Hành trình “ngược dòng”
Bốn năm sáng lập, đồng hành cùng dự án ‘GẤC ĐỎ.’, Mỹ Trân đã thành công khi mang văn hóa trở lại trong tiềm thức giới trẻ, một cách mới mẻ, ở cộng đồng quốc gia và thế giới.
Ngay từ khi còn nhỏ, Mỹ Trân lại yêu thích những chuyến du ngoạn để khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc đến các vùng miền của Tổ quốc. Lúc ấy, Trân nảy ra một suy nghĩ rằng, tại sao mình lại không làm điều gì đó để quảng bá rộng rãi những giá trị tuyệt vời này.
Ấp ủ dự định này đến năm học lớp 9, Mỹ Trân đã quyết định lên ý tưởng tạo nên một kênh truyền thông với mong muốn dùng sức trẻ vốn có của thế hệ để giữ gìn ngọn lửa văn hoá dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nước nhà. Trân mang ý tưởng này chia sẻ với nhiều bạn bè và sau đó nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ ở ba miền Bắc – Trung - Nam và cả các bạn trẻ ở nước ngoài.
Sau đó, Fanpage 'GẤC ĐỎ.' ra đời ở thời điểm chỉ có 5 thành viên, mỗi bạn phụ trách một công việc. Hiện nay, Fanpage đã đạt được những dấu mốc nhất định với 15.000 lượt thích, 16.000 người theo dõi và có hơn 50 thành viên cùng tham gia dự án. “Văn hoá tồn tại trong mọi khía cạnh của cuộc sống, và đâu đó, sẽ có những góc nhìn cần được lan tỏa rộng rãi hơn. Dự án chọn cách thể hiện hiện đại, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn để tiếp cận gần hơn với các bạn trẻ. Đồng thời, sứ mệnh tiếp theo là lan tỏa văn hóa tới các bạn bè quốc tế, vì vậy, qua các bài viết song ngữ Anh – Việt, sẽ dễ dàng giúp các bạn tiếp cận, từ đó sẽ hiểu và yêu quý văn hóa của nước Việt hơn”, Mỹ Trân bộc bạch.
Thành viên dự án "GẤC ĐỎ." trong chương trình kịch gây quỹ "Du Miên". |
Ở mùa thứ 4 vừa qua, 'GẤC ĐỎ.' đã tổ chức hai hoạt động nổi bật đó là sự kiện gây quỹ “Chu Du” được tổ chức bán offline và online tại TP. HCM và Hà Nội với các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá Bắc - Trung - Nam như lanyard, sticker, móc khóa, Polaroid... Dịp Tết 2024 vừa qua, chương trình kịch gây quỹ “Du Miên” đã mang nghệ thuật kịch và những câu chuyện cổ tích đến gần hơn với khán giả. Toàn bộ lợi nhuận đã được dự án sử dụng để mang một cái Tết vui vẻ đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Việc một Gen Z lần đầu tiên điều hành một dự án lớn đã cho Mỹ Trân nhiều thử thách nhưng cũng không ít bài học đáng nhớ: “Trong khoảng thời gian đầu, mình chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, đụng đâu là xử lý đó chứ cũng không có một phương pháp cụ thể nào. Dần dần, trong quá trình vận hành dự án, mình tiếp cận với nhiều vấn đề và bắt đầu hình thành cho bản thân những phương pháp và kỹ năng để tối ưu công việc, như kỹ năng lên kế hoạch lãnh đạo, giao tiếp với các thành viên, teamwork online...”.
Nguyễn Ngọc Mỹ Trân (thứ hai, từ trái sang) tự tin, rạng rỡ trong hoạt động văn hóa giao lưu tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại New York, Hoa Kỳ. |
Viết tiếp hành trình giữ gìn bản sắc Việt
Văn hoá truyền thống hay lịch sử của dân tộc không phải là đề tài dễ dàng chinh phục cộng đồng, vì vậy để dẫn dắt một dự án suốt 4 mùa qua, Mỹ Trân đã luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết như ngày đầu nhằm lan tỏa giá trị cốt lõi “Bảo vệ nét đẹp văn hóa” đến các cộng sự. Mỗi mùa đi qua, Trân đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thế hệ tiếp nối: “Thứ nhất là sự nhiệt huyết dành cho dự án, thứ hai là sự đam mê đối với văn hoá Việt. Những kỹ năng khác thì mình có thể học nhưng việc luôn luôn phải truyền tải hai điều trên, cho đến bây giờ, vẫn là điều mình vẫn đang cố gắng làm tốt hơn”, Mỹ Trân chia sẻ.
Mỹ Trân đã có dịp được đại diện trường Quốc tế Anh Việt BVIS HCM giao lưu và gặp gỡ các bạn bè đến từ hơn 60 quốc gia khác nhau tại trụ sở của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp (UNICEF) tại New York, Hoa Kỳ. Điều đầu tiên “không thể quên” là việc cô tự tin giới thiệu thật to tên mình và đất nước xinh đẹp Việt Nam. Bởi Mỹ Trân luôn tin rằng, Việt Nam có nhiều điều đáng tự hào, vì vậy, Trân xem việc quảng bá văn hóa Việt Nam là sứ mệnh của mình trong môi trường đa văn hóa này.
"GẤC ĐỎ." tập trung vào các hoạt động cộng đồng, chung tay vào việc gắn kết các thế hệ và thời đại. |
Trân tâm sự: “Chúng mình đã say sưa kể về hương vị ẩm thực, về đặc sắc vùng miền và mang đến những món quà là những chiếc nón lá, khăn rằn để tặng các bạn tại hội nghị. Nhìn thấy các bạn nước ngoài thích thú khi đội nón lá, đeo khăn rằn khiến mình rất vui vì cảm thấy sứ mệnh lan tỏa văn hóa của mình thật sự đã có ý nghĩa. Ngày cuối cùng tại UNICEF, chúng mình cùng diện trang phục áo dài Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh khiến mình xúc động nhất chính là bức ảnh các bạn đại diện của Việt Nam cùng nhau cầm lá cờ Tổ quốc để chụp hình tại UNICEF. Điều đó thật sự khiến mình rất tự hào!".
Với sự nỗ lực không ngừng, thành tích học tập ấn tượng và những đóng góp nổi bật trong các hoạt động ngoại khóa, Mỹ Trân đã xuất sắc nhận được học bổng trị giá 215.000 USD (miễn toàn bộ học phí) cho 4 năm tại Fordham University (Gabelli School of Business), tại TP. New York, Hoa Kỳ.
Tháng Tám tới đây, Mỹ Trân sẽ lên đường du học Mỹ. |
Tháng Tám này, Mỹ Trân sẽ lên đường cho một hành trình mới đầy thử thách nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Ở một ngôi trường mới, Trân quyết tâm không chỉ ghi dấu ấn riêng, mà còn mang theo niềm tự hào dân tộc để lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. "Dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta - những người trẻ đại diện cho Việt Nam, sẽ luôn mang trong mình trọng trách và tinh thần tự hào dân tộc, bởi mỗi chúng ta đều là những đại sứ của đất nước Việt Nam xinh đẹp này”, Mỹ Trân bày tỏ.