Xu thế toàn cầu hóa
Đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh, trường ĐH Hoa Sen, Đinh Tuấn Kiệt (22 tuổi) dành khoảng thời gian còn lại cho việc học tiếng Trung tại nhà. Ý định ban đầu của anh là học vì yêu thích phim Trung Quốc, nhưng sau một năm, anh chính thức học chuyên sâu và tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ bậc cao. Tuấn Kiệt chia sẻ: “Tính ứng dụng của tiếng Trung rất cao, sắp tới đây, sẽ trở thành ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, vì thế mà mình chọn học nó. Mình nghĩ, bên cạnh các chứng chỉ tiếng Anh, nếu chúng mình có thêm một thứ tiếng làm kỹ năng ngoại ngữ nữa thì chắc chắn là một điểm cộng rất lớn khi đi xin việc”.
Tuấn Kiệt cho rằng, hiện nay, bạn trẻ đang đứng trước thách thức về xu thế toàn cầu hóa. So với các thế hệ khác, người trẻ có lợi thế về khả năng thích ứng, tính sáng tạo, cởi mở trong đón nhận thông tin mới, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm, tiếp cận nền văn minh lớn. Theo Tuấn Kiệt, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn trẻ nên học thêm ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh) để tăng lợi thế bản thân. “Thị trường tiếng Anh ngày càng cam go, giỏi tiếng Anh chưa chắc có việc, vì thế cơ hội việc làm của người lấy tiếng Anh làm chuẩn đang có xu hướng chững lại. Hãy chuẩn bị cho bản thân vài “ngón nghề” để xoay sở”, anh nói thêm.
Tuấn Kiệt sở hữu chứng chỉ TESOL (chứng chỉ Quốc tế về phương pháp giảng dạy tiếng Anh dành cho giáo viên) khi mới là sinh viên năm thứ hai. |
Đồng tình với quan điểm này, Nguyễn Thành Thiện (26 tuổi) cũng đang theo đuổi thêm một vốn ngoại ngữ mới là tiếng Tây Ban Nha, dù đã sở hữu hai thứ tiếng là Anh và Pháp. Anh bày tỏ: “Mình nhận diện khá sớm về tầm quan trọng của ngoại ngữ, nên luôn muốn tìm hiểu, học thêm về các thứ tiếng. Một ứng viên thành thạo hai ngôn ngữ thì khả năng được tuyển chọn sẽ cao với công ty liên doanh nước ngoài. Đúng là thị trường tiếng Anh hiện giờ đang dần bão hòa, sự ưu tiên dành cho ứng cử viên có nhiều hơn một ngôn ngữ nước ngoài sẽ là xu hướng được coi trọng. Ngoài ra, bạn trẻ nên trau dồi thêm các kỹ năng mềm khác ngoài ngoại ngữ, tạo hồ sơ cá nhân hấp dẫn để khi xin việc thuận lợi hơn”.
Thành Thiện tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp (trường ĐH Sư phạm TP. HCM), hiện là giáo viên luyện chứng chỉ tiếng Anh cho trẻ em, MC các chương trình trại hè tiếng Anh. |
Không chỉ hiểu mà phải thành thạo
Mỗi sáng, Thúy Anh (22 tuổi, Tiền Giang) đều đặn đi học tiếng Nhật trên trường, tối đến, cô lại tham gia lớp học luyện thi chứng chỉ TOEIC tại trung tâm. Cô yêu thích ngôn ngữ, sẵn sàng dành phần lớn thời gian trong ngày để luyện kỹ năng nói một cách trau chuốt vốn tiếng nước ngoài của mình. Đối với Thúy Anh, nếu chỉ học nhiều mà không vận dụng được, cũng xem như phí hoài. Nên tập trung vào việc thực hành sử dụng ngôn ngữ sao cho thành thạo và linh hoạt, thì mới gọi là chinh phục ngôn ngữ đó.
“Mình học với mục tiêu kiếm được việc làm ở những công ty tốt, ứng tuyển những vị trí lương cao. Tỷ lệ cạnh tranh việc làm đang dần khốc liệt, chỉ cần khác biệt ở một thứ tiếng thôi, cũng có thể khiến người này trúng tuyển vào vị trí mơ ước, mà người khác thì không thể. Đó là lý do vì sao ngày nay nhiều người tranh nhau học thêm tiếng Nhật, Hàn, Trung... để tăng độ sáng trong CV”.
Thúy Anh vừa sở hữu chứng chỉ Nhật ngữ N3 JLPT, sắp tới mục tiêu của cô nàng là chinh phục 700 điểm TOEIC. |
Tuy nhiên, Thúy Anh nhấn mạnh, bạn trẻ nên học đi đôi với sự vận dụng, tránh tình trạng “học nhiều nhưng không được bao nhiêu. Cô chia sẻ một số bí quyết học tiếng nước ngoài là tìm kiếm bạn đồng hành, hoặc người bản xứ để thực hành ngôn ngữ. “Có bạn đồng hành cùng chia sẻ những tips học, nhưng lý tưởng nhất chính là có một người bạn là người nước ngoài để nâng cao trình độ và rút ngắn thời gian học hơn”.
Sống ở nước ngoài từ năm 16 tuổi, Trần Thị Thùy Trang (2002) có khả năng nói tiếng Anh khá thành thạo và tự tin. Không dừng lại ở đó, hiện nay cô nàng tiếp tục chinh phục tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hàn, đặt mục tiêu trong năm nay có thể giao tiếp cơ bản hai thứ tiếng mới.
Thùy Trang học tiếng Hàn vì sở thích, đồng thời muốn tự tạo cơ hội du lịch, việc làm cho bản thân ở nước Mỹ. |
“Mình biết ơn tiếng Anh vì đã đem đến cho mình một môi trường sống và học tập vô cùng mới. Mình đã từng cho rằng, ngôn ngữ chính là thử thách khó khăn trong cuộc sống, nhưng sau khi trải qua quãng thời gian sống ở nước ngoài, mình đã vượt qua nỗi sợ của bản thân, tận dụng lợi thế cho công việc. Học thêm ngoại ngữ là chúng ta đang dành sự ưu tiên trong mắt người khác, nhất là khi bước chân vào xã hội mới thấy tầm quan trọng của nó”, chị chia sẻ niềm biết ơn khi được học tiếng Anh từ sớm.