Đề cao “tư duy của người làm báo”
Tại thời điểm tham gia Câu lạc bộ Truyền thông tại trường cấp 3, Quỳnh Anh được truyền động lực, niềm say mê tâm huyết với các sự kiện, hoạt động giao lưu kết nối từ các thành viên trong nhóm. Đồng thời, nữ sinh được phụ trách cập nhật tin tức, lan toả hình ảnh tích cực của trường đến với mọi người. Từ đó, bản thân cô quyết tâm đặt mục tiêu học và trở thành một MC, BTV truyền hình.
Nguyễn Phương Quỳnh Anh (22 tuổi) đang là sinh viên năm thứ 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Nhận được sự ủng hộ từ gia đình, Quỳnh Anh như được tiếp thêm sức lực, tinh thần, học và cố gắng hết mình với đam mê. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cánh cửa chuyển giao tri thức đến môi trường giáo dục hiện đại với các thế hệ sinh viên năng động, giàu tư duy sáng tạo đổi mới.
Để đạt được mục tiêu học tập, nữ sinh Quảng Ninh đã chủ động tham gia đa dạng phương thức truyền đạt nội dung. Trong đó, cô đề cao hiệu quả từ việc học tập trên lớp, làm nghiên cứu khoa học hay tham gia các workshop chuyên môn, sự kiện tại trường,…
Trưởng thành từ nghề dẫn giúp nữ sinh có nhiều bài học và trải nghiệm thú vị. |
Bên cạnh các kiến thức cơ sở và chuyên ngành, cô sinh viên năm cuối còn học hỏi từ thầy cô và các anh chị khóa trước về “tư duy của một người làm báo chí”. “Dù mình có đồng hành với nghề viết báo hay không thì điều này cũng giúp bản thân có khả năng hệ thống thông tin, phân tích vấn đề dưới góc nhìn logic và thời sự” - Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh học tập, nữ sinh cũng tích cực đóng góp sức trẻ trong các hoạt động tại Khoa, Trường. Được trở thành một phần trong Ban tổ chức sự kiện Chào tân sinh viên Khoa Phát thanh – Truyền hình (nay đã sáp nhập với Viện Báo chí thành Viện Báo chí – Truyền thông): Sóng trẻ chính là kỷ niệm đẹp trong thời sinh viên của Quỳnh Anh.
Nữ sinh kết nối tương tác với khán giả trong quá trình dẫn. |
Theo nữ sinh năm cuối, đây là sự kiện thường niên có quy mô hoàng tráng với sự tham gia của nhiều khách mời nổi tiếng, những tiết mục văn nghệ hấp dẫn,... là món quà tinh thần đến các bạn tân sinh viên.
Niềm vui khi tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu
Sở hữu tính cách năng động, hoạt ngôn, Quỳnh Anh thường được thầy cô giáo trao cơ hội làm người dẫn chương trình, thuyết minh và kể chuyện trên các sân khấu, cuộc thi quy mô cấp trường, thị xã,… trong suốt 12 năm học. Có lẽ, tình yêu với “chiếc mic” của nữ sinh vùng đất mỏ Quảng Ninh được nhen nhóm từ đấy.
Mỗi sự kiện đều giúp bản thân Quỳnh Anh có cơ hội giao lưu với những người giỏi. |
Quỳnh Anh với vai trò MC tại VTC10. |
Trong những năm đại học, Quỳnh Anh có cơ hội đi dẫn nhiều hơn. “Tuy chỉ là những sự kiện của trường học, doanh nghiệp nhỏ hay những số truyền hình cơ bản; nhưng đối với mình đó là những trải nghiệm rất quý báu” - Nữ sinh bày tỏ.
Sân khấu học đường quy mô lớn đầu tiên mà cô được dẫn dắt, tỏa sáng trước hàng nghìn sinh viên chính là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Quỳnh Anh còn là MC của nhiều chương trình hấp dẫn như: Câu chuyện ngày mới; Station Việt Nam – VTC10.
Nữ sinh cho biết thêm, bản thân vẫn nhớ sự lo lắng trong những lần đầu đấy. Nhưng, cô cảm thấy may mắn khi đã vượt qua, dù chưa trọn vẹn nhưng cảm giác chinh phục được nó thật tuyệt vời!
Quỳnh Anh tham gia chương trình trải nghiệm. |
Để chinh phục được ước mơ trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp, Quỳnh Anh chủ động sắp xếp thời gian tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ MC. Qua các khóa học, nữ sinh được “khai sáng” những kỹ năng thực chiến để nâng cao trình độ chuyên môn dẫn.
Cô cho rằng: “Ngoại hình sáng, giọng nói hay là điều kiện đúng nhưng không thể đủ nếu thiếu kiến thức. Kiến thức ở đây không đơn thuần về dẫn chương trình mà bao gồm trong tất cả lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… Vì lý do này mà việc cập nhật tin tức liên tục, hàng ngày bằng cách xem tivi, đọc báo,… rất quan trọng với mình, là tiền đề trở thành một người nói, nói đúng và nói hay.”
Theo nữ sinh, phóng viên cần có nguồn kiến thức sâu rộng. |
Không chỉ là một MC trẻ tài năng, Quỳnh Anh đang đảm nhận song song công việc VJ (người dẫn dắt các video trên nền tảng số) cho một số nhãn ngành hàng về sức khỏe, sắc đẹp. Theo nữ sinh, việc làm VJ không chỉ giúp rèn luyện khả năng nói, đồng thời còn có cơ hội tìm hiểu, đào sâu những thông tin liên quan sản phẩm, nhãn hàng, vốn hiểu biết từ đó cũng được trau dồi.
Theo nữ sinh Quảng Ninh, để sống có ích cho xã hội hay lan tỏa được tinh thần tốt đẹp của người trẻ thì trước hết bản thân phải là người tốt, người tử tế và làm những điều đúng đắn. Như Đen Vâu đã nói trong bài hát Nấu ăn cho em: “… nhìn những người tốt quanh mình xem họ làm gì và làm theo. Và người tốt thì ngoài kia nhiều lắm.”
Ảnh: NVCC