Dựa trên các mô hình học tập mới như “Design Thinking” và “World Cafe”, chỉ trong 8 giờ đồng hồ, các thanh niên đã cùng nhau đi từ khái niệm cơ bản của “phát triển bền vững” đến hoạt động thực hành thiết kế các sáng kiến giải quyết các vấn đề môi trường. Đến từ các trường trung học, đại học và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp khác nhau, nhưng các thanh niên có chung mối quan tâm với phát triển bền vững đã thể hiện nỗi trăn trở với các vấn đề về môi trường và lòng nhiệt huyết, mong mỏi để giải quyết các vấn đề đó.
Các nhóm chia nhau tìm hiểu, thảo luận và cùng phản biện về “phát triển bền vững”
Diễn giả Xuân Quyên, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong mảng hoạt động xã hội vì môi trường, đã giới thiệu mô hình “Chân đế Sinh thái”. Mô hình này đã giúp các thanh niên nhận ra bản chất của mối quan hệ giữa ba cột trụ bao gồm: xã hội loài người, nền kinh tế và môi trường. Trong đó, sinh thái chính là nền tảng gốc rễ, là nguồn sống để hai cột trụ còn lại là xã hội và kinh tế phát triển.
Mô hình Chân đế Sinh thái – Mô tả bản chất của mối quan hệ giữa xã hội, kinh tế và môi trường
Sau khi thấu hiểu lịch sử, tác động và các xu hướng phát triển bền vững, các bạn trẻ được chia thành 6 nhóm dựa trên 6 vấn đề về môi trường địa phương: biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, quản lý rác thải, phân loại rác và mất cân bằng hệ sinh thái tại khu vực canh tác nông nghiệp chuyên canh.
Các chủ đề được thảo luận diễn ra vô cùng sôi nổi và tích cực với rất nhiều sáng kiến thú vị, do chính các bạn thanh niên tự đề xuất và thiết kế. Cụ thể, với chủ đề nông nghiệp chuyên canh, dựa trên phương pháp nông nghiệp thuận tự nhiên (của nhà nông dân, nhà triết học Masanobu Fukuoka), các thanh niên đã đề xuất áp dụng cho nông nghiệp Việt Nam, và hướng dẫn nhau thực hành ngay tại vườn nhà.
“Buổi tập huấn đã giúp mình có thêm rất nhiều kiến thức về môi trường và những kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, mình cảm thấy được truyền cảm hứng trong các hành động vì môi trường.” – chia sẻ bởi bạn Bùi Minh Thắng, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương.
Quan sát thấy khó khăn thường gặp của thanh niên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường thường đến từ việc tiếp cận thông qua các khái niệm quá lớn và vĩ mô, sau đó gặp khó khăn khi đề xuất ra các ý tưởng, diễn giả Xuân Quyên gợi ý thanh niên nên bắt đầu từ những vấn đề nhỏ và gần gũi với địa phương nơi mình sinh sống. Từ cảm nhận gần gũi đó, các bạn trẻ yêu môi trường sẽ có thêm động lực và nguồn cảm hứng để đề xuất ra các giải pháp mang tính thực tế và khả thi hơn.
“Các bạn thanh niên tham gia khoá tập huấn hôm nay đều mang năng lượng tích cực, cởi mở với tâm thế chủ động học tập. Khi các bạn bắt đầu thảo luận về câu chuyện của mình, mình nhìn thấy có một sự suy tư của thế hệ trẻ về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Mình nghĩ đó là một điều quan trọng để tạo động lực cho các bạn đi tiếp. Sự chủ động và sáng tạo, nhạy bén trong việc đưa ra ý tưởng chung về việc giảm thiểu tiêu dùng của các sinh viên làm mình rất bất ngờ” - Diễn giả Xuân Quyên đánh giá sau tập huấn.
Diễn giả Xuân Quyên đánh giá cao tinh thần tích cực và chủ động học hỏi, nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường của thế hệ trẻ
Tổ chức tập huấn cho thanh niên là một trong các hoạt động chính của dự án “Thanh niên vì Môi trường” (Youth for Environment) nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực trong chính sách về môi trường của chính phủ và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Hai buổi tập huấn tiếp theo với chủ đề “Kỹ năng viết tin tức/bài viết” và “Xây dựng kế hoạch truyền thông về môi trường” sẽ được triển khai trong tháng 7 tới.
Dự án “Thanh niên vì môi trường - Youth for Environment” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là một trong 13 sáng kiến được nhận tài trợ từ Dự án Asia - Pacific Media Grants 2020 thuộc Earth Journalism Network. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bắc Á cũng tham gia tài trợ và đồng hành cùng dự án để triển khai các hoạt động thiết thực vì môi trường.
Thông tin chi tiết về Dự án được cập nhật liên tục tại Fanpage Mắt Xanh - kênh truyền thông chính thức của Dự án và Website Quỹ Vì Tầm Vóc Việt