Sáng 19/9, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức lễ phát động Tháng hành động bảo vệ môi trường và chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM phát biểu tại chương trình. |
Tham dự chương trình có PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng nhà trường, ThS Lê Ngọc Thắng - Chánh Văn phòng Hội đồng trường, ThS. Lê Đình Luân - Phó chánh Văn phòng trường, PGS. TS. Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, ThS Đoàn Võ Việt - Giám đốc Trung tâm sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, ThS. Trương Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Trung tâm sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp… cùng hơn 200 sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM.
Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” do Coca-Cola Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức. Đại học Ngân hàng TP. HCM là 1 trong 5 trường đại học ở TP. HCM tham chương trình năm 2024.
Phát biểu tại chương trình, PGS. TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM khẳng định, nhà trường luôn chú trọng vấn đề gắn đào tạo với bảo vệ môi trường. Các chương trình của trường hay của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện… đều đặt tiêu chí, việc làm cụ thể về bảo vệ môi trường.
Chương trình thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tham dự. |
“Tôi rất vui mừng, khi Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM được Ban tổ chức chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” đặt hai máy Botol rất hiện đại để thu gom, tái chế rác thải nhựa. Như vậy, vấn đề tái chế rác thải nhựa không chỉ là nói suông, tuyên truyền mà cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên được thực hiện việc tái chế rác thải nhựa rất hiệu quả, thiết thực”, PGS. TS Nguyễn Đức Trung nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM gửi lời cảm ơn và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Báo Tiền Phong, Coca-Cola Việt Nam trong chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”. PGS. TS Nguyễn Đức Trung đề nghị Trung tâm sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tiếp tục đề xuất sáng kiến, trao đổi và phối hợp với Báo Tiền Phong, Coca-Cola Việt Nam để có thêm nhiều chương trình thiết thực.
“Bảo vệ hành tinh, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình. Tôi mong mong muốn, chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” sẽ lan tỏa sâu rộng, thay đổi hành vi tái chế rác thải nhựa trong cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM”, PGS. TS Nguyễn Đức Trung nói.
Tiết mục văn nghệ Đã hơn một lần, do sinh viên Lâm Thúy Kiều Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM trình bày. |
Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM bỏ chai nhựa vào máy Botol. |
Trước đó, vào ngày 9/9 tại TP. HCM, Báo Tiền Phong phối hợp Coca-Cola Việt Nam tổ chức Lễ phát động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”, nhằm mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại, tái chế chai và lon đã qua sử dụng, hướng tới tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải”.
Đây là năm thứ 2 chương trình này được Coca-Cola triển khai tại Việt Nam. Tại 5 trường đại học ở TP. HCM, gồm Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM), Đại học Công thương TP. HCM, Đại học Ngân hàng và Đại học Gia Định, mỗi trường sẽ có 2 máy thu gom chai, lon được đặt trong thời gian 3 tháng.
Sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM xếp hàng đăng ký tham gia chương trình. |
Ngoài việc trực tiếp thu gom chai nhựa, lon đã qua sử dụng, sinh viên các trường còn hưởng ứng chương trình bằng cách tham gia cuộc thi clip với chủ đề: Bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc xây dựng và duy trì thói quen thu gom, phân loại, gửi đi tái chế rác thải nhựa.
Lần đầu tiên, Coca-Cola Việt Nam hợp tác với Botol để lắp đặt các máy thu gom chai và lon tại các khu dân cư thuộc Công ty TNHH Quản lý Tài sản Taisei Việt Nam và trường đại học ở TP. HCM.
Chai và lon sau khi được thu gom sẽ được xử lý để tái chế. Dự kiến trong 3 tháng đầu tiên, các máy sẽ thu nhận được 100.000 vỏ chai nhựa và lon đã qua sử dụng.