Từ khi được nghỉ Tết, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, Nguyễn Bảo Khánh thức dậy chuẩn bị đi làm. Đang là sinh viên năm thứ 3 tại thủ đô, ngay khi có lịch nghỉ từ trường, Khánh đã lên kế hoạch để làm việc xuyên tết. “Thu nhập của mình trung bình 1 triệu một ngày, thời gian làm khoảng 15 ngày, mọi năm đều thu về 15 đến 20 triệu” – anh chàng chia sẻ. Công việc mà cậu sinh viên này làm cũng vô cùng thú vị, đó là bán đào tết.
Khánh đã cùng gia đình bán hoa Tết từ lúc còn học cấp 3. |
Từ ngày 23 tháng chạp, Khánh phụ gia đình bán cá chép phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo. Những ngày trong Tết, ngoài bán hoa đào, Khánh phụ giúp gia đình bán thêm hoa quả Tết. “Ngoài phụ giúp gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập của mình để mình tự trang trải cho bản thân, mua sắm Tết phụ bố mẹ, có những năm mình gửi hết tiền của mình cho mẹ luôn. Tết thấy người người, nhà nhà đi sắm Tết, các bạn cùng trang lứa của mình đi du xuân, ban đầu mình cũng thấy buồn, nhưng lớn rồi mình thấy niềm vui của bố mẹ là niềm vui của mình nên mình hào hứng lắm.”
Cũng trong những ngày cuối năm, anh Phạm Quang Duy (sinh năm 1994, Hưng Yên) chọn ra Hà Nội để tìm việc làm xuyên tết. Qua thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội, anh Duy tìm được công việc là bảo vệ một khu chung cư tại quận Thanh Xuân. Với mức lương 700 ngàn 1 ngày từ 28 đến mùng 7 âm lịch, anh Duy mong muốn kiếm thêm một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Đây là lần đầu tiên anh không về quê mà làm xuyên tết. Trao đổi với PV, anh Duy nghẹn ngào: “Cũng hơi buồn và nhớ nhà, năm nay nhà mình mới có cháu nhỏ, mình làm thêm Tết này để lo cho cháu tốt hơn, giao thừa chắc chắn mình sẽ gọi về, mùng 6 Tết xong việc mình sẽ về quê ngay, sẽ mua quà cho vợ con.”
Các trường đại học trên cả nước đều có lịch nghỉ tết từ 15 đến 20 ngày, có trường vì trùng lịch nghỉ sau học kỳ 1 nên số ngày nghỉ thậm chí lên đến 1 tháng. Tranh thủ thời gian rảnh, nhiều sinh viên tham gia thị trường việc làm thời vụ trước và trong tết để kiếm thêm thu nhập, có thêm trải nghiệm.
Việc tìm đến người, cẩn thận vẫn hơn
Nhu cầu việc làm thời vụ những ngày cuối năm tăng cao, đa phần là những công việc tạp vụ, bảo vệ, nhân viên pha chế, nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi… Theo anh Thắng – người tuyển dụng của một công ty bảo vệ: “Cứ mỗi dịp lễ tết chúng tôi lại phải hoạt động hết công suất để tìm nguồn lao động thời vụ cho các khu chung cư, trung tâm thương mại bởi lượng nhân sự ở những chỗ này rất mỏng, khi những người làm chính nghỉ tết, không có người thay, họ liên hệ chúng tôi để tìm người thay thế. Tuỳ từng nơi trả nhưng đa phần giao động trong khoảng 500 đến 800 ngàn 1 ngày tết, chúng tôi thường tuyển trước nửa tháng, thậm chí cả tháng cho các bạn quen việc dần, mức lương vẫn ưu đãi từ 35 đến 50 ngàn đồng 1 giờ”.
Trên các hội, nhóm tìm việc làm, không khó để tìm một công việc làm xuyên tết. Thế nhưng người lao động cũng cần cảnh giác trước những thông tin tuyển dụng lừa đảo mà chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong từng phản ánh trước đó. Bởi những hình thức lừa đảo tuyển dụng dù được phản ánh liên tục và có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong thời gian qua nhưng tình trạng thông tin “rác” vẫn tràn lan chờ đợi những con mồi “ít cập nhật thông tin”.
Nhu cầu việc làm tăng cao là cơ hội cho những kẻ lừa đảo. |
Tết là dịp sum họp, đoàn viên, ai cũng muốn quây quần bên gia đình. Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động đi làm ngày nghỉ lễ, tết theo quy định sẽ được hưởng 300% lương làm thêm giờ. Tuy nhiên, những công việc thời vụ phần lớn không theo hợp đồng, vậy nên mức lương do người “chủ” và người làm tự thoả thuận. Vậy nên khi ứng tuyển công việc, người lao động, nhất là các bạn trẻ, sinh viên nên trao đổi rõ ràng yêu cầu những văn bản tối thiểu về mức lương, chính sách… trước khi quyết định bởi đã có không ít trường hợp các bạn học sinh, sinh viên không được trả lương đúng theo quy định ngày lễ, tết vì không có hợp đồng lao động.