Nguyễn Quốc Huy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, nắng nóng khiến Huy gặp khá nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày: “Mình ở ký túc xá của trường, mỗi phòng có tới 6 người, và vì mới xây, ký túc xá chưa trang bị các thiết bị làm mát (điều hòa) nên nắng nóng ảnh hưởng khá nhiều đến việc sinh hoạt của mình, trong phòng lúc nào cũng ngột ngạt và khó chịu, nhiều hôm nóng khiến mình không ngủ được”.
Lưu Văn Thanh (trường ĐH Luật Hà Nội) bày tỏ: “Mình từ quê xuống Hà Nội để học tập, hiện tại thì mình đang ở trọ. Những ngày này, nhiệt độ tại Hà Nội 38 - 39 độ C, phòng trọ hẹp nên không gian sống càng thêm bí bách. Nhà trọ mình cách trường khoảng hơn 1 km, mình thường đi bộ đến trường nhưng thời điểm này Hà Nội vào Hè, việc đến trường với mình là một thử thách, bởi ở trong nhà đã rất nóng huống chi đi ngoài đường. Cái nóng Hà Nội làm mình cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khó tập trung học tập”.
Trạng thái oi bức diễn ra ngay từ đầu buổi sáng, kéo dài suốt cả ngày. Ngay cả khi mặt trời lặn hẳn lúc 19h, nền nhiệt vẫn khá cao, dao động từ mức 34 - 35 độ C.
Những cửa hàng tiện lợi là địa điểm tránh nóng ưa thích của bạn trẻ Hà Nội. |
Nguyễn Thị Kim Anh (trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết, để có sức khỏe chống chọi với cái nóng, Kim Anh đã kết hợp chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, bảo vệ da phù hợp. “Mình uống nhiều nước, hạn chế đồ nóng dễ nổi mụn. Trước khi ra khỏi nhà, mình không quên thoa kem chống nắng, mặc áo chống nắng, đeo kính râm. Thường thì mình sẽ ở lại trường nghỉ ngơi buổi trưa để học tiếp ca chiều, có thể vào căng tin hay vào thư viện”.
Kim Anh chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe trong mùa nóng của mình. |
Theo Quốc Huy, sinh viên thường tìm đến những địa điểm mát mẻ để tránh nóng, tuy nhiên, phải tính toán chi phí dịch vụ tại những địa điểm này: “Mình hay chọn những quán ăn có điều hòa để có thể thoải mái và ăn ngon miệng hơn. Còn về chỗ học tập, mình thường xuyên lui tới thư viện. Ngoài ra, những cửa hàng tiện lợi cũng là được nhiều sinh viên lựa chọn”.
Nguyễn Phương Uyên (London College Fashion and Design) bày tỏ: “Mình nghĩ là các trường nên có phương án thay đổi giờ giấc để mọi người có thể tránh cái nắng gay gắt giữa trưa hè hoặc đầu tư thêm những tiện nghi vật chất như máy lạnh và các thiết bị làm mát có thể giúp giảng viên, sinh viên thoải mái hơn. Ví dụ, các trường có thể bắt đầu ca học buổi chiều muộn hơn bình thường từ 30 phút đến 1 tiếng và lùi giờ tan học để mọi người tránh được cái nóng gay gắt đỉnh điểm vào buổi trưa”.
Phương Uyên cho rằng nhà trường cần điều chỉnh thời gian phù hợp giúp sinh viên giảm áp lực, mệt mỏi khi phải di chuyển vào khung giờ nắng gắt. |
Việc thích nghi với hoàn cảnh sống là điều cần thiết để mỗi sinh viên học cách sống tự chủ và độc lập. “Khi còn học THPT, ngoài giờ đi học ra thì khi về nhà mình không phải làm gì nhiều. Nhưng khi xuống Hà Nội, cho dù có nóng nực như thế nào thì mình cũng phải làm tất cả mọi việc tự phục vụ bản thân”, Lưu Văn Thanh chia sẻ.