Tại đất nước Mặt trời mọc, có hàng nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập và làm việc. Trong số đó, có nhiều người lần đầu tiên phải xa nhà, có những người đã nhiều năm không được về Việt Nam ăn Tết.
Nhớ nhà, nhớ hương vị Tết Việt
Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội luôn trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.
Trọng Hiếu |
Xuân Nhâm Dần 2022 là năm thứ hai bạn Trọng Hiếu đón Tết xa nhà. Do Nhật Bản không đón Tết âm lịch như Việt Nam, nên đối với những du học sinh như Hiếu, việc xin nghỉ để ăn Tết là vô cùng khó khăn. Hiếu chia sẻ: “Trong khoảng thời gian cuối năm, bản thân cảm thấy rất chạnh lòng và có phần cô đơn. Nếu Tết vào thứ bảy, chủ nhật thì mới được nghỉ, vào các ngày bình thường thì vẫn phải đi học. Đối với công việc làm thêm, mình phải xin nghỉ trước đó từ một đến hai tháng.”
Minh Trang |
Bạn Minh Trang - quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và hiện đang học tập tại tỉnh Fukuoka- cho biết: “Thèm một bữa cơm đầy đủ món ăn Việt cũng như cùng quây quần bên gia đình. Đi xa mới thấy đồ ăn Việt là tuyệt vời nhất, đậm đà, giản dị và chan chứa tình quê.”
Với dự định năm nay về đón Tết cùng gia đình, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bạn Diệu Huyền - du học sinh năm hai đang sinh sống và học tập tại tỉnh Sakama, chia sẻ: “Với tình hình dịch hiện tại, mình vẫn chưa thể về Việt Nam. Ở Nhật Bản, không khó để có thể mua được những món ăn truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng cái không khí rộn ràng, sự đầm ấm, sum họp hay sắc thắm của đào, mai mỗi dịp Tết đến thì không thể nào mua được. Bởi vậy, sự nhớ nhà là điều không tránh khỏi.”
Diệu Huyền |
Diệu Huyền chia sẻ qua Google Meet |
Diệu Huyền cùng bạn bè tham gia hội vào năm đầu tiên đón tết xa nhà. |
Sự kết nối từ những ngày Tết cổ truyền dân tộc
Khoảnh khắc giao thừa ở xứ người có hương vị thật lạ, khi xung quanh im ắng không pháo hoa, không có không khí ngày hội. Thế nhưng với các bạn du học sinh, trong lòng lại ngập tràn yêu thương ấm áp từ những người đồng hương.
Xuân Tâm |
Khi được hỏi về các cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, bạn Xuân Tâm nhớ lại: “ Dấu ấn đặc biệt nhất khi năm đầu đón Tết tại Nhật là được cùng Hội đồng hương du học sinh ở trường đón giao thừa Tết Việt. Sau đó, tụi mình đi chùa để ước nguyện, cầu mong cho một năm mới nhiều may mắn. Điều này giúp bọn mình vơi đi nỗi nhớ nhà và thêm gắn kết với nhau hơn.”
Không thể trở về đón Tết cổ truyền, những du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản chọn cách lưu giữ nét đẹp của Tết truyền thống qua nhiều hình thức khác nhau.
Liên lạc từ khoảng cách hơn 3700 km, bạn Diệu Huyền tâm sự: “Năm nay có sự thay đổi trong cách đón Tết cổ truyền với mình. Việc tụ tập cùng nhau để ăn uống hay du xuân đầu năm là một điều khá khó khăn vì dịch bệnh vẫn còn đang phức tạp. Tuy vậy, dưới mái nhà chung Hội đồng hương, chúng mình dự định vẫn sẽ tổ chức một buổi gặp mặt online để chia sẻ những câu chuyện trong một năm qua hay những kỉ niệm Tết cùng với nhau. Có lẽ, không khí Tết Việt sẽ không trọn vẹn như những năm trước nhưng đây cũng là một cách để chúng mình có thể trải qua một cái Tết ấm áp cùng nhau.”
Lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
Những ngày Tết dường như trở thành chiếc cầu nối, mang giá trị văn hóa Việt Nam đến Nhật nói riêng và thế giới nói chung.
Bạn Xuân Tâm chia sẻ: “Mình vẫn luôn tự hào và thường kể cho các bạn nước ngoài cùng lớp nghe về những phong tục Tết quê mình. Có lần, mình đăng tải hình ảnh ăn tất niên và gói bánh chưng cùng với Hội đồng hương du học sinh. Những người bạn quốc tế đã cực kỳ hứng thú với các hoạt động đó và hỏi mình rất nhiều. Mình nghĩ rằng đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà nếu không đi du học thì khó có thể có được.”
“Mình mong rằng, nếu có cơ hội, chúng mình sẽ luôn duy trì các hoạt động của Tết Việt ở Nhật Bản để có thể đưa đến gần hơn với bạn bè quốc tế”- bạn Xuân Tâm nói thêm.
Tết xa, nhưng những trái tim lại xích lại bên nhau bằng sự kết nối từ những ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Trong không khí những ngày cuối năm với tình hình dịch bệnh căng thẳng, dù không thể có những hoạt động vui chơi bên ngoài, nhưng bạn Minh Trang cũng hào hứng cho biết: “Mình và những người bạn du học sinh ở các nước khác cùng phòng ký túc xá dự định tổ chức một buổi tất niên nho nhỏ. Mình nghĩ đây cũng là dịp rất thú vị để mình có thể kể nhiều hơn cho các bạn quốc tế về những nét độc đáo của Tết cổ truyền Việt Nam.”
Với kinh nghiệm hai năm đón Tết tại Nhật của mình, bạn Minh Trang cũng nhắn nhủ đến các bạn du học sinh mới sang Nhật: “Mình cũng đã từng cảm giác cô đơn trong năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nhưng khi được chia sẻ những câu chuyện về Việt Nam cũng như những nét đặc trưng của Tết Việt cho bạn bè quốc tế, họ đã rất hào hứng đón nhận. Tất cả những điều đó làm mình cảm nhận được tình thân nơi xứ người. Vì vậy, những bạn mới sang Nhật hãy cố gắng giao lưu, chia sẻ nhiều hơn với các bạn xung quanh. Họ chính là những người có thể giúp chúng ta phần nào vơi đi cảm giác nhớ nhà trong dịp Tết và cũng là cơ hội để chúng ta có thể chia sẻ những truyền thống của quê hương.”
Dù không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng nhớ về quê nhà, vương vấn dư vị Tết cổ truyền quê hương, những du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn luôn biết cách để lưu giữ nét đẹp truyền thống, kết nối cùng nhau và không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền.