Talkshow diễn ra với chủ đề “Tâm sự chuyện nghề, thắp lửa đam mê”, hướng đến trang bị cho sinh viên kiến thức về báo chí thông qua những câu chuyện nghề của các diễn giả. Từ đó, những “nhà báo trẻ” có cơ hội hiểu hơn về nghề báo, tiếp thêm động lực và thắp sáng ngọn lửa đam mê để nối nghiệp - nghề làm báo.
Vấn đề làm trái ngành của sinh viên Báo chí
Theo khảo sát của Ban Tổ chức, sau tốt nghiệp, nhiều sinh viên chuyên ngành Báo chí lại chọn làm việc ngoài lĩnh vực báo chí, vì nhiều lý do. “Mình cảm thấy nghề báo khá cực, đặc biệt là đối với sinh viên nữ”, Ninh Diệu Bảo Khánh (năm thứ hai, ngành Báo chí, trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ. Võ Nguyễn Anh Kỳ (năm thứ nhất, ngành Báo chí, trường ĐH KHXH&NV) lại lựa chọn một hướng đi khác. Anh Kỳ cho rằng: “Mình thích sự sáng tạo và đam mê nghệ thuật, mình muốn vận dụng kiến thức báo chí để tạo ra các sản phẩm truyền thông”.
Nhà báo Phạm Thục lý giải việc sinh viên Báo chí làm trái ngành. (Ảnh: CLB Phóng viên trẻ) |
Bàn về vấn đề này, nhà báo Phạm Thục cho rằng, chuyện sinh viên ra trường làm trái ngành không hề hiếm thấy. Việc này diễn ra ở mọi ngành đào tạo, không riêng với ngành Báo chí. Nhà báo Phạm Thục lý giải, việc sinh viên Báo chí chuyển ngành nghề sau khi tốt nghiệp có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nghề báo là một nghề khắc nghiệt, gian nan, đòi hỏi sự trung thực và vững chãi của người làm báo. Thứ hai, sinh viên Báo chí phải đối mặt với áp lực đào thải lớn, đòi hỏi sự thích nghi cao và đam mê với nghề. Thứ ba, sau khi học đại học, sinh viên được trải nghiệm nhiều, hiểu được bản thân muốn gì và làm gì. Từ đó, họ sẽ có những định hướng phù hợp với bản thân.
“Tâm sự chuyện nghề, thắp lửa đam mê”
Tại chương trình, nhà báo Phạm Thục và nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên đã có những trao đổi, chia sẻ xoay quanh những câu chuyện nghề, kinh nghiệm của mình đến với khán giả. Theo nhà báo Trường Kiên, ngay từ năm thứ nhất, sinh viên nên tập viết các thể loại như tin, phỏng vấn, bài phản ánh, phóng sự… để rèn tư duy đề tài và trau dồi kỹ năng.
Nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên chia sẻ kinh nghiệm với khán giả. (Ảnh: CLB Phóng viên trẻ) |
Nhà báo Trường Kiên nhấn mạnh: Nhà báo không được dễ dàng tin bất kỳ người nào khác, ngoại trừ bản thân mình, phải biết đặt câu hỏi trước mọi sự kiện, mọi vấn đề. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo phải xác minh, thẩm tra lại ngay cả với những điều đã được kết luận.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nhà báo Trường Kiên cho rằng, nhà báo phải là người biết lắng nghe và biết cách lắng nghe. “Khi biết cách lắng nghe, chúng ta sẽ tìm được người nói cho chúng ta nghe về sự thật”, nhà báo Trường Kiên nói. Ngoài ra, người làm báo cần phải trang bị cho mình kiến thức căn bản ở nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ quá trình tác nghiệp.
Đối với nhà báo Phạm Thục, cô tâm niệm: “Khi tác nghiệp, người làm báo cần đặt sự an toàn của mình lên trên hết”. Cô nói vui rằng: “Còn thở là còn gỡ”. Chỉ khi bản thân được an toàn, chúng ta mới có cơ hội đem nhiều bài viết hữu ích đến với công chúng.
Đông đảo sinh viên tham dự buổi talkshow. (Ảnh: CLB Phóng viên trẻ) |
Qua talkshow này, những “nhà báo trẻ” có thể có được những bài học bổ ích, hiểu đúng hơn về nghề báo. “Những chia sẻ của hai nhà báo chính là nguồn động lực to lớn giúp mình duy trì ngọn lửa đam mê, là kim chỉ nam dẫn dắt mình đến tương lai”, Trần Bảo Khánh (năm thứ nhất, ngành Báo chí, trường ĐH KHXH&NV) bày tỏ.
Khép lại chương trình, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên nhấn mạnh: “Nghề báo là một nghề vô giá, đừng để bất kỳ ai định giá nghề của mình”.