Cô gái khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam giành được học bổng toàn phần Chính phủ New Zealand
Đỗ Huyền Trang (25 tuổi) - cô gái khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam giành được học bổng thạc sĩ toàn phần từ Chính Phủ New Zealand. Trước khi theo học chương trình này, Trang từng người khuyết tật đầu tiên làm việc tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và nhận được tài trợ toàn phần để tham gia nhiều chương trình trao đổi và hội thảo trong nước và quốc tế.
Đỗ Huyền Trang - Du học sinh Thạc sĩ trường Victoria University of Wellington, New Zealand. |
Huyền Trang sinh ra với đôi mắt đục thuỷ tinh thể và rung giật nhãn cầu. Do điều kiện gia đình khó khăn, đến tận 5 tuổi bố mẹ mới có thể đưa cô đi làm phẫu thuật. Sau phẫu thuật, cô gái đã có thể nhìn được người và các vật lớn xung quanh, tự di chuyển và đến trường. Tuy thị lực rất kém nhưng Trang nhiều lần đạt được danh hiệu học sinh giỏi và được chọn tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Không ít người từng nói với Trang: “Mắt mũi nó như thế thì đi học làm gì cho tốn cơm tốn gạo” nhưng chính những câu nói đó lại buộc cô gái càng phải cố gắng hơn. Và sự cố gắng đó được đền đáp bằng tờ giấy nhập học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi còn là sinh viên, Trang từng năm giữ chức vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá, làm điều phối các dự án hỗ trợ người khuyết tật và sau đó ứng tuyển thành công vào vị trí cán bộ về Quyền trẻ em, phụ trách mảng trẻ em khuyết tật của Quỹ Nhi Đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp.
Trong hơn ba năm làm việc tại UNICEF, Trang đã thực hiện các hoạt động, dự án góp phần giúp trẻ em khuyết tật tại Việt Nam tiếp cận được các dịch vụ dựa vào cộng đồng như giáo dục, y tế, chăm sóc ban ngày… cũng như cùng các đồng nghiệp thực hiện các điều chỉnh hợp lý, tổ chức các tập huấn để tạo ra môi trường làm việc tiếp cận cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật.
Theo Trang chia sẻ, cô là người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam giành được học bổng thạc sĩ toàn phần từ Chính Phủ New Zealand. Cô gái bày tỏ: “Với mong muốn có thêm những kiến thức và các cách tiếp cận có hệ thống và hiệu quả hơn đối với các chính sách liên quan đến người khuyết tật, mình đã nộp hồ sơ ứng tuyển để theo học thạc sĩ chương trình Chính sách công tại đại học Victoria University of Wellington, New Zealand. Mình vô cùng biết ơn khi là người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam nhận được học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand, Manaaki New Zealand Government Scholarship, để theo học chương trình thạc sĩ này”.
Hãy “đặc biệt” theo cách riêng của bạn
Huyền Trang là một tấm gương nghị lực tiêu biểu cho người khuyết tật nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Cô gái đã góp phần thay đổi phá tan mọi định kiến của xã hội về cộng đồng người khuyết tật. Người khuyết tật họ không phải là gánh nặng của xã hội mà còn đang nỗ lực để đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Nhân dịp 8/3, Huyền Trang có đôi lời nhắn nhủ đến bạn đọc báo Tiền Phong và những người đồng cảnh ngộ: “Một trong những điều quan trọng nhất mà mình nhận ra trong suốt hành trình mình đã đi qua là: Dù chúng ta sinh ra trong gia đình như thế nào, xuất phát điểm ra sao, với giới tính hay tình trạng sức khoẻ như thế nào, chúng ta đều đặc biệt theo cách của riêng mình. Chính những sự đặc biệt đó mới làm nên sự đa dạng của cuộc sống và khiến cuộc đời này thêm trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Tuy chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra, cũng không chọn được giới tính, sắc tộc, màu da, hay tình trạng khuyết tật của mình, nhưng chúng ta có thể chọn trở thành một nét vẽ nhạt nhoà hay một mảng màu rực rỡ trong bức tranh muôn màu của cuộc sống. Chỉ cần bạn trân trọng giá trị riêng có của bản thân và kiên định bước đi trên hành trình hướng tới những ước mơ, bạn đã là một mảng màu rực rỡ nhất trong bức tranh cuộc đời rồi. Mình đã làm được và mình tin các bạn cũng sẽ làm được.”
“Tôi cũng tin rằng tôi có thể giúp được những người cùng cảnh với mình và cả những người kém may mắn hơn mình”
Đó là lời tâm sự chân thành của Mai Quỳnh Anh - cô sinh viên năm 3 ngành Công tác Xã hội, trường đại học khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, một cô gái khiếm thị do bẩm sinh thiếu tháng. Dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Quỳnh Anh vẫn mang những hy vọng có thể giúp đỡ được mọi người. Thế nhưng đau lòng thay, Quỳnh Anh hay những người có hoàn cảnh giống như cô gái lại bị xã hội phân biệt, kì thị. Quỳnh Anh đã không ít lần phải trải qua cảm giác chạnh lòng, tủi thân. Hiện Quỳnh Anh đang thực tập tại trung tâm dưỡng lão và phải đối mặt với những lời miệt thị, mỉa mai: “Khiếm thị như thế này thì thực tập làm sao được. Không nhìn được thì hầu mình còn chưa xong làm sao mà hầu người được”. Điều đặc biệt ở Quỳnh Anh là cô vẫn kiên nhẫn tìm cơ hội nói chuyện với người đã làm tổn thương mình để giải thích cho người đó hiểu và xóa bỏ những định kiến về mình.
Quỳnh Anh (áo kẻ hồng trắng) cùng các thành viên CLB Hoa Đá. |
Luôn lạc quan và trân trọng cuộc sống
Quỳnh Anh cho biết: Mọi người cho rằng khiếm thị thiệt thòi hơn những người khác nhưng tôi vẫn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người vì mặc dù mình hoàn toàn không nhìn được nhưng mình vẫn sinh hoạt bình thường như những người không khuyết tật. Không những thế, mình vẫn luôn có sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và những người xung quanh. Hơn nữa là bố mẹ mình cũng đã từng kể rằng vì mình sinh thiếu tháng nên ngay từ lúc mới sinh ra, bác sĩ nói rằng cứ xác định các con của anh chị không sống được đâu. Mình và anh trai mình sinh ra cũng chưa được 7 tháng. Do sinh thiếu tháng nên khi mới sinh ra ai cũng nghĩ là chúng mình sẽ không sống được. Do đó đến bây giờ mình vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì mặc dù là một người khiếm thị nhưng mình vẫn được sống và tồn tại đến ngày hôm nay.”
Vượt qua mọi khó khăn để tìm kiếm tri thức
Nguyễn Thị Minh - sinh viên K68 khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn từ khi sinh ra đã kém may mắn, mất đi ánh sáng của đôi mắt. Khi lớn lên và có thể nhận thức được mình là một người khiếm thị, Minh cảm thấy vô cùng tự ti và tuyệt vọng. Những suy nghĩ cả cuộc đời sẽ phải phụ thuộc vào gia đình và trở thành gánh nặng của xã hội luôn ám ảnh tâm trí của cô gái. Nhưng không vì thế mà Minh và gia đình chấp nhận số phận, bố mẹ Minh đã bằng mọi giá để Minh có thể tiếp cận được với tri thức. Mất đi ánh sáng khiến cô gái gặp phải rất nhiều khó khăn đơn giản như đi lại hay việc tiếp cận với các bài giảng của các thầy cô cũng bị hạn chế rất nhiều. Nhưng với nghị lực phi thường, cô gái vẫn xuất sắc đạt học sinh giỏi trong 12 năm học trung học phổ thông.
Nguyễn Thị Minh - Sinh viên K68 Khoa Tâm lý học. |
Trong 12 năm học, cô gái đã cố gắng vượt qua những hạn chế của bản thân, vượt qua sự kỳ thị của những người mắt sáng xung quanh. Minh chia sẻ: “Mình biết rằng con đường chinh phục tri thức còn rất dài, nhưng mình tin với trái tim nhiệt thành cùng lòng can đảm mình sẽ bước tới những thành công. Chúc cho mỗi người chúng ta sẽ trở thành một bông hoa để tỏa hương thơm lành đến mọi nơi”.
Ảnh: NVCC