Nét cọ nhỏ - ý nghĩa lớn
Ẩm thực đường phố với hương vị đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu ở Sài Gòn. Lê Hoàng Ban Mai (trường Quốc tế Anh Việt BVIS - Founder của dự án) nhận thấy món ăn ở đây rất ngon, nhưng các bảng hiệu trên những chiếc xe hàng rong chưa thực sự bắt mắt và ấn tượng. Từ đó, ý tưởng tự tay tô vẽ, sơn sửa lại và trang trí các tấm bảng đã trở thành nguồn động lực để “The Hope Project” ra đời. Ban Mai nói: “Đây là kết quả nhờ trải nghiệm quý báu từ thực tế cùng sự góp sức và động viên tinh thần từ mọi người. Dù quy mô của dự án còn nhỏ, mình và các thành viên sẽ cố gắng hết sức để giúp các cô chú bán hàng rong thu hút thêm thực khách và phần nào làm cho các cung đường trong thành phố trở nên sinh động hơn”.
Nhóm “Mầm Xanh” vẽ bảng hiệu mới cho xe hàng rong của cô Bảy (P. Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú). (Ảnh: Dự án cung cấp) |
Với hai mùa hoạt động, dự án đã thực hiện nhiều hành trình, len lỏi trong các cung đường ở Sài Gòn để mang đến “diện mạo” mới trên những chiếc xe hàng rong. Đào Vũ Minh Thư (trường ĐH Sài Gòn, thành viên ban Vẽ) không giấu sự thích thú chia sẻ: “Dù gắn bó với dự án khá lâu, nhưng lần này, mình đã có nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Những lần đi vẽ không chỉ đơn thuần là giúp các cô chú bán hàng rong sơn sửa lại bảng hiệu, mà còn là cơ hội để hiểu hơn về cuộc sống mưu sinh thường ngày, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong dự án”.
Tấm bảng mới của xe trái cây dì Sáu (đường Gia Phú, Q. 6) được nhóm “Hướng Dương” vẽ tặng. (Ảnh: Dự án cung cấp) |
Để người Việt thêm yêu hàng Việt
Ban Mai cho biết: “Mình mong muốn lan tỏa ý nghĩa của sản phẩm Việt đến mọi người, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường, và một trong những hình thức để quảng bá món ăn dân dã đậm chất Việt chính là nét vẽ đặc sắc trên những xe hàng rong”.
Ngoài ra, dự án còn thường xuyên đăng tải trên Fanpage những nội dung thiết thực nhằm góp phần tôn vinh giá trị và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt. Các bài đăng được thiết kế linh hoạt dưới nhiều hình thức trình bày như bài viết, video, truyện tranh… để có thể tiếp cận bạn đọc ở các độ tuổi khác nhau. “Mình nghĩ, đây cũng là điểm đặc biệt ở dự án: “lý thuyết” gắn liền với “hành động”. Vừa đa dạng hóa cách truyền đạt, vừa có việc làm thiết thực sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm Việt”, Ban Mai chia sẻ.
Nguyễn Ngọc Quỳnh (trường ĐH RMIT) bày tỏ: “Với vai trò là thành viên Ban Nội dung, mình rất hào hứng khi được làm việc trong môi trường thân thiện và chuyên nghiệp. Những cách thức truyền tải phong phú sẽ giúp người đọc dễ tiếp cận và không gây sự nhàm chán. Thông qua việc trực tiếp tham gia dự án, mình đã biết cách vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng và mở mang thêm nhiều điều mới, cũng như hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của hàng Việt”.
Nhiều nội dung và thông điệp được đăng tải trên Fanpage chính thức của "The Hope Project”. (Ảnh chụp màn hình) |
Gom hy vọng, tỏa yêu thương
Sau thành công của sự kiện “Trung Thu trao em” mùa 1, năm 2023, dự án tiếp tục tổ chức sự kiện “Trung Thu trao em” mùa 2 trong tháng 9/2024 vừa qua. Với hoạt động bán bánh Trung Thu gây quỹ cho công tác thiện nguyện, dự án đã thu được tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Dự án đã trích từ số tiền trên để mua nhu yếu phẩm gửi đến Mái ấm Diệu Giác (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Bên cạnh đó, các thành viên trong dự án cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em nơi đây. Ngoài ra, dự án đã dành số tiền còn lại từ sự kiện “Trung Thu trao em” mùa 2 để chuyển khoản đến Viện Tim TP. HCM.
Các thành viên của dự án trong sự kiện “Trung Thu trao em” mùa 2. (Ảnh: Dự án cung cấp) |
Bùi Phước Minh Thư (ĐH Kinh tế TP. HCM, Trưởng ban Quản lý tài chính) cho biết: “Qua sự kiện “Trung Thu trao em” lần này, mình hy vọng có thể mang đến cho các em nơi đây một mùa Trung Thu trọn vẹn yêu thương và tràn đầy ấm áp. Còn số tiền mà dự án gửi đến Viện Tim TP. HCM tuy không quá lớn, nhưng chúng mình mong rằng sẽ ít nhiều hỗ trợ chi phí cho những bệnh nhân ghép tim cần giúp đỡ, bởi trao đi yêu thương là nhận về hạnh phúc!”.