Nhân kỷ niệm 55 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, mới đây, Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. HCM đã tổ chức các chương trình thăm và tặng quà nhân dân các vùng căn cứ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chương trình đã tổ chức các đoàn thăm và tặng quà gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang gia đình liệt sĩ, các ba má phong trào học sinh – sinh viên, cựu cán bộ Thành Đoàn tiêu biểu tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Tham gia cùng đoàn, Thu Trang (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Hành trình tham quan những nhân chứng cách mạng đã đem đến những bài học lớn cho các bạn trẻ về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước đầy bất khuất, oai hùng của cha ông. Từ đó, các bạn càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình”.
Các bạn sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM cũng vừa tổ chức buổi tham quan di tích lịch sử Quán Nhan Hương - một trong những cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn. Chương trình do Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường tổ chức.
Được xây dựng ngay trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên, theo kinh nghiệm “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, dưới vỏ bọc là một quán cà phê, giải khát, Quán Nhan Hương đã thu thập, truyền báo những tin tức quan trọng nhằm phục vụ cách mạng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Các bạn sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM tham quan di tích "Quán Nhan Hương". |
Buổi tham quan đã để lại nhiều kiến thức lịch sử quý giá, giúp các bạn sinh viên hiểu thêm về tinh thần chiến đấu oanh liệt, bất khuất trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đầy gian nan. Bên cạnh đó, hoạt động đã góp phần thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM.
Phòng trưng bày hiện vật của di tích Quán Nhan Hương. |
Là khách hàng thân thiết của quán cà phê "Biệt động Sài Gòn" ở 113A Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1, TP. HCM), Thái Văn An, sinh viên trường ĐH Văn hóa TP. HCM cho biết, An biết đến quán cà phê Biệt động này thông qua bạn bè giới thiệu. Lần đầu vào quán, anh khá ấn tượng với kiểu trang trí theo phong cách Sài Gòn những năm trước 1975. Tại quán, Văn An vừa tìm hiểu những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, vừa thưởng thức cà phê cùng bạn bè.
Sau nhiều lần đến quán, An càng yêu mến và cảm phục các chiến sĩ biệt động năm xưa và càng khâm phục người đã mày mò phục dựng lại hệ thống quán cà phê Biệt động kiêm bảo tàng lịch sử Biệt động Sài Gòn ngày nay, để các bạn trẻ biết nhiều hơn về Biệt động Sài Gòn và cuộc Tổng tiến công nổi và dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia các tour tìm về "địa chỉ đỏ". (Ảnh: Cà phê Biệt động) |
Sau thành công xây dựng quán cà phê "Biệt động Sài Gòn", anh Trần Vũ Bình (chủ quán) tiếp tục triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Khách tham gia tour du lịch sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt như hầm chứa vũ khí để Biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, quán phở Bình - Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Di tích 113A Đặng Dung - nơi đặt “Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, nơi làm nội thất cho dinh Độc Lập - 145 Trần Quang Khải… Trong tour du lịch này, du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà còn trải nghiệm ẩm thực, giao lưu với người dân, nhân chứng lịch sử tại các địa điểm lưu trú.
“Trung bình mỗi tháng, có từ 10 đến 20 đoàn tham quan, có nhiều đoàn là các bạn học sinh, sinh viên đăng ký. Có một điều đặc biệt ở tour du lịch này là người dẫn các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm nào. Đó là cách để mấy anh em cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà cha ông mình đã để lại, từ đó mới có thể truyền tải được hết ý nghĩa đến khách tham quan”, anh Trần Vũ Bình nói.