Ít ai ngờ được, nhờ chăm lướt YouTube mà cô gái dân tộc Nùng Bế Thị Thanh Lam (19 tuổi, quê Phú Yên) lại giành thủ khoa đầu vào trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).
“Cày” YouTube, học say mê
Lam kể, năm học lớp 11, trong một lần lướt mạng, cô vô tình thấy clip về cuộc sống của sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc. Từ cảnh quan, nhà cửa, sinh hoạt, ăn uống, giao tiếp… đều khác lạ, khiến cô tò mò. Từ một vài kênh “ruột”, cô dần tìm thêm những clip khác trên YouTube để xem. “Xem hoài, bỗng nhiên mình muốn nói được tiếng Trung quá. Nếu nói giỏi, biết đâu sau này mình có cơ hội qua đó học, làm việc”, Lam nói.
Bế Thị Thanh Lam - thủ khoa đầu vào trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong kỳ thi tuyển sinh năm 2023. |
Cô bé 17 tuổi ngày đó bắt đầu tự học tiếng Trung trên YouTube. Trong 3 tháng đầu, Lam miệt mài tập nhìn mặt chữ, nghe, nói, viết. Đến 6 tháng thì đã đọc trôi chảy, viết khá thành thạo. Lam kể, mỗi ngày cô dành khá nhiều thời gian để học tiếng Trung, có hôm nguyên buổi chiều, có bữa học thâu đêm. “Mình chỉ học qua mạng, không có ai kèm cặp hay đến trung tâm nào cả. Cái khó nhất là vì không có người tương tác trực tiếp nên nhiều chỗ sai, mình không phát hiện ra để sửa cho chính xác. Sau này, cứ mỗi lần đọc, mình đều ghi âm để nghe lại, đối chiếu với các bài giảng trên YouTube xem có đúng không rồi sửa dần”, Lam chia sẻ. Bố mẹ Lam cũng không biết con gái có niềm đam mê mãnh liệt với tiếng Trung, mỗi ngày vẫn âm thầm học như vậy.
Lam đại diện tân sinh viên phát biểu trong buổi lễ khai giảng. |
Khi thấy kiến thức, kỹ năng tiếng Trung của mình ổn hơn, khi Lam đăng ký thi chứng chỉ với nguyện vọng sẽ sang Trung Quốc du học thì dịch COVID-19 căng thẳng. Các trung tâm đóng cửa, giải thể... Hết dịch, người ta thi đông nên Lam không có suất. Lúc đó, Lam đành từ bỏ ý định đi du học, chuyển sang đăng ký môn Ngoại ngữ là tiếng Trung trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Lam kể, tới sát ngày thi, Lam tập trung cao độ cho việc ôn ngữ pháp và từ vựng. Làm đề thi thử tiếng Trung, cô đạt 9,6 điểm. Và đó cũng chính là số điểm mà Lam giành được khi chính thức "vượt vũ môn": Tiếng Trung 9,6 điểm, Văn 8,5 điểm, tổ hợp KHXH 8,67 điểm. Với số điểm này, Lam trở thành thủ khoa đầu vào trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).
Nỗ lực hơn vì lớp toàn người giỏi
Sáng ngày 4/10, Lam cùng các tân sinh viên đến dự lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Cô vinh dự đại diện cho những “tân binh” phát biểu tại buổi lễ. Lam trải lòng, khi biết mình là thủ khoa đầu vào trường ĐH Ngoại ngữ, cô cảm thấy tự hào vì sự nỗ lực đã đem về kết quả xứng đáng cho bản thân và niềm vui cho cả gia đình. Lam nói thêm, bố cô là người dân tộc Nùng, quê ở Thái Nguyên, mẹ là người dân tộc Tày. Bố mẹ vào Phú Yên lập nghiệp khi còn trẻ. Gia đình, họ hàng gần trước nay chưa có ai học ngoại ngữ. Thế nên thành tích này đối với Lam và gia đình, người thân là nguồn khích lệ rất lớn.
Lớp CNT02, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Lam hội tụ những gương mặt từ nhiều nơi, mà theo Lam đánh giá là “bạn nào cũng giỏi”. Có bạn biết tiếng Trung từ sớm nên Lam rất ngưỡng mộ. Ở môi trường đại học, việc tự chủ, độc lập trong học tập rất cao, nhưng cô không quá lo lắng vì có thầy cô giáo kề cạnh. “Nhiều kiến thức trước đây mình chỉ tìm hiểu qua, biết không rõ nhưng khi vào đại học, thầy cô phân tích rất kỹ và chính xác, giúp mình hiểu tới nơi tới chốn. Như nguồn gốc, ý nghĩa từng chữ”, Lam nói và chia sẻ thêm, cô rất thích Hán tự, vì dù khó nhớ, trừu tượng nhưng mỗi chữ có một câu chuyện, như một thỏi nam châm cuốn hút cô.
Lam nhận giấy khen, học bổng từ trong buổi lễ khai giảng. |
Khi được hỏi dự định sau này là gì, cô không giấu được mơ ước được đi du học Trung Quốc, hoặc làm một ngành liên quan càng nhiều đến tiếng Trung càng tốt. “Nhưng để hiện thực hoá ước mơ của mình, thì bây giờ mình cũng như các bạn tân sinh viên phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, không ngừng phấn đấu và phát triển bản thân”, Lam chia sẻ.