Không thể phủ nhận, làn sóng Hallyu hay làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã và đang là một phần tạo nên đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung và giới trẻ hiện nay nói riêng. Có lẽ bởi vậy mà sự quan tâm của công chúng dành cho những hình tượng sao Hàn Quốc đặc biệt lớn, đi kèm với đó là nhiều ý kiến khác nhau thể hiện quan điểm của mình dành cho những hình tượng sao Hàn Quốc này, đặc biệt là về các sao nam.
“Ngoại hình của sao nam Hàn Quốc thật sự rất thú vị, họ không bó buộc mình trong một hình tượng nào đó mà luôn biến đổi, mang nhiều sắc màu. Nhiều người thường gọi những hình tượng “nam tính mềm” là “ẻo lả”, điều này là không hợp lý. Bởi vậy chúng mình đã nghĩ không còn gì thích hợp hơn một talkshow giải mã hình tượng “nam tính mềm” của các sao nam Hàn Quốc để nâng cao nhận thức về thể hiện giới tới công chúng vào thời điểm này”, Nguyễn Thị Thanh Vân - thành viên BTC cho biết.
Vân cũng chia sẻ thêm: "Khó khăn nhất chắc là khâu làm việc giữa ban tổ chức và các diễn giả, khó ở cả việc hẹn làm việc với nhau do khác múi giờ sinh sống, lẫn ở việc làm sao để cân bằng phần nội dung trò chuyện của từng người”.
Diễn giả của talkshow đều là hai gương mặt quen thuộc: Chị Lương Minh Thi, Tiến sĩ Truyền thông tốt nghiệp từ trường Đại Học Victoria, Wellington (New Zealand) và anh Vũ Hoàng Long, founder của trang fanpage Người Kể Chuyện.
Lâu nay, không chỉ phụ nữ mà chính đàn ông cũng bị gắn với các định kiến, các “tiêu chuẩn kép”, vô hình ràng buộc họ với các khuôn khổ, hình tượng nhất định và kìm hãm sự tự do thể hiện giới, tự do sống cuộc sống của mình. “Đàn ông thì không được khóc” là một trong số đó, và “nam tính mềm” còn là khái niệm mới mẻ, ít được thấu hiểu ở thời điểm hiện tại.
Là một phần đại diện cho “nam tính mềm”, làn sóng Hallyu đến từ Hàn Quốc có lẽ là ví dụ gần gũi nhất cho thấy “nam tính mềm” còn gây nhiều tranh luận. Đây cũng là lý do mà Nhà Nhiều Cột, cũng như BTC talkshow “Hallyu và sự tái định nghĩa ‘nam tính’” quyết định mở buổi trò chuyện để bàn luận sâu hơn về khái niệm này.
“Bản thân em trước đây cũng từng vô tình suy nghĩ, con trai là phải mạnh mẽ thế này, con trai là phải làm được thế kia, như những gì phần đông đang đóng khuôn cho nam giới. Nhưng sau khi tham gia talkshow, em mới nhận ra, đàn ông hay phụ nữ thì họ cũng là con người, và không có gì gọi là “tiêu chuẩn” cho từng giới cả vì xét cho cùng đó là quyền tự do của con người”, Linh nói.
Talkshow “Hallyu và sự tái định nghĩa ‘nam tính’” đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ, với lượt tham gia lên tới gần 200 người trong buổi nói chuyện. Talkshow cũng nhận về rất nhiều câu hỏi và trao đổi sâu từ phía khán giả, cho thấy sự nhiệt tình của công chúng trong hành trình mở rộng khái niệm về thể hiện giới.