Theo đó, tuyển sinh và đào tạo Quan hệ công chúng, UEF đã nâng tổng số chương trình đào tạo thạc sĩ lên 6 ngành, gồm: Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Luật Kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quan hệ công chúng.
Theo đại diện UEF, thạc sĩ ngành Quan hệ công chúng chú trọng nâng cao phương pháp nghiên cứu về lý thuyết truyền thông, quan hệ công chúng, chính sách truyền thông hai chiều liên quan đến các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp; hoạch định chiến dịch truyền thông, kiến thức về lý luận quan hệ công chúng thế giới và Việt Nam như quan hệ công chúng đương đại, tri thức về kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông.
Tân thạc sĩ UEF nhận bằng tốt nghiệp. |
Ngoài ra, người học còn được định hướng, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, tăng cường khả năng độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động quan hệ công chúng thực tiễn; có năng lực tham mưu, tư vấn lãnh đạo, quản lý, hoạch định kế hoạch truyền thông; năng lực xử lý khủng hoảng truyền thông và quan hệ công chúng.
Hiện trường đang nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 1 đến ngày 12/4, với hình thức xét tuyển. Đối tượng dự tuyển là sinh viên đã tốt nghiệp đại học hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học hoặc trình độ tương đương ngành phù hợp như quan hệ công chúng, báo chí.
Thí sinh dự tuyển có bằng tốt nghiệp đại học ngành gần hoặc khác với chuyên ngành dự thi phải học bổ sung kiến thức trước khi xét tuyển. Thí sinh tham gia đăng ký dự tuyển phải có năng lực ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD - ĐT ban hành và theo quy định trong chương trình đào tạo của trường; Văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định văn bằng theo quy định hiện hành của Bộ GD - ĐT.
Đua nhau mở ngành mới
Mùa tuyển sinh năm nay, không chỉ UEF mà nhiều trường đại học lớn cũng đua nhau mở ngành học mới. Cụ thể, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) mở 6 ngành mới, gồm: Thiết kế Vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ Mỹ phẩm, Kinh tế Xây dựng, Địa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa học Dữ liệu. Dù mở nhiều ngành mới, trường ĐH Bách khoa TP.HCM giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức.
Năm 2024, nhiều trường đại học lớn đua nhau mở ngành học mới. |
Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) dự kiến tuyển 3.900 sinh viên, mở hai ngành mới về Vi mạch bán dẫn. Thí sinh trúng tuyển với thành tích cao vào 7 ngành: Vật lý học, Công nghệ Vật lý Điện tử và Tin học, Hải dương học, Kỹ thuật Hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật Địa chất, Khoa học Môi trường, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, được cấp học bổng 50 - 100% học phí trong năm đầu.
ĐH Kinh tế TP. HCM mở hai ngành mới trong mùa tuyển sinh năm nay là Công nghệ Nghệ thuật, Điều khiển thông minh và Tự động hóa. Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh trở lại chương trình Quản trị Hải quan - Ngoại thương (thuộc chuyên ngành Thuế) tại trụ sở TP. HCM và chương trình Thuế tại phân hiệu Vĩnh Long.
Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có Marketing, Công nghệ Tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học Dữ liệu, Logistic và Quản lý Chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro thuộc ngành Kế toán. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái.