Đội HVAC, gồm ba thành viên là sinh viên, học viên cao học trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM): Dương Phúc Long, Mô Võ Nhựt Quang, Nguyễn Tấn Huy (bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí) với sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Tấn Tiến - Giám đốc PTN TTQG Điều khiển kỹ thuật số và Kỹ thuật hệ thống. Đội HVAC tham gia dự thi đề tài dự thi: Thiết kế buồng cách ly áp lực âm dưới dạng container module. Đội thi đã nhận được giải thưởng xuất sắc của cuộc thi, với số tiền thưởng 700 USD/đội.
Dương Phúc Long (thành viên đội HVAC) cho biết: "Vào tháng 11/2019, dịch COVID-19 được phát hiện và đã nhanh chóng trở thành đại dịch lây lan trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, số ca nhiễm và số lượng người tử vong tăng cao do hệ thống y tế trở nên quá tải và không đủ giường bệnh và thiết bị y tế điều trị cần thiết. Vì vậy, một trong những phương án hàng đầu cho giải pháp giảm số ca nhiễm và tỉ lệ tử vong chính là tăng số lượng giường bệnh điều trị cho người nhiễm giúp họ tiếp cận kịp thời sự can thiệp của hệ thống y tế. Nói về việc gia tăng số lượng giường bệnh và mở rộng không gian điều trị cho các bệnh truyền nhiễm như COVID-19, thuật ngữ "phòng cách ly áp lực âm" được sử dụng để ngăn chặn virus lây lan ra môi trường bên ngoài khu vực điều trị, nhóm mình được sự hỗ trợ và phối hợp giữa Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về điều khiển số và kỹ thuật hệ thống DCSELab và Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo GIC đặt ra đầu bài thiết kế phòng cách ly áp lực âm dưới dạng sử dụng module container".
Mô hình dự thi củ đội HVAC. |
Về cơ bản, phòng cách ly áp lực âm có áp suất thấp hơn môi trường xung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và thoát ra qua phía khác thông qua các bộ lọc đặc biệt tiêu diệt vi sinh trước khi cấp vào phòng hoặc thải ra môi trường bên ngoài. Đề tài này cho phép thêm vào khả năng di động giúp phòng cách ly áp lực âm được thiết kế gói gọn bên trong các container, giúp chúng có khả năng vận chuyển giữa các điểm nóng bùng phát dịch bệnh.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm cũng liên tục trao đổi với các bác sĩ của trường ĐH Y Dược TP. HCM, các chuyên gia đến từ các công ty chuyên thiết kế các hệ thống thông khí và các thầy/cô trong khoa Cơ khí, đặc biệt là thầy Nguyễn Tấn Tiến và thầy Phan Hoàng Long, đã cùng hướng dẫn trong việc cải tiến thiết kế. Nhóm đã thực hiện cải tiến liên tục qua rất nhiều phiên bản để cho ra phương án tốt nhất và hiện vẫn đang trong quá trình tìm ra giải pháp tối ưu cho đề tài này. Hiện đề tài đã đạt được bản duyệt thiết kế cuối cùng và sẽ tiến hành giai đoạn thi công vào đầu tháng 1/2022.