Cùng theo học ngành Thiết kế đồ họa truyền thông tương tác, tại trường ĐH Văn Lang, Bùi Thị Kiều Trinh (sinh năm 2000) và Nguyễn Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1996) đã hoàn thành dự án phim hoạt hình ngắn mang tên Mộng Đông Hồ. Câu chuyện phim được cả hai lấy ý tưởng từ cơ duyên khi thấy những bức tranh dân gian Đông Hồ trên Pinterest làm gợi lại ký ức tuổi thơ.
Khi còn học tiểu học, Kiều Trinh và Ngọc Phượng đã rất thích thú khi lần đầu tiên được thấy tranh Đông Hồ trong tiết mỹ thuật. Từ đó, các bạn chợt suy nghĩ, tại sao không thổi hồn vào những bức tranh ấy và làm cho nó sinh động hơn, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống và để những người trẻ hiện nay tiếp cận, có cái nhìn mới hơn với những dòng tranh xưa?
Kiều Trinh. |
Thực hiện một dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian đôi khi dễ gây tranh cãi vì nếu làm không khéo dễ bị người xem phản ứng. Kiều Trinh và Ngọc Phượng đã suy nghĩ rất nhiều khi chọn đề tài này. Vì thời gian khá ngắn để cả hai có thể hoàn thành một phim ngắn đầu tay, cũng như là đồ án tốt nghiệp một cách hoàn chỉnh.
Ngọc Phượng. |
Nhưng vì sự yêu thích dòng tranh Đông Hồ nên bộ đôi này quyết định thu hẹp lại khối lượng đồ án. Vì vậy, Mộng Đông Hồ không mang trong mình trọng trách hay ý nghĩa gì lớn lao, chỉ đơn giản là muốn góp phần nhỏ nào đó vào việc kết nối giữa những cái xưa cũ và những cái mới mẻ, cũng như là người xưa và giới trẻ bây giờ.
Mất gần 5 tháng để Kiều Trinh và Ngọc Phượng hoàn thành phim hoạt hình ngắn này. Hai bạn cho biết: “Thật ra, kịch bản ban đầu của tụi mình, bức tranh Đám cưới chuột không phải là nhân tố chính, mà sử dụng rất nhiều bức tranh khác thuộc dòng tranh Đông Hồ để cấu thành kịch bản. Nhưng vì thời gian không đủ nên đã phải rút ngắn kịch bản lại để đảm bảo tiến độ. Về việc giữ lại bức tranh Đám cưới chuột để mang vào dự án này lại là một cơ duyên, khi một người thầy của tụi mình đã giúp tháo gỡ nút thắt để có thể đi đến kịch bản cuối cùng”.
Trong quá trình thực hiện dự án, Kiều Trinh và Ngọc Phượng gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến khó khăn trong việc lên kịch bản, làm sao để vừa đảm bảo được tiến độ, vừa phải truyền tải được nội dung. Việc lên ý tưởng nhân vật cũng là một vấn đề. Cả hai muốn lên ý tưởng riêng để phù hợp với giới trẻ hiện nay hơn, nhưng vẫn phải làm sao để bám sát nhân vật trong tranh Đông Hồ và giữ được nét mộc mạc và gần gũi với người xem.
Đặc biệt, một khó khăn không thể không kể đến khi việc hai bạn đều là những sinh viên ở miền Nam, rất khó tiếp cận trực tiếp để hiểu sâu hơn về những dòng tranh xưa ở miền Bắc. Để khắc phục thì mỗi khi gặp khó khăn mà không thể giải quyết, cả hai sẽ tìm và liên hệ với giảng viên, cũng như là những người có chuyên môn để hỗ trợ.
Qua tác phẩm này, Kiều Trinh và Ngọc Phượng muốn gửi đến người xem thông điệp: Hãy chung tay kết nối nét đẹp truyền thống đến với giới trẻ hiện nay, vì nhóm tin rằng, sự sáng tạo kết hợp với truyền thống sẽ mang lại sự trải nghiệm mới mẻ hơn cho các bạn trẻ. Sau dự án này, nếu như có cơ hội với những dự án có thể góp phần quảng bá văn hóa dân gian Việt Nam, cả hai rất mong được hợp tác để có thể học hỏi và nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này.
Có nhận định rằng, người trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thông dân tộc. Hai bạn cho rằng: "Khách quan mà nói thì nó chỉ đúng ở một khía cạnh nào đó, cũng có thể không hẳn là các bạn thờ ơ, mà mỗi cá nhân sẽ có những chuẩn mực thẩm mỹ riêng, hay chưa có cơ duyên để tiếp xúc và cảm nhận đến nét đẹp xưa cũ. Và theo tụi mình biết thì hiện nay văn hóa truyền thống cũng đang là một đề tài thu hút được khá nhiều bạn trẻ quan tâm muốn tìm tòi và nghiên cứu”.
Hiện tại, cũng có nhiều người Việt tham gia sáng tạo tại các dự án phim ảnh lớn của quốc tế, nhất là về đồ họa, kỹ xảo. Trinh và Phượng cũng vừa tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa truyền thông tương tác, về định hướng công việc cụ thể sau khi rời giảng đường, hai bạn vẫn muốn sáng tạo liên quan đến văn hóa Việt Nam. Dù ở trong nước hay quốc tế thì cả hai sẵn sàng tham gia để góp phần quảng bá tinh thần, văn hóa dân tộc bằng kinh nghiệm đã có được.
Một trong những khó khăn của công việc này định hình phong cách cá nhân trong sáng tạo, Kiều Trinh và Ngọc Phượng chia sẻ: “Nói về định hình phong cách cá nhân trong sáng tạo, mỗi người sẽ có một sở thích và phong cách riêng. Đặc biệt là làm phim, để có thể phát triển, làm việc nhóm hiệu quả trong dự án thì cá nhân phải tự điều chỉnh và linh động làm sao đó để phù hợp với nhóm cũng như là phong cách của dự án mà nhóm hướng tới”.
Hiện tại, Kiều Trinh và Ngọc Phượng dành thời gian để hoàn thiện chỉn chu hơn đồ án phim ngắn Mộng Đông Hồ. Song hai bạn sẽ tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân để cho ra những dự án mới. Trinh và Phượng cũng hy vọng là mọi người vẫn sẽ quan tâm và ủng hộ các bạn trong những dự án sắp tới.