Xã hội hiện nay đang ngày càng phát triển, con người cũng vì thế mà ưa chuộng những thứ hiện đại, tiện lợi hơn, dần quên đi những nét văn hoá cổ truyền từ xa xưa. Tết Trung thu, từ ngàn năm qua vẫn luôn là một nét đẹp đặc trưng trong văn hoá người Việt. Trong ký ức của nhiều thế hệ, không khó để bắt gặp hình ảnh những người ông, người cha, xếp những chiếc đèn lồng từ giấy bóng và tre nứa, hoặc thô sơn hơn là những tờ giấy A4, những vỏ lon được gọt giũa, tạo nên một chiếc đèn lồng Trung thu, dành riêng cho các em nhỏ. Những hình ảnh người dân ở các làng nghề truyền thống miệt mài làm ra từng chiếc đèn, từng món đồ chơi Trung thu.
Tuy nhiên đối với xã hội ngày nay, hình ảnh đấy đã dần mai một, thay vào đó người ta thường ưa chuộng những vật phẩm có sẵn, hiện đại và lạ mắt hơn, những món đồ chơi truyền thống giờ chỉ còn hiện hữu trong ký ức của mỗi người. Với mong muốn có thể đưa thế hệ trẻ ngày nay trở lại cùng những nét đẹp truyền thống đó, sau hơn một tháng lên ý tưởng, nhóm sinh viên lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hoá K40 thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lên kế hoạch, tổ chức chương trình Nguyệt sắc 2023 – một workshop làm đèn Trung thu truyền thống.
Workshop “Nguyệt sắc 2023” với chủ đề “Treo đèn đón trăng lên” được lên ý tưởng, tổ chức bởi nhóm sinh viên lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hoá K40 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền . |
Chương trình workshop Nguyệt sắc 2023 với chủ đề “Treo đèn đón trăng lên”, đan xen giữa những cái “cũ - mới”, “xưa – nay” của Tết Trung thu, tạo nên một hoạt động tích cực, ý nghĩa cho cộng đồng. Nguyệt sắc 2023 gửi đến mọi người một thông điệp “Mùa thu hy vọng – Trân trọng yêu thương” - một hoạt động ý nghĩa, gìn giữ nét đẹp văn hoá cổ xưa của Tết Trung thu. Ngoài ra, chương trình không chỉ dừng lại ở hoạt động truyền cảm hứng, khơi gợi về những nét văn hoá cổ truyền cho mọi người, mà còn mang đến Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở viện Nhi thông qua hoạt động trao tặng những sản phẩm yêu thương.
Chương trình có sự đan xen giữa những cái “cũ - mới”, “xưa – nay” của Tết Trung thu, tạo nên một hoạt động tích cực, ý nghĩa cho cộng đồng, mong muốn gìn giữ được nét đẹp văn hoá cổ xưa. |
Chương trình được thực hiện bởi 14 thành viên, là những sinh viên ưu tú của lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hoá K40. Trong quá trình thực hiện, mỗi thành viên sẽ đảm nhận một hoặc nhiều vai trò khác nhau, cả nhóm cũng không tránh khỏi gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cũng như làm sao để có thể truyền tải được rõ nét nhất thông điệp muốn hướng đến cho tất cả mọi người, khơi gợi ký ức về Trung thu, sự tiếp cận của mọi người với chương trình,...
Bạn Lê Đức Đạt (sinh năm 2002, sinh viên lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hoá K40 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) – Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “Từ 2 năm trước, mình đã ấp ủ mong muốn tạo nên một sự kiện, với mục đích đóng góp vào việc bảo vệ và giữ gìn những nét văn hoá, hướng đến cộng đồng, xã hội ngày nay. Đồng thời, đây cũng là bài tập lớn của môn Tổ chức sự kiện – một trong những môn học ở trường của mình. Trải qua quá trình nghiên cứu về những nét văn hoá của dịp Tết Trung Thu xưa và nay, bản thân mình nhận thấy, Tết Đoàn viên mỗi năm ngày một khác và đang có xu hướng bị mai một đi những nét đẹp truyền thống. Vì vậy, chúng mình đã quyết định tổ chức chương trình, lấy tên gọi Nguyệt sắc 2023 với ý nghĩa là ánh trăng, cùng thông điệp Mùa thu hy vọng – Trân trọng yêu thương muốn gửi gắm đến mọi người. Trong quá trình tổ chức, mặc dù cả nhóm còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng mình vẫn quyết tâm thực hiện, để biến những ý tưởng trở thành sự thật. Hy vọng mọi người có thể nhìn nhận và bảo tồn, phát huy những giá trị mang tính truyền thống của dân tộc. Đồng thời, cũng là cơ hội để mình cùng các bạn sinh viên, cũng như mọi người có thể đem đến những món quà, trao đến tay những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, để các em có thêm một mùa trăng ý nghĩa”.
Bạn Lê Quang Kiên (sinh năm 2002, sinh viên lớp Quản lý hoạt động - tư tưởng văn hoá K40 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng chia sẻ thêm: “Khi thực hiện dự án này, bản thân mình cũng là một freelancer về phim ảnh, điện ảnh. Mình cảm thấy may mắn vì được sử dụng chính chuyên môn của bản thân góp sức vào chương trình, trong vai trò là ban thiết kế. Không chỉ sử dụng những kiến thức mà bản thân có sẵn, mình còn khám phá thêm về bản thân và làm được nhiều điều hơn thế, vừa làm, vừa học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức vào chuyên môn nghiệp vụ, phát huy được hết những gì mình có và mong muốn có được một sự kiện ý nghĩa dành cho mọi người.
Đối với mình, Trung thu là một dịp lễ có nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, Trung Thu là Tết Đoàn viên, dịp mà chúng ta có thể kết nối các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trong thời đại 4.0 ngày nay, để chúng ta có thể gạt bỏ hết các thiết bị điện tử, gạt bỏ bộn bề công việc sang một bên, quây quần bên những người mà chúng ta yêu thương, cùng nhau tự tay làm nên những chiếc đèn lồng thật ý nghĩa –tượng trưng cho sự may mắn, bình an, gửi gắm yêu thương vào trong những chiếc đèn lồng”.
Bên cạnh đó, Nguyệt sắc 2023 mong muốn mang đến Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở viện Nhi, thông qua hoạt động trao tặng những sản phẩm yêu thương. |
“Mang những nét đẹp cổ truyền đến với thế hệ hiện đại”, truyền đạt cho mỗi người tham gia, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hoá xưa, hiểu sâu thêm về Tết cổ truyền Trung thu, tiếp cận và truyền cảm hứng cho nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ là những điều mà các bạn nhóm sinh viên của lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hoá K40 luôn hướng đến sau khi kết thúc chương trình.
“Mang những nét đẹp cổ truyền đến với thế hệ hiện đại”, chương trình với thông điệp “Mùa thu hy vọng – Trân trọng yêu thương”. |
Workshop Nguyệt sắc 2023 được diễn ra chính thức từ 18h30 – 21h30, ngày 26/09/2023 (Tức thứ ba, ngày 12/08/2023 âm lịch), tại Di tích quốc gia Đình Kim Ngân (số 42 - 44 phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).