H.Q.N, 19 tuổi, quê Thái Bình và đang học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mới là sinh viên năm nhất nhưng N. đã phải chuyển chỗ ở đến hai lần và lần nào cũng có những vấn đề riêng.
Vào thời điểm nhập học, cậu dự định nộp đơn vào ở trong ký túc xá của trường. Do hết phòng, cậu rơi vào tình huống cần gấp rút tìm phòng trọ để ổn định nên đã chọn một phòng ở ngõ cạnh trường để thuận tiện di chuyển và làm quen cuộc sống.
Căn phòng đầu tiên thời sinh viên của chàng trai này được thuê với giá chỉ 1.8 triệu đồng/tháng. Đây vốn dĩ là một căn phòng lớn của căn nhà được ngăn chia thành ba phòng nhỏ bằng các vách ngăn thạch cao. Căn phòng chật hẹp chỉ khoảng 12m2 đủ chỗ để chứa một tấm phản gỗ làm giường và một cái tủ.
Phòng cách âm rất kém nên ngồi trong phòng cũng có thể nghe rõ tiếng ồn ào nói chuyện hay tiếng xe cộ đi lại. Bất tiện hơn, các phòng nhỏ này sử dụng chung một chiếc điều hoà. Những ngày nắng nóng, nếu muốn bật điều hoà đều phải đợi sự đồng ý của hai phòng còn lại và cũng không được tự ý bật điều hoà.
“Mình ở cái ‘chuồng cọp’ đó được 2 tháng, sau khi ổn định dần thì chuyển đi”, N. nhớ lại những ngày khổ sở đó.
Cận cảnh một phòng trọ rất bé tại khu vực Chính Kinh. |
Căn phòng hiện tại của cậu ở phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân, con phố tập trung rất nhiều phòng trọ, chung cư mini và các loại hình nhà ở khác cho sinh viên. Thời điểm N. đi tìm phòng trọ cũng là thời điểm vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ vừa xảy ra.
“Nhiều chủ trọ bảo mình vụ đó là xui rủi thôi và khẳng định chắc nịch phòng của họ an toàn tuyệt đối, rồi họ lảng sang nói chuyện khác”, N. chia sẻ về phản ứng mà cậu thường nhận được khi hỏi về vấn đề phòng chống cháy nổ khi đi tìm phòng.
Với giá 3.3 triệu đồng, cậu thuê được một căn phòng 20m2 trong dãy nhà trọ nhiều tầng, nơi mà cậu miêu tả nó trông rất “tàn tạ”. Phòng có những vết sơn loang lổ do người ở trước đó bị nổ nồi cơm điện, dù đã sơn lại nhưng vẫn rất xấu bởi còn lại nhiều mảng đen cháy.
Ở được một thời gian, N. phát hiện phòng bị rò cống, nếu có phòng nào ở tầng trên xả nước sẽ nghe được tiếng nước chảy rất rõ và mùi cống xộc lên khiến nhiều đêm cậu không thể ngủ được. Thỉnh thoảng, cậu còn gặp một số vấn đề khác như tiền điện tính không rõ ràng, dù đóng tiền vệ sinh chung nhưng 1-2 tháng mới có lao công quét dọn.
Dẫu phải cắn răng chịu đựng, N. cho biết cậu và nhiều hàng xóm khác cùng là sinh viên vẫn cố gắng chấp nhận, bởi vị trí khá gần khu dân cư đông đúc cũng, gần trường đại học và các tiện ích giải trí khác. Nhờ đó mới có thể dễ dàng tìm kiếm các công việc làm thêm để chi trả phần nào sinh hoạt phí.
Học cùng ngành tại trường Đại học Hà Nội, D.H.T, 21 tuổi, và ba cô bạn khác cùng nhau thuê căn hộ khoảng 30m2 trong khu tập thể cũ gần trường với giá 5 triệu đồng/tháng.
Ưu điểm là rộng hơn các phòng trọ, chung cư mini và thường được chủ nhà cơi nới thêm diện tích, cũng như tiền điện, tiền nước được tính theo giá hộ dân thay vì giá các chủ trọ tính cho sinh viên.
Là khu tập thể cũ, các trang thiết bị trong phòng đã hỏng nhiều chỗ, đặc biệt khu vực cầu thang chung nhiều ổ điện, dây điện chằng chéo, đường ống nhỏ nên phải hết sức chú ý và đôi khi nếu cống tắc có thể bị chảy ngược vào phòng, thậm chí còn có chuột.
“Một lần các bạn về quê hết, mình đi làm mệt lả đến gần 11 giờ khuya. Vừa về đến phòng phát hiện nước cống rò rỉ, nước lênh láng kèm rác tràn vào, lại hì hục lau dọn đến gần 1h sáng, tủi thân phát khóc”, một bạn cùng phòng của T. tâm sự.
Những ổ điện chằng chịt ở cầu thang của khu tập thể cũ. |
“Dù được nhắc nhở nhưng một số người lớn tuổi do thói quen hoặc không ý thức được sự nghiêm trọng nên thường đốt vàng mã ngay cầu thang chung ở lối đi lại. Mỗi lần như vậy mình lại thót tim sợ có chuyện gì”, T. cho biết. Tuy nhiên, cũng vì lý do thuận tiện học tập và làm việc mà nhóm bạn cũng không có lựa chọn nào khác.
Phòng của T. với vấn đề về cống thoát nước. Ảnh: NVCC |
T.S.P, 21 tuổi, đang là sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, và ở trọ tại một con ngách nằm sâu trong phố Hạ Đình. Cậu cho biết, khu vực này không chỉ khó tìm mà “dùng bản đồ định vị cũng chật vật”.
Dãy nhà trọ mà P. đang ở có khoảng 10 phòng, mỗi phòng ở từ 1-2 người. Với giá thuê 2 triệu đồng/tháng cho một phòng vệ sinh khép kín rộng 20m2, cậu đánh giá đây là mức rẻ so với mặt bằng chung. Căn phòng không được kiên cố, trần nhà chỉ gồm mái tôn và một lớp chống nóng.
Khi trời mưa, phòng thường bị dột nước. Ô cửa sổ duy nhất trong phòng cũng không được kín, mỗi lần mưa cũng đều phải nhét giẻ lau để chặn nước mưa ngấm vào. Khoảng sân của dãy nhà trọ để xe kín chỗ, mỗi sáng rời khỏi phòng mà P. bở hơi tai để lấy được xe của mình.
“Đáng sợ nhất với mình là mùi từ nhà máy thuốc lá gần đó, cũng như cạnh nhà trọ có một cái ao tù luôn bốc mùi khó chịu mỗi khi hè đến”, P. cho hay. Cậu cho biết bản thân dường như đang “chịu đựng mỗi ngày” và sẽ cố gắng nhận thêm lớp dạy gia sư để tiết kiệm tiền chuyển đi nơi khác tốt hơn.
Không chỉ các sinh viên, một số bạn trẻ mới ra trường cũng đang loay hoay trong những phòng trọ “bất ổn”, nhất là khi thị trường việc làm vẫn còn ảm đạm như hiện nay. Đó cũng là nỗi băn khoăn của Đ.H.C và hai bạn cùng phòng.
Với mức thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, C. cho biết cô và các bạn thường dành khoảng 2 triệu đồng cho nhu cầu nhà ở. Cô đang ở trọ tại khu vực phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, trong một con ngách nhỏ hẹp chỉ vừa hai xe máy tránh nhau.
Đồ đạc lộn xộn, xếp chồng lên nhau trong căn phòng của C. |
Vấn đề của C. là căn phòng đã cũ, tường bị mục và bong tróc nhiều mảng sơn, dính bụi vào quần áo, đồ dùng. Ngoài ra, thỉnh thoảng cả phòng lại mất từ vài trăm nghìn đến tiền triệu để sửa chữa những vật dụng như bình nóng lạnh, cửa khoá…
Chiếc cầu thang trong nhà cũng rất hẹp và tối. |
“Phòng mình có ban công nhưng rào sắt như ổ cọp nên nếu có chuyện gì thì cũng không thể thoát được. Sau nhiều vụ cháy gần đây thì chúng mình cũng sợ chứ nhưng năm nay kinh tế buồn nên công việc không được thuận lợi, nếu giờ chuyển trọ cũng mất thêm một khoản tiền và lại mất công, mất sức nữa”, C. thở dài.