Phái đoàn Đại sứ quán Pháp vừa đến trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) để trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp cho TS Phan Thị San Hà - nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ quốc tế, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM).
Cành cọ Hàn lâm là một loại huân chương cao quý được Cộng hòa Pháp trao tặng cho các giảng viên, nhà khoa học có nhiều thành tựu trong nghiên cứu tại các viện/trung tâm hay các trường đại học hoặc đóng góp lớn sự kết nối Pháp - Việt. TS Phan Thị San Hà là một trong số rất ít nhà khoa học tại Việt Nam nhận được huân chương này.
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa năm 1984, TS Phan Thị San Hà nhận học bổng theo học tại ĐH Joseph Fourier, Grenoble và nhận bằng Tiến sĩ ngành Khoa học Trái Đất vào năm 1993. Trước khi về hưu, TS Phan Thị San Hà đã có hơn 30 năm cống hiến tại trường ĐH Bách khoa, bằng năng lực và nhiệt huyết của mình mang về cho trường nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác Pháp, mà tiêu biểu nhất là đặt nền móng cho sự thành lập của CARE tại trường vào năm 2013 để phát triển các dự án nghiên cứu liên kết và các hoạt động đào tạo giữa các tổ chức giữa Việt Nam và châu Âu. Đến nay, CARE tại Việt Nam được đánh giá là trung tâm hoạt động tốt nhất trong mạng lưới RESCIF.
TS Phan Thị San Hà nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp trao tặng. |
Thay mặt cho tập thể Nhà trường, PGS. TS Mai Thanh Phong gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cá nhân TS Phan Thị San Hà và trường ĐH Bách khoa.
“Huân chương cao quý ngày hôm nay đánh dấu cột mốc mới cho quan hệ giữa Nhà trường và đối tác Pháp, tiếp nối cho những thành quả hợp tác trước đó về các dự án trong Cộng đồng khối Pháp ngữ (AUF), chương trình đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), thành lập CARE cùng nhiều hoạt động khác như ký MOU, trao đổi sinh viên, giảng viên...”, PGS. TS Mai Thanh Phong nói.
Xúc động khi mình là một trong những người Việt được trao huân chương này, TS Phan Thị San Hà bày tỏ: “Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp là vinh dự to lớn của một người sống đời bình thường, làm công việc bình thường là giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.