Thảo Vy mắc căn bệnh viêm gan siêu vi B mãn tính. Thời THPT, Vy nhiều lần phải nghỉ học để chữa trị và nghỉ ngơi. Nhưng do thức đêm quá độ cùng với ăn uống không đủ chất, cô được chẩn đoán gan có độ xơ hóa. Cơ thể Vy bị thiếu máu, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Bên cạnh đó, Thảo Vy còn mắc bệnh viêm da từ năm lớp 7. Sức khỏe Vy ngày một xuống dốc, tóc rụng từng mảng, thưa dần, phải đội tóc giả. Vy chia sẻ: “Nhìn những bạn nữ với mái tóc dài, chỉ rụng một cọng thôi đã thấy xót, còn mình thì rụng đến mức không còn gì nữa, tủi thân lắm! Nào ai ngờ một cô gái chỉ mới 18 - 19 tuổi đã bị rụng tóc và đội tóc suốt 6 năm liền như vậy”.
Thời gian đầu, trước những khó khăn về bệnh tật, Vy cảm thấy khó lòng có thể chấp nhận được. Việc gia đình đã tìm mọi phương pháp chữa trị nhưng không thành công càng khiến nữ sinh chán nản. Dần dần, Thảo Vy e dè trước ánh nhìn của người ngoài. “Thậm chí đã có lúc mình nghĩ đến việc ngừng học vì quá mệt mỏi với lịch học, điểm số cùng với việc đội một bộ tóc giả từ 6h sáng đến gần 21h”, Vy trải lòng.
Thảo Vy sở hữu nụ cười tươi tắn và gương mặt ưa nhìn. |
Thảo Vy cho rằng mình có thể đã không vượt qua được những chông gai ấy nếu như không có sự trò chuyện và khuyên nhủ từ mẹ. Mẹ chính là động lực để Vy biết cách chấp nhận khó khăn, không bỏ cuộc. Vy kể: “Mẹ kỳ vọng ở mình, vì mẹ không muốn sau này con gái phải khổ cực. Biết ngày xưa mẹ phải tự lập từ sớm và không đủ điều kiện đi học nên mình càng phải cố gắng, vừa là vì tương lai của bản thân, vừa tiếp tục ước mơ đi học dở dang của mẹ”.
Lên đại học, có thể tự chọn môn và linh động sắp xếp lịch học, bên cạnh hoạt động Đoàn - Hội, Thảo Vy tranh thủ thời gian để đi làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên. Hiện tại cô làm thêm tại hai quán ăn nhỏ với những công việc như chạy bàn, lên món, phục vụ. Trước đó, Vy có làm việc ở quán trà sữa, cà phê, cửa hàng giày. Để có thể vừa học tập, tham gia Đoàn - Hội, vừa đi làm thêm, Vy luôn cố gắng phân bổ thời gian sao cho các đầu công việc không chồng chéo lẫn nhau và thường ưu tiên việc học. Tuy nhiên, không ít lần Thảo Vy cảm thấy áp lực với lịch trình dày đặc. “Có những hôm vừa học xong, chưa kịp ăn gì đã phải chạy đi làm việc đến khuya nên mình thường xuyên đau bao tử đến mức ngủ không được” – Thảo Vy nhớ lại.
Sớm đối mặt với khó khăn giúp cô gái 19 tuổi càng trân trọng cuộc sống hơn. |
Cầm trên tay đồng tiền do chính mình kiếm được, có thể tự đóng được một phần tiền học phí giúp Thảo Vy hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Với nữ sinh, việc sớm đón nhận những khó khăn, áp lực từ cuộc sống khiến cô càng trân trọng sự khổ cực của cha mẹ, thấy bản thân phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng người thân.
Vy cho biết, thời điểm hiện tại, điều khiến nữ sinh cảm thấy tự hào nhất là việc bản thân vẫn may mắn khi còn đủ sức để tiếp tục học tập và làm việc. Mục tiêu của cô là cố gắng học để đạt được mức điểm tốt nhất. Bên cạnh đó, Thảo Vy vẫn sẽ đi làm, dành tiền để chi trả cho việc mua máy tính và học ngoại ngữ. Ước mơ sau khi ra trường của Thảo Vy chính là có thể tìm được một công việc ổn định để kiếm tiền lo cho gia đình, trị bệnh cho mẹ, em trai và cho bản thân.
Ngày nhập học đại học, Thảo Vy được mẹ đưa đi. |
Chia sẻ về hoàn cảnh của Thảo Vy, bạn Vũ Hữu Trường (sinh viên năm hai, chuyên ngành Quản trị văn phòng, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) - Liên chi Hội Trưởng, kiêm Phó Bí thư Đoàn khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng cho biết: “Sau khi anh em trong Liên chi Hội khoa nhiều lần tâm sự, biết được câu chuyện của Vy, mọi người đều ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Mình thật sự nể phục và tôn trọng Vy. Dù có nhiều vấn đề với sức khỏe và cuộc sống nhưng Vy vẫn đặt mục trong tiêu học tập và đi làm đến hai nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Mình tin rằng Vy chính là một tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ hiện nay noi theo”.