Dù bạn có tấm bằng xếp loại ưu với năng lực chuyên môn tốt, nhưng nếu thiếu các kỹ năng cần thiết, cơ hội được tuyển dụng với bạn vẫn hẹp. Chưa kể sau khi vào làm việc bạn sẽ còn gặp nhiều rắc rối. Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink gợi ý cho bạn những kỹ năng sinh viên cần có trước khi tốt nghiệp, hãy cùng tham khảo nhé.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp tốt là một trong các tiêu chí hàng đầu của các nhà tuyển dụng khi quyết định lựa chọn ứng viên và một trong những kỹ năng sinh viên cần có. Dù bạn đạt chuẩn chuyên môn tuyển dụng của doanh nghiệp đưa ra nhưng qua cuộc phỏng vấn, người giao tiếp không tốt chắc chắn sẽ bị loại.
Đây là kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất để bạn có thể kết nối với mọi người, từ sếp, đồng nghiệp, đối tác và khách hàng… Bạn không thể làm việc một mình mà không giao tiếp. Nếu giao tiếp hiệu quả, công việc sẽ thuận lợi và có kết quả tốt không chỉ với cá nhân bạn mà với cả công ty, doanh nghiệp bạn làm việc. Do đó, để tránh sự ngô nghê hoặc quá e ngại khi giao tiếp đánh mất các cơ hội, bạn cần rèn luyện kỹ năng này khi còn ở giảng đường. Nó là một trong các bí quyết tạo nên sự thành công của bạn trong tương lai.
Kỹ năng làm việc nhóm
Làm việc nhóm hiệu quả sẽ tăng năng suất công việc, tạo ra nhiều ý tưởng hơn và biết cách kết nối, chia sẻ với các đồng nghiệp khác.
Các bài tập nhóm ở trường lớp chính là sự khởi đầu để thực tập cho kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả khi làm việc. Để làm việc nhóm tốt, bạn cần có khả năng dung hòa, tin tưởng và tôn trọng các thành viên khác.
Kỹ năng quan sát và đánh giá
Kỹ năng này thường được các nhà tuyển dụng kín đáo kiểm tra ứng viên ngay trong các cuộc phỏng vấn. Nếu là sinh viên sắp rời ghế giảng đường, bạn nên tập quan sát có chủ đích, có nghĩa là quan sát để tìm kiếm và nhận định chứ không phải quan sát do tò mò thích thú hoặc không có nhận định nào được hình thành.
Kỹ năng này mang đến nhiều lợi ích về sau. Chẳng hạn, nó giúp bạn phần nào hiểu được thái độ của sếp, đồng nghiệp hoặc là cách để bạn thuyết phục đối tác, khách hàng hoặc nhà đầu tư.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc
Trong môi trường làm việc, bạn không thể bê nguyên cảm xúc cá nhân vào công việc. Điều đó không chỉ làm bạn “mất điểm” mà còn khiến cho công việc gặp nhiều khó khăn. Nó còn có thể gây các hậu quả nghiêm trọng như đánh mất cơ hội hợp tác hay phá hỏng các mối quan hệ cũng như hình ảnh cá nhân.
Đó là lí do bạn phải học cách làm chủ cảm xúc khi mà cuộc sống công sở luôn có nhiều vấn đề xảy ra. Làm chủ cảm xúc giúp bạn lấy lại thăng bằng nhanh hơn, bình tĩnh và có sự phân biệt rõ ràng giữa công việc và các vấn đề khác.
Kỹ năng “tự nhận thức”
Người khác có thể chỉ cho bạn cách làm một việc nào đó nhưng tuyệt nhiên không ai có thể giúp bạn tự nhận thức. Ở đây có nghĩa là tự nhìn nhận và đánh giá về chính bản thân mình, người xung quanh và cả những vấn đề xảy ra khi bạn làm việc.
Nếu thiếu kỹ năng này, bạn khó phân định đúng sai hoặc nhìn nhận rõ ràng về bản chất của sự việc để có cách đánh giá hay ứng phó hợp lí. Kỹ năng này thực sự rất cần thiết cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với các sinh viên sắp gia nhập thị trường việc làm cần phải có để tự nhận thức và hoàn thiện bản thân.
Có rất nhiều kỹ năng mà bạn càng thành thạo càng tốt. Tuy nhiên, những kỹ năng sinh viên cần có trên là điều cơ bản và cần thiết nhất. Trong các cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra ứng viên bằng cách này hay cách khác. Nếu được chuẩn bị tốt, bạn sẽ có nhiều khả năng có được việc làm phù hợp một cách nhanh chóng