Bất ngờ gặp tai nạn giao thông vào năm 18 tuổi khi đang là sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Sư phạm Bình Phước, Nguyễn Ngọc Lâm đã xin vào Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn để học nghề và tập vật lý trị liệu với mong muốn bắt đầu một cuộc sống mới.
May mắn khi được sống
Trong 2 năm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều lần anh Ngọc Lâm rơi vào cảnh thập tử nhất sinh, bị bác sĩ trả về nhưng gia đình vẫn cố gắng xin cho anh ở lại điều trị. Biến cố bất ngờ khi ấy đã khiến Ngọc Lâm mất đi 97% sức khỏe và bị liệt hoàn toàn từ phần ngực trở xuống.
Không chỉ đau đớn về mặt thể xác, tinh thần anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tại phòng cấp cứu khoa Ngoại Thần kinh anh nằm khi ấy, ngày nào phòng bệnh cũng có tiếng khóc than của người thân bệnh nhân, ngày nào cũng có người bị phủ khăn trắng đẩy ra. Tuy nhiên, anh Ngọc Lâm vẫn không từ bỏ hy vọng sống. Hồi tưởng về khoảng thời gian ấy, anh Lâm tâm sự: “Mỗi ngày mở mắt ra được nhìn thấy được ngọn cây ở bệnh viện Chợ Rẫy là tôi hạnh phúc rồi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, còn sống đã là may mắn lắm rồi chứ đừng nói đến việc sẽ đứng lên đi lại được hay như thế nào”.
Tai nạn khiến anh gãy hai đốt sống cổ, chấn thương cột sống và mất khả năng đi lại. Ảnh: Lan Huỳnh |
Tuy may mắn sống sót sau nhiều cuộc phẫu thuật nhưng bấy giờ, gia đình anh cũng đã kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để lo cho anh nữa. Sau khi được xuất viện, gia đình muốn đưa anh về Bắc chăm sóc. Nhưng anh Lâm hiểu được nếu quay trở về, mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình nên anh đã xin bố ở lại thành phố với em trai. Anh Lâm quyết định bằng mọi cách phải trụ lại Sài Gòn, dù có phải đi bán vé số hay ngủ nhờ ở bệnh viện. Quyết định sáng suốt ấy cũng khiến cuộc đời anh Lâm bước sang một mới, trở thành một người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ hiện nay.
Cơ hội duy nhất
Do hai tay không còn khả năng làm những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ như vẽ hay may quần áo nên khi được cô Hoàng Nữ Ngọc Tim, người sáng lập nên Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn nhận vào dạy nghề, anh Lâm đã chọn học Tin học. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng, tay anh bị co quắp, phần cổ tay không thể dùng lực. Mới đầu học nghề, anh phải dành hơn một năm luyện tập và tìm thế gõ cho mình mới có thể gõ bàn phím thành thạo. Những ngày còn ở trung tâm học nghề, anh Ngọc Lâm luôn cố gắng tận dụng mọi thời gian để tập luyện. Cứ rảnh rỗi là anh mượn máy vi tính cũ để tự luyện gõ, tự học thêm những kỹ năng khác. Dù là ngày cuối tuần hay lễ, tết trong năm, anh vẫn không ngừng kiên trì nỗ lực để thay đổi cuộc đời.
Anh Ngọc Lâm cùng vợ sống tại căn phòng thuê ở Làng May Mắn. Ảnh: Lan Huỳnh |
Anh Ngọc Lâm tâm sự: “Đó là cơ hội duy nhất để tôi để có thể thay đổi cuộc đời. Nếu mình không trân trọng thì mình chẳng còn cơ hội nào nữa. Chỉ còn cách là vươn lên thôi”.
Những lúc mệt mỏi sau khi mổ bổ sung hay tập vật lý trị liệu, anh thường gửi gắm tâm sự vào thơ và âm nhạc. Anh cười, bảo lúc đó, anh chỉ còn ba mươi mấy ký, người thì xanh xao, cũng không ăn uống gì được, phải vừa ăn vừa thở vì quá yếu. Ngoài tập cử động đơn giản, anh còn phải tập thở và tập hát suốt mấy năm mới có thể ngồi nói chuyện bình thường như bây giờ.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Nguyễn Ngọc Lâm quen biết vợ mình là chị Nguyễn Thị Minh Thơ. Sau khi hai người xác định mối quan hệ, chị chuyển tới sống gần nơi anh học nghề để chăm sóc và giúp anh tập vật lý trị liệu. Có lúc anh Lâm thất nghiệp, xe lăn lại hư, khó khăn chật vật mọi bề, nhưng cả hai đều động viên nhau cố gắng vượt qua, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ.
Suốt 5 năm đầu quen nhau, cả hai không dám báo cho gia đình. Chị Thơ chia sẻ: “Lúc biết tôi quen Ngọc Lâm, mẹ tôi rất buồn bởi vì thấy con gái mình đi làm bao năm mà lại lấy một người ngồi xe lăn làm chồng. Mẹ tôi nói, sau này con khổ thì con chịu, chứ mẹ không chấp nhận. Nhưng sau khi gặp, bà thấy anh sống tình cảm, vui vẻ hòa đồng, biết lo cho gia đình thì bà cũng thương và chấp nhận”.
Nỗ lực được đền đáp xứng đáng, sau khi học nghề xong, năm 2012, anh vào làm quản lý trang web cho Trung tâm bảo trợ Nhà May Mắn, đến năm 2015 thì anh chính thức được trung tâm mời về dạy Tin học.
Người thầy truyền cảm hứng
Ban đầu, mọi người xung quanh đều cho rằng với điều kiện sức khỏe thế này, anh Lâm không thể dạy học được. Nhưng với đam mê dành cho nghề giáo và ý chí vươn lên trong cuộc sống, anh vẫn quyết tâm thử một lần. Mới đầu đi dạy, học sinh của anh đều cảm thấy lạ lẫm và hơi sợ vì anh không giống các giáo viên bình thường khác. Ngọc Lâm thấu hiểu điều đó nên anh dành những ngày đầu để làm quen, tâm sự với các em nhỏ. Dần dần, học sinh của anh cũng hiểu được và quý mến anh hơn.
Đa số học sinh ở Làng May Mắn là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hoặc trẻ em khuyết tật, có em phải vừa đi học vừa đi lượm ve chai hay bán vé số để nuôi ông bà… Vì thế, làm giáo viên ở đây cũng khác với những giáo viên bên ngoài. Ngoài dạy Tin học, anh Lâm còn dạy các em nhỏ cách bảo vệ bản thân, giáo dục kỹ năng sống, dạy các em đạo lý làm người.
Di chứng từ tai nạn khiến anh gặp khá nhiều khó khăn khi dạy học. Nhiều lúc sốt mệt quá, anh phải nghỉ dạy, khi đó học sinh thường chạy xuống tận phòng, gõ cửa hỏi thăm anh. Những lúc ngồi trên xe lăn bất cẩn bị ngã hay chân lên cơn co giật quăng anh xuống đất, các em ấy phải chạy lại ôm, người giữ tay, người giữ chân, người thì chạy xuống lầu gọi vợ anh lên giúp đỡ.
Anh Ngọc Lâm chú trọng cho học sinh thực hành nhiều hơn khi giảng dạy. Ảnh: Lan Huỳnh |
Không chỉ giáo dục tri thức, Ngọc Lâm còn thường xuyên tặng bánh kẹo và giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Tâm cậu ấy luôn hướng về học trò. Nhiều lúc thấy các em khó khăn quá, Lâm tự lấy tiền túi ra giúp đỡ, có khi cho mì cho bánh, có khi phụ thêm tiền tổ chức liên hoan cuối năm cho các em”, cô Phạm Thị Hà, đồng nghiệp anh Lâm chia sẻ.
Dù chỉ nhận được số tiền trợ cấp ít ỏi với với cương vị tình nguyện viên nhưng Nguyễn Ngọc Lâm vẫn muốn tiếp tục giảng dạy, góp một phần sức hỗ trợ trung tâm. Anh Ngọc Lâm tâm tình: “Thấy hoàn cảnh các em như thế, tôi muốn dạy dỗ và truyền cảm hứng sống cho các em. Tôi mong các em sống tích cực, lạc quan và có tương lai tốt đẹp. Hơn nữa đam mê mà, bây giờ kêu tôi nghỉ dạy tôi cũng không nghỉ đâu”.
Ngoài là giáo viên Tin học, anh Ngọc Lâm còn làm thêm công việc bán hàng online, viết báo, làm thơ… để tăng thêm thu nhập. Thông qua kênh YouTube cá nhân và các chương trình, talkshow mà mình tham gia, anh còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ và những người có cùng hoàn cảnh với mình.
Nhà May Mắn được thành lập từ năm 1993 bởi Aline Rebeaud (Hoàng Nữ Ngọc Tim). Tại đây, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật có thể học tập, học nghề và làm việc. Nhà May Mắn được thiết kế hoàn toàn phù hợp cho người khuyết tật và cả trẻ em để phục hồi chức năng và tái hòa nhập vào xã hội. Hiện nay, tổ chức hoạt động với 4 cơ sở: Nhà May Mắn (nhà ở), Trung tâm Chắp Cánh (đào tạo nghề – tạo việc làm) và Làng May Mắn (trường tiểu học và căn hộ dành riêng cho người khuyết tật) và một trung tâm thứ tư, Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nhà May Mắn tại Đắk Nông (nơi ở, trường tiểu học, lớp chuyên biệt, đào tạo, nông nghiệp, trị liệu…).