Thưa PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, được biết bạn Nguyễn Chúc Khanh - con gái ông - vừa nhận được nhiều học bổng giá trị từ những trường Đại học uy tín ở Mỹ. Từ góc độ của một phụ huynh, ông có điều gì muốn chia sẻ với các phụ huynh có ước mơ muốn con em mình được nhận những học bổng danh giá như vậy?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Trước hết, tôi xin chia sẻ việc tìm hiểu “ước mơ của con đến từ đâu?” phải đưa lên hàng đầu. Ước mơ có thể đến từ chính con, có thể đến từ các bạn cùng lớp, cùng nhóm chơi thân hoặc có thể đến từ chính bố mẹ. Tôi không muốn ước mơ của con tôi bị tác động bởi ước mơ bất khả thi của người khác. Bởi vì, chỉ khi ước mơ đó là của chính con trẻ và được xây dựng trên nền tảng năng lực của con thì chúng mới thành hiện thực. Trong quá trình hiện thực hoá ước mơ, con trẻ cũng cần hiểu được năng lực tài chính của gia đình và cần tìm đúng người tư vấn (counselor) tốt để có cơ hội thành công cao.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – ĐHQG Hà Nội. |
Rất tiếc hiện nay, vô cùng hiếm các trường cấp 3 có riêng bộ phận tư vấn chuyên nghiệp cho các con trong khi nhu cầu rất nhiều. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh sẵn sàng tìm đến các công ty tư vấn như là cứu cánh cuối cùng cho gia đình, chấp nhận chi trả nhiều tiền cho việc xây dựng hồ sơ du học và xin được học bổng cho con trẻ. Với nhiều gia đình, đây là khoản đầu tư không nhỏ và kết quả cuối cùng có thể không như kỳ vọng. Khi đó, với năng lực tài chính của gia đình hạn chế sẽ không đủ trang trải cho con đi du học. Để tránh điều này, phụ huynh và con trẻ cần trao đổi rõ ràng các kịch bản khác nhau, giúp con tránh được những cú sốc tinh thần ngoài ý muốn khi ước mơ đổ vỡ. Việc xác định năng lực tài chính gia đình và khả năng có học bổng của con trẻ cần được đưa lên đầu tiên, tránh trường hợp “đi không được, ở lại không xong”.
Mặt khác, phụ huynh cần nhận diện các nỗi lo có thể xảy ra như trầm cảm khi xa gia đình, môi trường không an toàn, sức khoẻ, khí hậu và các sa ngã, cám dỗ khi không có ai quản lý… Tôi đã thấy trường hợp những bạn ở Việt Nam học rất giỏi, hay thậm chí gia đình có điều kiện nhưng phải quay về Việt Nam bởi chưa xác định tinh thần học xa nhà.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ của Chúc Khanh bắt đầu từ năm lớp mấy? Và lộ trình chuẩn bị hồ sơ này được diễn ra như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Quá trình chuẩn bị hồ sơ của bạn Chúc Khanh khá sớm thông qua việc tích luỹ thành tích và thu thập minh chứng từ cấp 1, cấp 2. Tuy nhiên, nói chung thời gian bắt đầu chuẩn bị từ lớp 9 có thể tạm ổn vì đây là năm đầu của trung học hệ Mỹ. Theo hệ thống giáo dục Mỹ, đa số các trường Đại học sẽ xét bảng điểm từ khi các con bắt đầu vào cấp 3 (lớp 9).
Việc phụ huynh chủ động lưu lại trên máy tính một thư mục các thành tích của con rất quan trọng, giúp quá trình xây dựng hồ sơ không bị sót thành tích con đã đạt được. Phụ huynh lưu ý không chỉ thành tích trong học tập mà các thành tích liên quan đến phát triển toàn diện cá nhân như âm nhạc, hội hoạ, các loại hình nghệ thuật (Art Portfolio) cũng được hội đồng xét tuyển các trường xem xét. Ngoài ra, những đóng góp cho cộng đồng, địa phương mà con trẻ sinh sống cũng là điểm cộng cho bộ hồ sơ xin học bổng,…
Với trường hợp hồ sơ bạn Chúc Khanh, ngoài các điểm trên, việc hiểu biết về ngành nghề sẽ theo học cũng được đưa vào hồ sơ. Khi nhà trường thấy rõ những minh chứng về kiến thức hay các thành tích liên quan đến ngành học sẽ giúp con chiếm lợi thế.
Các thành tích đỉnh cao trong thể thao cũng được các trường ưu ái khi xét hồ sơ vì họ đánh giá bạn trẻ đó sẽ đóng góp vào thành tích thể thao của trường khi đi học.
Nguyễn Chúc Khanh nhận thư báo được nhận Presidential Scholarship từ Chủ tịch trường Đại học Tulsa có giá trị 6 tỷ đồng. |
Một số thư báo trúng tuyển của Nguyễn Chúc Khanh. |
Việc ông là một giảng viên đại học có nhiều thời gian học tập và giảng dạy ở nước ngoài ảnh hưởng như thế nào vào kết quả hôm nay của Chúc Khanh?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Tôi may mắn khi được học tập và giảng dạy ở nước ngoài, trong đó có nước Mỹ. Nhờ những kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân, tôi tư vấn và giúp con nhiều trong quá trình nộp hồ sơ mà không phải thông qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp. Nhiều phụ huynh không có kiến thức và thời gian phải lựa chọn thuê công ty dịch vụ du học. Vì vậy, nhiều phụ huynh trao khâu này cho công ty tư vấn hồ sơ chuyên nghiệp để yên tâm dành thời gian làm việc khác. Các hợp đồng tư vấn này phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế từng gia đình. Bản thân tôi tin rằng hồ sơ của các con đẹp nhất khi được chính phụ huynh cùng tham gia xây dựng với sự tận tâm của các thầy cô tư vấn (counselors). Sự kết hợp bộ 3 này sẽ tạo nên bộ hồ sơ trung thực và tuyệt vời nhất.
Từ góc nhìn của ông, phần nào là quan trọng nhất trong hồ sơ của Chúc Khanh quyết định đến việc các trường đồng ý cấp học bổng?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Từ kinh nghiệm của tôi, khi các bạn xác định nộp hồ sơ xin học bổng, tất cả đều có điểm học bạ rất cao, điểm tiếng Anh (TOEFL, IELTS,…) nhóm tối đa, điểm SAT/ACT top đầu, thậm chí có những nghiên cứu liên quan đến ngành học, có bộ hồ sơ nghệ thuật chuyên nghiệp, có đóng góp nhiều cho cộng đồng, có giải thưởng quốc tế… Do đó, tất cả các phần đều quan trọng.
Riêng bộ hồ sơ của bạn Chúc Khanh, điểm mạnh là sự hội tụ các hoạt động liên quan đến ngành học và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trong đó, CV và thư trình bày mục tiêu học tập của bạn Chúc Khanh được đầu tư khá nhiều thời gian với mục tiêu “chạm” và “trúng” các tiêu chí của trường, khiến hội đồng muốn đọc từng dòng trong bức thư đó. Để làm được điều này, Chúc Khanh phải nghiên cứu kỹ từng trường và đặt mục tiêu của gia đình vào khả năng từng trường trước khi viết thư trình bày mục tiêu. Văn hoá phương tây và phương đông khác nhau, điểm không nên việc tư vấn nội dung trong thư rất quan trọng. Đặc biệt, với Chúc Khanh, mục tiêu nhận học bổng toàn phần được đặt lên hàng đầu, để gia đình và con không bị áp lực tài chính trong quá trình học tập. Phần ghi điểm nữa trong hồ sơ của Chúc Khanh là những bức thư giới thiệu “thật” và “chất”, cho Hội đồng thấy người giới thiệu hiểu rõ ứng viên, cho thấy người giới thiệu gắn bó và liên hệ thường xuyên với các con.
Chúc Khanh cũng ghi điểm khá tốt trong phần phỏng vấn và làm video bản thân gửi Hội đồng tuyển chọn khi trả lời lưu loát và đưa ra những minh chứng rõ ràng về năng lực bản thân.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: "Mỗi đứa trẻ có sức chịu đựng khác nhau nên phụ huynh cần tránh gây áp lực phải có học bổng cho con trẻ". |
Việc hướng nghiệp cho con thường không dễ? Anh có phương pháp gì hướng nghiệp cho con hiệu quả có thể chia sẻ với các phụ huynh không?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Bản thân là giảng viên kinh tế, tôi mong muốn con theo học ngành kinh tế để từ đó tôi có cơ hội hỗ trợ con nhiều hơn. Tuy nhiên, khi biết con không phù hợp ngành này cũng như thấy nhiều ngành có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai, tôi đã cùng con quyết định theo học STEM để lấy kiến thức nền phát triển nghề nghiệp sau này với định hướng công tác trong ngành Y Dược trong tương lai.
Theo ông, làm sao để biết con mình thực sự phù hợp với việc đi du học?
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi: Theo tôi, các gia đình cần xem xét năng lực của con, tâm sinh lý của con, khả năng tự lập của con, và đặc biệt là khả năng tài chính của gia đình để quyết định con có thực sự phù hợp với việc du học hay không? Hãy đặt ra những tình huống con không được cấp học bổng hoặc đang học bị cắt học bổng thì con sẽ phải học ở đâu?
Mỗi đứa trẻ có sức chịu đựng khác nhau nên phụ huynh cần tránh gây áp lực phải có học bổng cho con trẻ. Thay vào đó, hãy thống nhất mong muốn của gia đình với thực lực của con. Xin chúc các bậc phụ huynh và các con có chung ước mơ và gặp được người tư vấn hồ sơ tốt!
Trân trọng cảm ơn ông!