Phát biểu tại buổi khai mạc, anh Tôn Thất Minh Khôi (đồng sáng lập Ngày hội và đồng Trưởng Ban Tổ chức) chia sẻ: “Tôi mong muốn 'Tóc xanh - Vạt áo' sẽ trở thành một Ngày hội Việt phục thường niên, là dịp để chúng ta mặc lên người những chiếc áo dài một cách đầy tự hào mà không cần phải e ngại. Trang phục của cha ông chúng ta luôn đẹp đẽ và mãi là niềm tự hào của dân tộc”.
Theo đó, Ngày hội là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hoá Sóng đôi, được sáng lập vào năm 2021. So với năm ngoái, Ngày hội năm nay có nhiều hoạt động đa dạng hơn. Ngoài được mặc thử áo dài ngũ thân truyền thống, cổ phục Việt, bạn trẻ còn được trực tiếp chiêm ngưỡng các loại phục sức, trang sức của hậu cung thời Nguyễn. Đặc biệt, sự xuất hiện của gian hàng chuyên phỏng dựng những nét cổ phong của người Chăm đã thu hút nhiều bạn trẻ thích thú tìm hiểu.
Ban Tổ chức cắt băng khánh thành, chính thức khai mạc Ngày hội Việt phục 'Tóc xanh - Vạt áo', mở màn cho Tuần lễ Văn hoá Sóng đôi. |
Yêu thích và mong muốn lan toả những giá trị văn hoá truyền thống của người Chăm, anh Nik nói: “Nhìn thấy các bạn trẻ bày tỏ sự quan tâm đến gian hàng như vậy, tôi rất kinh ngạc. Khi làm về văn hoá Chăm, tôi đã rất dè dặt khi tiếp xúc với những bạn trẻ người Việt, kể cả những bạn trẻ trong giới cổ phong bởi có một bộ phận có suy nghĩ và quan niệm lệch lạc về dòng văn hoá không thuộc văn hoá Hán. Tôi rất ít muốn va chạm vì nó sẽ làm tôi nhụt chí. Tuy nhiên, sau đó, tôi được làm quen với nhiều anh chị bên giới cổ phong và được họ, động viên để mạnh dạn thâm nhập, phổ biến, cũng như mở rộng giới cổ phong của người Việt”.
Anh Nik giới thiệu về các cổ phục người Chăm. |
Ở các gian hàng khác, các bạn trẻ cũng tham gia trải nghiệm mặc cổ phục, áo dài ngũ thân rất đông. Liêu Ngọc Hoàng (ngành Ngữ văn Anh) chia sẻ: “Năm ngoái, mình đã tham gia Ngày hội Việt phục 'Tóc xanh - Vạt áo'. Năm nay, quy mô Ngày hội lớn hơn, vui hơn và có nhiều gian hàng hơn. Nó mang lại cho mình trải nghiệm có “một không hai”. Mình cảm thấy như được quay trở về quá khứ, được “xuyên không” vậy. Trước nay, người ta thường nói người trẻ thường không quan tâm nhiều đến lịch sử, văn hoá nhưng tụi mình muốn chứng minh điều ngược lại”.
Bạn trẻ thích thú và tự hào khi diện lên người bộ trang phục mà cha ông đã từng mặc. |
Di chuyển từ TP. Thủ Đức đến Ngày hội từ sớm, Đậu Văn Trung Hậu (19 tuổi) chọn diện chiếc áo tấc thời Nguyễn, nói: “Mình đã tìm hiểu về cổ phục Việt khoảng một năm rưỡi. Tham gia sự kiện, mình cảm thấy rất vui vì được ngắm nhìn các cổ phục nam và được mặc lên người những bộ trang phục mà cha ông mình từng mặc. Điều này giúp mình càng thêm yêu văn hoá nước nhà”.
Bạn trẻ được trải nghiệm các triển lãm tư liệu, hiện vật văn hoá của cổ phục Việt. |
Song song cùng việc tham quan, trải nghiệm trực tiếp nét văn hoá truyền thống Việt ở các gian hàng, bạn trẻ còn được lắng nghe các buổi tọa đàm về cổ phục, tham gia đêm Gala với sự góp mặt của các khách mời là ca sĩ nổi tiếng. Tuần lễ Văn hoá Sóng đôi 2022 sẽ được diễn ra xuyên suốt từ ngày 13/3 đến ngày 19/3, gồm các hoạt động: Cuộc thi ảnh trực tuyến “Nét Việt”, tuần lễ “Phim Việt hôm nay”, triển lãm mỹ thuật “Dòng chảy đôi mươi” và chương trình âm nhạc dân tộc học đường “Thường thức trăm năm”.
Thông qua đó, Ban Tổ chức mong muốn lan toả nhiều hơn những giá trị tích cực, truyền thêm niềm cảm hứng cho thế hệ trẻ tài năng. Đây cũng là dịp để giới thiệu về những nét văn hoá truyền thống đáng quý. Từ đó, gợi lên tinh thần yêu mến, động lực tìm hiểu về văn hoá, cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.