Lê Yến Chi (sinh năm 2004) sinh viên năm ba chuyên ngành Ảnh Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Tuổi niên thiếu đầy chông gai
Nhắc đến tuổi thơ, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ tới những năm tháng hồn nhiên, tinh khôi, trong trẻo, được thỏa thích chơi đùa trong vòng tay bao bọc của bố mẹ. Mình cũng như vậy, hồi bé mình là một bé gái cá tính với mái tóc tém vàng hoe được vui đùa thỏa thích vô lo vô nghĩ. Tuổi thơ đầy ắp tiếng cười như thế nhưng biến cố đã xảy ra khi mình chập chững bước vào tuổi niên thiếu.
Bố mình đổ bệnh nặng không đi làm được, vốn vùng quê thu nhập thấp nên gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nén lên đôi vai của mẹ. Mẹ mình vốn là người phụ nữ lao động vất vả, mẹ được mọi người xung quanh bảo: “Có đôi mắt đẹp nhưng buồn” nên nay trên đôi mắt ấy, càng nhiều dấu chân chim vì lo nghĩ. Thương mẹ, mình đã đi làm từ khi mới là học sinh lớp 7 từ việc nặng tới việc nhẹ. Từ những trưa hè nắng gắt 40 độ rong ruổi khắp đó đây để bán sim đã khắc sâu trong mình ý nghĩa của hai chữ “Tự lập”.
Ngôi nhà thứ 2 ấm áp
Thật may mắn khi xuyên suốt quá trình 18 năm theo học các trường ở quê, mình luôn nhận được sự yêu quý từ thầy cô và bạn bè. Ngôi trường Trung học phổ thông Đan Phượng là nơi đã hun đúc, nuôi dưỡng ước mơ của mình, động viên khích lệ mình thể hiện bản thân mà mình sẽ luôn biết ơn. Mình năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, môi trường cùng CLB “Hành trình xanh” của trường; mình đạt giải Ba cuộc thi “Học sinh thanh lịch” và là “Thí sinh có màn ứng xử hay nhất”. Từ đó, mình có cơ hội vinh hạnh nhất là được đại diện học sinh toàn khối phát biểu lời tri ân tới cha mẹ trong buổi bế giảng cuối cùng.
Giữa tâm dịch COVID - 19, Yến Chi tham gia cuộc thi “Học sinh thanh lịch Đan Phượng” và giành giải thưởng “Thí sinh ứng xử hay nhất”. |
Yến Chi đại diện học sinh toàn khóa phát biểu lời tri ân tới cha mẹ đêm bế giảng cuối cùng. |
Những hành trang đó đã hun đúc cho mình một giấc mơ với ngành Báo chí - Truyền thông, đó là sứ mệnh lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc.
Cánh cửa mới mở ra và hành trình vượt qua giới hạn bản thân
Mang một niềm đam mê và hoài bão của tuổi trẻ, mình đã đỗ vào Viện Báo chí - Truyền thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cảm xúc khi nhận thông báo trúng tuyển, mình đã ôm chầm lấy bà và nói: “Bà ơi! Con làm được rồi!”. Mình hào hứng nghĩ về những năm tháng sinh viên được học tập dưới môi trường vô cùng năng động và sáng tạo; mơ mộng về những cơ hội được gặp anh chị Nhà báo, Phóng viên, Biên tập viên, MC nổi tiếng mà mình vô cùng ngưỡng mộ và mình mang hết sự tự tin của cô gái tuổi 18 ấy đến với cánh cổng mang số hiệu 36.
Tuy nhiên, ngay khi bước chân tới trường, mình hoàn toàn bị “ngợp”. Ngợp vì các bạn bè xung quanh đều rất nổi bật, xuất thân từ trường chuyên lớp chọn, học vấn thuộc top “siêu đỉnh”. Ngợp vì môi trường quá năng động với hàng chục sự kiện chào tân mà mình chưa bao giờ được thấy. Và…. ngợp vì trang trải cuộc sống đại học.
Không may mắn được gia đình chu cấp nên mình càng ý thức rõ ràng hơn về việc tự lập, tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân. Bắt đầu từ con số không, mình đề ra kế hoạch vừa đi học vừa đi làm để tích lũy tri thức và vừa mua dần các phương tiện học tập. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, ngày thường hay cuối tuần, sáng sớm hay đêm muộn, mỗi ngày mình băng qua hơn 50 cây số để chinh phục con đường phía trước. Dù có vất vả nhưng mình luôn thấy hạnh phúc vì “ngày hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua”.
Mình không coi khoảng cách là vấn đề nên tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện trên trường với nhiều trải nghiệm như: trách nhiệm với vai trò Ban cán sự của lớp Ảnh Báo chí K42; cháy hết mình cho Sự kiện chào tân Viện báo chí Fire Up; thành viên đội ảnh của CLB Kỹ năng Truyền thông CSC thuộc khoa PR & Quảng cáo. Mình hoạt động song song cả hai mảng Báo chí và Truyền thông để hiểu rõ “biển lớn” mình đang bơi là gì để trang bị cho bản thân những kỹ năng tốt nhất.
Nữ sinh hóa tay máy “cừ khôi” tại các sự kiện lớn, nhỏ trường Báo. |
Quả ngọt đã đến khi mình là nhóm trưởng của Đề án truyền thông xuất sắc nhất CSC nhận được hàng trăm tương tác trên Fanpage chính thức của CLB. Sau đó ít lâu, mình đã tự mua được chiếc xe đầu tiên cùng với máy tính, điện thoại đáp ứng cho công việc và học tập. Mình đã đặt từng viên gạch một cách cẩn thận và hạnh phúc khi đã xây được nền móng vững chắc.
Sản phẩm truyền thông sáng tạo của Yến Chi cùng đồng đội. |
Nhìn những thành quả ấy, mình bất giác nhận ra rằng đã vượt qua giới hạn của bản thân. Theo Thomas Edison: "Trí thông minh chỉ chiếm 1% sự thành công còn 99% còn lại do nỗ lực rèn luyện". Điều đáng sợ nhất không phải là chúng ta không ưu tú mà là trước khi làm việc chăm chỉ đã thua trước sự lười biếng của bản thân. Một người chị mà mình rất kính nể đã nói: “Ngày hôm nay khó khăn, ngày mai khó khăn hơn, nhưng ngày kia sẽ là nắng ấm”. Tia nắng ấm áp nhất của mình là nụ cười của mọi người xung quanh đã theo dõi suốt chặng đường và vỗ về: “Cố gắng lên, cô gái nhỏ bé”.
Người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Chắc hẳn trong câu chuyện của mỗi người đều có những nhân vật đặc biệt, với mình, người ấy là bà nội – bếp lửa hun đúc mình của ngày hôm nay. Những ngày đi xa, mình hay nhẩm lại bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), nhớ lại lời bà dặn phải ăn đủ bữa ngủ đủ giấc, nhớ về hoài niệm bà thương mình, đùm bọc, dạy dỗ với nỗi buồn trống trải, da diết, mênh mông. Đối với mình, bà là ngọn nguồn ấm áp, vỗ về, nuôi nấng, chở che và bà là sự kết hợp thiêng liêng cao quý của tình cha, nghĩa mẹ, công thầy. Thế nhưng, thời gian chẳng bỏ qua một ai, bà đã ở độ tuổi gần đất xa trời, đã tuổi cao sức yếu nên đó là điều mình luôn đau đáu thôi thúc phải cố gắng vươn lên, sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ khó khăn chông gai thử thách nào. Vì nhất định: “Tốc độ thành công của mình phải nhanh hơn tốc độ già đi của bà”.
“Bếp lửa” đời thực - tình bà cháu ấm áp của nữ sinh bên bà. |
Bếp hồng rực cháy
Mình rất nhớ câu nói của Nhà báo Lại Văn Sâm: “Thanh xuân không nhất thiết là lúc còn trẻ mà là lúc mình sống trọn vẹn tại giây phút thực tại và sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ”. Tuổi trẻ là những ước mơ. Tuổi trẻ là những đam mê. Mỗi chúng ta đều chứa đựng câu chuyện riêng mà mình tin chắc rằng, ai cũng có khó khăn vì cuộc sống là những vết gấp sặc sỡ sắc màu. Mình cảm ơn bản thân đã luôn cố gắng và không bỏ cuộc, đã dám theo đuổi ước mơ, trân trọng ngày hôm nay – từng khoảnh khắc mà mình đang sống.
Yến Chi tin rằng: “Cháy hết mình cho hiện tại, tương lai sẽ thật tỏa sáng”. |
Trong cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn có viết “Bạn thân mến, đừng cầu nguyện để đời bạn không trải qua nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức đương đầu với sóng gió cuộc đời”. Không thể phủ nhận, trên con đường theo đuổi đam mê, mọi người trẻ sẽ đối đầu với nhiều gập ghềnh, trắc trở. Sẽ nhiều lúc dẫm phải gai rất đau, nhưng khi đạt được thành quả lại rất “ngọt”, rất hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà bao người thèm khát.
“Ai rồi cũng phải bắt đầu từ đâu đó”. Hãy cứ vấp ngã, vì vết thương nào cũng lành, rồi ta sẽ thêm cứng cáp, vững vàng và trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua. Sống, đừng để phải thốt lên hai từ “Giá như…?”, hãy hết mình cho từng khoảnh khắc, để rồi khi nhìn lại, chính ta sẽ mỉm cười với ta. Chúng ta là những thanh niên trẻ, tinh thần, nhiệt huyết còn đang hăng hái hãy kiên trì chinh phục những khó khăn và hãy tự tin phá bỏ những rào cản của bản thân. Ai cũng có những nỗi sợ riêng, nhưng hãy đối mặt với nó để có thể mạnh mẽ và phát triển hơn.
(Ảnh: NVCC)