Nữ thủ khoa khối C00 chia sẻ bí quyết đạt điểm cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Trước thềm Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023, Bùi Thị Thanh Nhàn, thủ khoa khối C00 tỉnh Quảng Ngãi 2022, chia sẻ phương pháp ôn tập trong giai đoạn “nước rút” và bí quyết làm bài đạt điểm cao dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình.

Đạt 28,5 điểm, Bùi Thị Thanh Nhàn là thủ khoa khối C00 tỉnh Quảng Ngãi trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022. Cả 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Thanh Nhàn đều đạt 9,5 điểm. Hiện tại, Nhàn đang theo học ngành Sư phạm Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP. HCM.

Ôn luyện kiến thức cốt lõi

Trong giai đoạn “nước rút”, các sĩ tử cần tập trung vào những nội dung quan trọng và tối ưu hóa thời gian ôn tập.

Với môn Ngữ văn, Thanh Nhàn chia sẻ, cần đọc lại các tác phẩm quan trọng trong chương trình để nắm vững cốt truyện, tác giả và những yếu tố văn học quan trọng của từng tác phẩm. Cần ôn kỹ nội dung về các nhân vật, tình huống, giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa sâu xa của từng tác phẩm.

Đối với môn Lịch sử, nữ thủ khoa khuyên các bạn học sinh nên tập trung ôn luyện các chủ đề, giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới. Nắm vững các sự kiện lịch sử, nguyên nhân, hậu quả và tác động của chúng. Ôn các nội dung chính như chủ nghĩa xã hội, các cuộc cách mạng và những chiến thắng quan trọng.

Nữ thủ khoa khối C00 chia sẻ bí quyết đạt điểm cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023 ảnh 1
Bùi Thị Thanh Nhàn, thủ khoa khối C00 tỉnh Quảng Ngãi, hiện là sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM.

Còn môn Địa lý, Nhàn chia sẻ kinh nghiệm của mình là nắm vững kiến thức về địa lý tổng quát, bao gồm địa hình, khí hậu, tài nguyên, dân cư của Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, dành thời gian giải thêm đề sẽ giúp vận dụng kiến thức tốt hơn, rèn luyện kỹ năng làm bài và tìm được những phần kiến thức còn chưa vững để ôn lại ngay.

Kinh nghiệm làm bài từng môn

Đối với các môn thi trắc nghiệm, dù là câu dễ hay câu khó thì vẫn có số điểm giống như nhau. Chính vì vậy, một 'bí kíp' mà Thanh Nhàn chia sẻ để tối ưu hóa điểm số, đó là làm bài theo trình tự “dễ trước khó sau”. Theo đó, thay vì dành quá nhiều thời gian để chinh phục những câu hỏi khó thì nên làm chắc đúng những câu trong khả năng trước.

“Một câu hỏi khó không tìm ra đáp án có lẽ sẽ khiến bạn buồn nhưng những sai sót chủ quan ở các câu dễ mới chính là điều làm bạn hối tiếc nhất”, Nhàn lưu ý thêm.

Riêng môn Ngữ văn, vì không có khả năng viết nhanh nên Thanh Nhàn vô cùng áp lực trước 120 phút thử thách. Tuy nhiên, giải pháp giúp cô bạn đạt được số điểm cao đó là trang bị một "chiếc đồng hồ" thật hợp lý để có thể làm chủ và tận dụng tối đa thời gian. Theo đó, Nhàn phân bổ thời gian cho từng phần thi như sau: 20 phút đầu dành cho phần đọc hiểu, 25 phút tiếp theo sẽ là nghị luận xã hội, 70 phút cho phần nghị luận văn học và 5 phút cuối là thời gian đọc lại bài, kiểm tra thông tin cá nhân.

Với môn Sử, sẽ có những đáp án gây nhiễu, đáp án khá giống nhau, vậy nên, theo Nhàn, cần đọc kỹ đề, kết nối các sự kiện với nhau rồi phân tích câu trả lời và chọn ra đáp án đúng. Tập thói quen gạch chân dưới từ khóa, mốc thời gian, sự kiện trong đề để tránh bị lừa bởi những câu hỏi biến thể. Đồng thời, Nhàn chia sẻ, thay vì chỉ nghĩ đến phương án đúng, hãy tìm ra phương án sai và cố gắng loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.

Một mẹo hay khi làm bài môn Địa lý, đó là tận dụng tối đa cuốn Atlat, bởi nó còn hữu ích đối với cả những câu không yêu cầu sử dụng, đặc biệt là các câu có nội dung về địa lý các vùng kinh tế. Nếu không chắc đáp án, có thể tra cứu thêm trong Atlat, vì biết đâu những nội dung liên quan có thể liên hệ tìm ra câu trả lời.

Giữ tinh thần thoải mái và tự tin

Trước kỳ thi, ngoài việc hệ thống lại kiến thức thì việc duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần ở trạng thái tốt nhất là điều cần thiết và là yếu tố quan trọng để đạt được thành tích tốt.

Với tâm lý chung là cảm thấy ôn bao nhiêu cũng không đủ, Thanh Nhàn khuyên các bạn học sinh nên giữ một tinh thần tự tin và lạc quan: “Đây là kỳ thi mà các bạn đã chuẩn bị rất lâu, chuẩn bị với một tinh thần tập trung cao độ trong suốt những năm học phổ thông. Chính vì vậy, hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân và nhớ rằng, kỳ thi chỉ là một bước trong hành trình học tập sắp tới. Thả lỏng và không tự tạo áp lực quá lớn đè nặng lên mình”.

Để duy trì sức khỏe thật tốt, nữ thủ khoa khuyên các sĩ tử nên ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc. Đừng quên vận động cơ thể và dành thời gian giải trí như xem phim, nghe nhạc, đọc sách hoặc chơi game. Những việc này có thể giúp các bạn giảm stress và thư giãn trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương viết thư gửi sinh viên trước lễ trao bằng tốt nghiệp nhận về 'bão like'

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương viết thư gửi sinh viên trước lễ trao bằng tốt nghiệp nhận về 'bão like'

SVVN - Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong xin giới thiệu thư gửi các tân cử nhân K59 của PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trước ngày trao bằng tốt nghiệp. Chỉ sau khoảng 3 giờ được đăng tải trên trang cá nhân, bài viết đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và hàng trăm lượt chia sẻ.
Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời

Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời

SVVN - Giáo sư Võ Tòng Xuân mất vào sáng ngày 19/8 tại một bệnh viện ở TPHCM. Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.