Hội trại 'Tiếng mõ Nam Lân' lần thứ 5, năm 2023 do Thành Đoàn TP. HCM, Bộ Tư lệnh TP. HCM và UBND huyện Hóc Môn phối hợp tổ chức, diễn ra trong 2 ngày, 11 - 12/11/2023. 350 trại sinh đã dự sự kiện được tổ chức tại địa điểm ghi dấu nhiều chiến công cách mạng lẫy lừng của Nam Bộ và cả nước từ thời kỳ chống thực dân Pháp đến nay.
Đại tá Nguyễn Công Anh - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP. HCM cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm triển khai, tổ chức Hội trại với sự nhiệt huyết của thanh niên thành phố, công tác chuẩn bị cho Hội trại được đầu tư, phối hợp giữa các đơn vị.
Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Ngã ba Giồng để tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc. (Ảnh: TLTĐ) |
Trong những ngày diễn ra hội trại, các trại sinh từ 6 tiểu trại (Ngã ba Giồng, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Tân Xuân, Xuân Thới Đông, Trung Chánh) cùng nhau thực hiện nhiều phần việc có ý nghĩa, vừa ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vừa thiết thực tiếp bước cha anh, góp phần xây dựng thành phố và đất nước ngày càng phát triển.
Các tiểu tại tại Hội trại 'Tiếng mõ Nam Lân' năm 2023. (Ảnh: TLTĐ) |
Ngay sau Lễ khai mạc, đoàn đại biểu Hội trại đã đến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Sè (ngụ tại số 12/4 ấp 1, xã Xuân Thới Thượng); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nết (ngụ tại 11/5 tổ 4, ấp 2, xã Xuân Thới Sơn) và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Đặng (16/4A ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn).
Nhiều hoạt động thi đua diễn ra tại Hội trại 'Tiếng mõ Nam Lân' năm 2023. (Ảnh: TLTĐ) |
Cũng tại Hội trại, Ban Tổ chức đã trao tặng 20 phần quà cho các em thiếu nhi học tốt vượt khó, trao tặng nguồn lực xây dựng ấp an toàn khu, xã nông thôn mới và trao tặng công trình “Đường cờ Tổ quốc qua địa chỉ đỏ”.
Đêm lửa trại sôi động tại Hội trại 'Tiếng mõ Nam Lân' năm 2023. (Ảnh: TLTĐ) |
Các đội tham gia Hội trại 'Tiếng mõ Nam Lân' năm 2023 nhận khen thưởng từ Ban Tổ chức. (Ảnh: TLTĐ) |
Hội trại truyền thống 'Tiếng mõ Nam Lân' nhằm giáo dục truyền thống anh hùng của quân và dân ta tại địa danh lịch sử “18 thôn vườn trầu” Bà Điểm – Hóc Môn trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Qua đó, Thành Đoàn TP. HCM xây dựng niềm tin, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên Thành phố; hun đúc tinh thần xung kích, ý chí quyết tâm sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Huyện Hóc Môn được cả nước biết đến với cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu vào năm 1885 và Hóc Môn chính là nơi được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ bí mật để mở nhiều hội nghị quan trọng, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, thời kỳ 1936 - 1939.