Trần Hoàng Oanh đang là sinh viên năm 3, khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. |
Sự nhận thức về văn hóa
Ngay từ khi còn nhỏ, Hoàng Oanh đã được “xê dịch” tới nhiều tỉnh thành của Việt Nam trong những chuyến công tác của ba mẹ. Đi đến bất cứ đâu, Oanh cũng mang theo cuốn sổ nhật ký nhỏ để ghi lại những điều thú vị về con người và văn hóa của vùng đất mà cô đi qua. Sự nhận thức về văn hóa đã đến với cô từ sớm khi được tận mắt chứng kiến cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp, được thưởng thức món cơm lam muối vừng tỏa khói nóng hổi, hay khi được một bạn nhỏ H’Mông tặng hoa tam giác mạch trong lần đầu gặp mặt mà xúc động không nói nên lời,...
Khi lớn dần lên, Hoàng Oanh đã có những nhận thức rõ nét hơn về bức tranh văn hóa Việt đa sắc màu và nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của người trẻ trong việc lan tỏa, lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống ấy. Cô chia sẻ: “Khi chọn Ngoại giao, chọn khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, mình được nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, được truyền cảm hứng về một tinh thần “rất Việt”. Trái tim mình rung cảm mạnh mẽ hơn rất nhiều khi chiêm ngưỡng nghệ thuật dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống hay quan sát thấy những chất liệu văn hóa ngày càng được khai thác và quảng bá mạnh mẽ”. Từ đó, Hoàng Oanh nung nấu mong muốn được đóng góp sức trẻ của mình để gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc. Quyết định tham gia cuộc thi “Hoa khôi Ngoại giao” cũng chính là cách để Oanh hiện thực hóa nguyện vọng ấy của mình.
Cô được biết đến với vẻ ngoài xinh đẹp như nàng hậu, thành tích học tập xuất sắc và sự nhiệt huyết trong các hoạt động vì xã hội. |
Hành trình lan tỏa văn hóa tại “Hoa khôi Ngoại giao”
Tại vòng Sơ khảo của cuộc thi, Hoàng Oanh đã giới thiệu bản thân gắn với quê hương Kinh Bắc. Khoác lên mình trang phục truyền thống liền chị Quan họ, cô đã gửi lời chào đến các vị Ban giám khảo qua câu hát “Mời nước mời trầu” và mời các vị thưởng thức trầu têm cánh phượng. Cô đã thành công giới thiệu trang phục, dân ca quan họ Bắc Ninh và thể hiện lòng hiếu khách “trọng chữ tình” của con người Kinh Bắc.
Cô đã thành công giới thiệu trang phục, dân ca quan họ Bắc Ninh và thể hiện lòng hiếu khách “trọng chữ tình” của con người Kinh Bắc. |
Đến với vòng Bán kết, cô đã chọn chủ đề chính là Tiếng Việt với mong muốn truyền tải thông điệp “Ngôn ngữ là tiếng nói thể hiện vị thế của quốc gia, là một thành tố quan trọng của văn hóa. Giữ gìn, phát huy văn hóa từ những điều đơn giản nhất, chính là dùng đúng và đẹp ngôn ngữ dân tộc mình”. Tại buổi Bán kết Hùng biện, cô đã nói về dòng chảy lịch sử của Tiếng Việt, minh họa qua thư pháp và nhấn mạnh những giá trị văn hóa của chữ Quốc ngữ.
Tại buổi Bán kết Hùng biện, cô đã nói về dòng chảy lịch sử của Tiếng Việt, minh họa qua thư pháp và nhấn mạnh những giá trị văn hóa của chữ Quốc ngữ. |
Tiếp diễn nguồn cảm hứng từ câu chữ, thêm vào đó là những tình cảm đặc biệt với vùng đất Tây Bắc, cô đã mang lên sân khấu tiết mục “Gieo chữ trên bản Mông”. Giữa khung cảnh rừng núi, với màu sắc sặc sỡ của váy thổ cẩm, ô hoa, và âm hưởng du dương của tiếng khèn, Oanh đã vào vai cô giáo dạy học trên bản, không chỉ dạy các em nhỏ con chữ mà còn là người “chuyên chở” văn hóa, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc mình.
Cô đã mang lên sân khấu tiết mục “Gieo chữ trên bản Mông”. |
Trên hành trình tham gia cuộc thi, cô và các bạn thí sinh còn có cơ hội được chụp 02 bộ ảnh với Áo dài và Việt Phục cổ. Với Oanh, được mặc lên những trang phục truyền thống của dân tộc là một sự tự hào và tự tôn lớn lao: “Khoác Việt Phục, cảm giác như từng tầng lớp áo đều mang sức nặng, đó là những dấu ấn lịch sử, là trường tồn văn hoá, là hào khí dân tộc qua thời gian vẫn còn lưu giữ”. Hai bộ ảnh của các thí sinh trong cuộc thi được đăng tải và chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống.
Hiện tại, cô đang gấp rút luyện tập chuẩn bị cho vòng Chung kết của cuộc thi. |
Hiện tại, cô đang gấp rút luyện tập chuẩn bị cho vòng Chung kết của cuộc thi. Ở vòng thi cuối cùng này, Hoàng Oanh vẫn sẽ tiếp nối hành trình văn hóa với tất cả sự nỗ lực để thể hiện bản thân và truyền tải lời nhắn gửi ý nghĩa về văn hóa dân tộc Việt.
Tuổi trẻ và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Đối với Oanh, hành trình văn hóa tại Hoa khôi Ngoại giao là bước đi nhỏ trên hành trình vạn dặm. Trong tương lai, với cương vị là một người trẻ, một sinh viên Học viện Ngoại giao mang trong mình tình yêu và niềm tự hào với văn hóa Việt, Oanh vẫn sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, tích cực hành động để góp sức giúp cho những giá trị truyền thống quý báu mãi trường tồn.
Cô mong muốn được nhắn gửi tới các bạn trẻ rằng: “Tình yêu đối với văn hóa Việt Nam vẫn luôn chảy trong tim các bạn, chỉ cần các bạn chậm lại ngắm nhìn, cảm nhận những điều đẹp đẽ xung quanh thì bạn thấy trái tim mình rung lên và tự hào khôn xiết vì đang được sống trên một đất nước tươi đẹp đến thế”. Hoàng Oanh cũng mong rằng câu chuyện cá nhân gắn liền với văn hóa Việt của mình có thể truyền cảm hứng tới các bạn trẻ, giúp các bạn có những suy nghĩ và hành động tích cực để cùng nhau níu giữ, quảng bá văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt và trên trường quốc tế.
Một số thành tích mà Hoàng Oanh đạt được:
- Giải Nhì Hùng biện Tiếng Anh cấp Thành phố;
- Giải Nhì Chỉ huy đội giỏi cấp Tỉnh;
- Đại diện tỉnh Bắc Ninh nhận Giải thưởng Kim Đồng và tham gia Liên hoan Chỉ huy đội giỏi cấp Quốc gia;
- Giải Khuyến khích Quốc gia cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn;
- Giải bài dự thi “Đoàn trong tim tôi” xuất sắc nhất hội thi “Nét đẹp nữ Đoàn viên” Tỉnh Bắc Ninh;
- Học bổng Khuyến khích học tập Học viện Ngoại giao năm học 2022-2023;
- Phó Ban Truyền thông Marketing Hive (CLB Marketing tại Học viện Ngoại giao)- Trại hè Chuyên môn Marketing đầu tiên tại Hà Nội;
- Đại sứ truyền thông: Future Map, IC1D, I Confess I Conquer, Hành trình bản sắc;
- Thành viên dự án dạy học và hỗ trợ các em nhỏ tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh;
- Top 10 Hoa khôi Ngoại giao 2023.