em luôn hướng đến thực tập hay làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp như agency, nhưng thời gian đầu khi mới bước vào RMIT em xác định sẽ tập trung vào việc học trước để làm quen với mật độ bài tập và quản lý thời gian cho những dự án, công việc bên ngoài và cả việc học trên trường. Ngoài thời gian học, em cũng muốn gặp gỡ và làm quen những người giỏi và cùng chí hướng để tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước, vừa làm đẹp hồ sơ bản thân, vừa đóng góp thành tích cho ngôi trường em theo học.
Thiết kế rất rộng, hơn ba năm học nó em thậm chí chưa biết tất cả về thứ em tự tin nhất, đó là thiết kế 2D. Bản thân em vẫn đang muốn thử sức thêm với 3D, đồ họa chuyển động, nghệ thuật trình bày chữ (typography), nhiếp ảnh,...v.v. RMIT sẽ là một môi trường để em có quyền được tự do làm những thứ em đã muốn làm từ lâu mà không sợ bị gò bó.
Bảo nổi lên trên cộng đồng mạng Việt Nam vào đầu năm 2022 với dự án “thay áo mới” cho sách giáo khoa – dự án nhận được hàng chục ngàn lượt yêu thích trên mạng xã hội chỉ sau một đêm. Tìm hiểu thêm về các dự án của Trần Lâm Nam Bảo tại https://nambao.super.site hoặc https://www.behance.net/nam-bao. |
Nhiều người đã biết đến Bảo qua dự án thiết kế lại sách giáo khoa và đây có lẽ cũng là một trong những chìa khóa giúp Bảo chinh phục Học bổng Sáng tạo RMIT. Dự án này sẽ có ý nghĩa gì cho hành trình tiếp theo của Bảo?
Bên cạnh việc dự án đã mang lại cho em rất nhiều cơ hội lớn sau đó, bài học lớn nhất mà em học được chính là bất kỳ một sản phẩm sáng tạo nào được nhiều người biết đến luôn không thể tránh được những ý kiến trái chiều, nhưng giá trị tích cực của nó vẫn sẽ luôn còn đó và được tiếp cận bởi những người thật sự hiểu giá trị của nó. Bản chất và sứ mệnh của sáng tạo chính là mang giá trị cho xã hội, theo nhiều cách khác nhau. Đây sẽ luôn là đứa con tinh thần để em nhớ về khi còn là một cậu học sinh bước đầu tập tành sáng tạo, để làm động lực cho bản thân tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm mang đến giá trị hơn trong tương lai.