Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Dương Triều. |
Thông điệp quan trọng nhất khi tôi viết “Trường học hay Trường đời”: Học tập với mỗi người là một hành trình không ngừng nghỉ. Chỉ cần ngừng thôi, nghỉ thôi là ta bị bỏ lại phía sau, trở nên lạc hậu ngay. Những kiến thức mỗi người thu lượm được ở trường lớp chính quy, từ lớp 1 đến đại học, sau đại học, thậm chí là cả sau tiến sĩ thực tế chỉ chiếm 10% kiến thức. Những người xung quanh cho ta 20% kiến thức. Khoảng 70% kiến thức đến từ những dự án, công việc hằng ngày. Như vậy, nếu xét theo tỉ lệ phần trăm thì trường đời (90%) áp đảo hoàn toàn trường học (10%).
Thế nhưng nếu xét theo thứ tự ưu tiên thì 10% kiến thức đầu tiên vô cùng quan trọng, nếu không có nó thì chúng ta sẽ rất vất vả để có khối lượng kiến thức còn lại. Chính vì vậy, người thầy đầu tiên mà mỗi chúng ta phải kính trọng, biết ơn là người thầy trên bục giảng. Người thầy này cung cấp cho chúng ta những kiến thức nền tảng để từ đó dễ dàng học được những kiến thức ở trường đời nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Người thầy thứ hai tôi tìm được chính là sách. Những người yêu thích đọc sách chắc chắn sẽ gặp được người thầy tuyệt vời này. Không ít tác giả cả cuộc đời họ chỉ viết được một vài cuốn sách. Kiến thức thu lượm được cả một đời người được chuyển tải cả vào từng trang sách. Thay vì vất vả đi cóp nhặt từng mảnh vụn kiến thức rải rác trên đường đời, hãy đọc sách, biết đâu bạn sẽ có được nó một cách hệ thống mà không hề tốn thời gian và công sức. Đọc sách chính là đứng trên vai người khổng lồ, không biết tận dụng sách mà lớn lên thì thật đáng tiếc! Nếu không có sách thì chắc chắn sẽ chẳng có tôi của ngày hôm nay. Những trang sách đã giúp tôi có ước mơ, giúp tôi khám phá bản thân, giúp tôi tự hướng nghiệp, giúp tôi xây dựng gia đình, giúp tôi khởi nghiệp và trưởng thành và sau này chia sẻ với độc giả niềm vui đọc sách. Trong tất cả các dấu mốc quan trọng của cuộc đời và sự nghiệp của tôi, sách đều là người thầy tuyệt vời nhất.
Người thầy thứ ba là chính bản thân ta. Nhiều người thích “cà phê một mình” sau khi kết thúc một công việc, một dự án, để tự mình thấy mình đã làm tốt những gì, những gì thiếu sót, va vấp. Có nhiều thứ chỉ có chính ta mới đủ thông tin để soi chiếu chính mình mà chẳng ai khác có thể thấu hiểu. Sau mỗi lần tự rút kinh nghiệm như vậy, chúng ta lại tự học được rất nhiều điều, tự dạy mình được rất nhiều kiến thức bổ ích cho những dự án, những công việc tiếp theo. Nếu không có ý thức phải học từ chính mình, mình dạy cho chính bản thân thì mỗi cá nhân không thể phát triển được. Tôi tin nhiều người lơ là mà bỏ lỡ người thầy quan trọng này.
Trong trường đời, mỗi người còn có nhiều người thầy khác như bạn bè, thần tượng, Internet... Với tôi, thầy trên bục giảng, sách, bản thân là ba người thầy quan trọng nhất. Cho nên tôi đã đáp lại câu hỏi của MC: Tôi sẽ chọn trường học trước, bởi chỉ khi có kiến thức nền tảng ở trường học rồi thì bước vào trường đời ta sẽ học một sẽ biết mười, thậm chí còn nhiều hơn vậy.