Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện do Đại sứ quán Ấn Độ phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp tổ chức từ 26-31/3/2024. Đoàn múa cũng có các buổi biểu diễn tại Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái và Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên.
Đoàn múa Pratibha Kala Kendra biểu diễn tại Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Đoàn múa Pratibha Kala Kendra được thành lập và dẫn dắt bởi vũ công nổi tiếng Pratibha Sharma. Được thành lập với mục tiêu bảo tồn và phát huy truyền thống đa dạng của múa Ấn Độ, Pratibha Kala Kendra đã để lại dấu ấn khó quên trong thế giới nghệ thuật biểu diễn.
Là một đoàn múa năng động, Pratibha Kala Kendra được biết đến nhờ sự kết hợp các điệu múa truyền thống và đương đại. Màn trình diễn của đoàn luôn sôi động, đầy mê hoặc với những điệu múa dân gian từ nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ.
Tối 27/3, trong buổi diễn tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các vũ công của đoàn Pratibha Kala Kendra mang tới 5 tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá của đất nước Nam Á.
Các đại biểu thực hiện nghi thức thắp đèn truyền thống của Ấn Độ để bắt đầu chương trình. |
Chương trình có sự tham dự của Ngài Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình còn có sự góp mặt của các đại sứ, đại diện đến từ nhiều quốc như Philippines, Rumani, Peru và Sri Lanka.
Chương trình thu hút nhiều khán giả sinh viên tới thưởng thức. |
Đặc biệt, tiết mục kết thúc Phoolon Ki Holi (Holi và hoa) nhận được sự tương tác, hưởng ứng nhiệt tình từ các giảng viên, sinh viên và đông đảo công chúng có mặt tại Hội trường C2 Bách khoa. Đây là điệu múa tái hiện việc ăn mừng lễ hội ném bột màu Holi nổi tiếng của người dân Ấn Độ.
Đại biểu và khách mời tương tác cùng các nghệ sĩ trên sân khấu. |
Trần Minh Đức, sinh viên năm ba ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, ngồi chăm chú đón xem các màn biểu diễn kéo dài gần hai giờ đồng hồ. Cậu cho biết ấn tượng với biểu cảm khuôn mặt của các vũ công. Đức nhận xét, các tiết mục đều cho thấy tình yêu và sự điêu luyện của người nghệ sĩ, thể hiện ở nét mặt luôn vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc xuyên suốt chương trình.
Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Đức nói cậu thấy thích thú nhất với phần xoay đĩa để các cánh hoa bung toả tự nhiên trên sân khấu của nghệ sĩ nam đóng vai Thần Krishna. “Mình và các bạn đều phải wow lên bất ngờ trước phần thể hiện đó”, Đức cho hay.
Nghiêm Thị Thu Hà, sinh viên năm ba ngành Kỹ thuật sinh học, đến với buổi biểu diễn vì đã nghe nhiều thông tin về văn hoá Ấn Độ nên đi xem vì tò mò và thấy thú vị. Qua ngành học của mình, Hà được biết Ấn Độ là đất nước rất phát triển về công nghệ sinh học và sản xuất dược phẩm. Nơi đây cũng có thể mạnh trong các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ cao.
“Mình thấy các tiết mục đều được đầu tư công phu và chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện tâm huyết của các nghệ sĩ. Trong tương lai mình rất muốn đến Ấn Độ du lịch một lần vì nghe nói nơi đây có lịch sử và văn hoá vô cùng đặc sắc”, Hà chia sẻ.
Giảng viên và sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chụp ảnh cùng các nghệ sĩ của đoàn múa Pratibha Kala Kendra. |
Trong các khán giả đến tham dự chương trình còn có một số bạn trẻ Ấn Độ đang sinh sống và học tập tại Việt Nam. A.M (19 tuổi) đã đến Việt Nam được một năm và hiện đang học tiếng Việt tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cậu đi cùng một người bạn Việt Nam tới xem biểu diễn và tỏ ra vô cùng hào hứng với các tiết mục. A.M cho biết dịp lễ hội Holi vừa qua cậu không thể về thăm gia đình nên các tiết mục khiến cậu thấy thân thuộc và phần nào nguôi nỗi nhớ nhà.
Chương trình cũng thu hút các bạn trẻ và người lớn tuổi là học viên các lớp Yoga, múa cổ điển và tiếng Hindi tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda trực thuộc Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội.
Trước đó hôm 26/3, chuyến lưu diễn Việt Nam của đoàn đã bắt đầu bằng buổi diễn tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Tại đây, đoàn múa đã biểu diễn một số điệu múa mùa xuân, dựa trên các câu chuyện xoay quanh cuộc đời và tình yêu của Thần Krishna và Radha.
Đoàn múa Pratibha Kala Kendra biểu diễn tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. |
Theo truyền thống của Ấn Độ, các sự kiện bắt đầu bằng lời cầu nguyện cho những phước lành và sự thành công. Người dân Braj thường bắt đầu nghi lễ trong ngày bằng việc tưởng nhớ Thần Krishna và Radha.
Các thành viên của đoàn múa Pratibha Kala Kendra cũng đã ghé thăm Học viện Múa Việt Nam. Tại đây, các vũ công đã trình diễn hai điệu múa truyền thống rất nổi tiếng và lâu đời của vùng Braj ở phía bắc Ấn Độ - điệu múa Mayur Raas và điệu Holi. Các sinh viên trường Múa đã có thời gian tìm hiểu về lịch sử, kỹ thuật và đặc trưng các điệu múa dân gian Ấn Độ do các nghệ sĩ chia sẻ.
Các vũ công chia sẻ về múa dân gian Ấn Độ cùng sinh viên Học viện Múa Việt Nam. |
Các buổi giao lưu và biểu diễn của đoàn múa Pratibha Kala Kendra là hoạt động thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, bền chặt và sâu sắc giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây còn là trải nghiệm mới mẻ và đầy ý nghĩa để sinh viên Việt Nam có thêm những hiểu thêm về văn hoá và con người của quốc gia đông dân nhất thế giới.