Đáng chú ý năm nay, trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) mở rộng thêm đối tượng tuyển sinh là tuyển thẳng những thí sinh giỏi nhất của các trường THPT cùng với việc tăng cường thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nâng cao chất lượng đầu ra của trường.
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020 của Bộ GD - ĐT (< 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành). Tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT (Mỗi trường 1 thí sinh). Theo quy định và kế hoạch của ĐHQG TP. HCM năm 2021
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của ĐHQG TP. HCM (< 15% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành)
Đối tượng: Học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu các trường đại học, tỉnh thành trên toàn quốc; Học sinh của các trường THPT thuộc danh sách trường THPT do Giám đốc ĐHQG TP. HCM phê duyệt năm 2021. Số lượng nguyện vọng ĐKXT: tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị, không giới hạn số đơn vị (có phân biệt thứ tự nguyện vọng). Tiêu chí và tổ chức thực hiện xét tuyển theo quy định chi tiết tại đề án tuyển sinh của ĐHQG TP. HCM và các đơn vị. Dự kiến thời gian triển khai: tháng 6 - 8 năm 2021.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (khoảng 30% đến 60% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành). Điều kiện, quy trình xét tuyển: thực hiện công tác xét tuyển thí sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy chế hiện hành của Bộ GD - ĐT và quy định của ĐHQG TP. HCM.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức năm 2021 (tối đa 50% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành)
Điều kiện: thí sinh phải dự thi và có kết quả thi kỳ kiểm tra đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức năm 2021. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 1 đơn vị, không giới hạn số đơn vị (có phân biệt thứ tự nguyện vọng)
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng Tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước) vào các chương trình chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh
Chỉ tiêu: Không quá 20% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao; không quá 50% tổng chỉ tiêu của các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Điều kiện đăng ký xét tuyển: thí sinh có điểm trung bình học tập trung học phổ thông từ 7,0 (thang điểm 10); hoặc 2,5 (thang điểm 4); hoặc từ 8 (thang điểm 12); và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có chỉ quốc tế ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; hoặc có chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp (xét tuyển đối với chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp)
Ngoài ra, UEL tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT vào các chương trình liên kết quốc tế với các trường đại học Anh Quốc như ĐH Gloucestershire, ĐH Birmingham City. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT và có điểm học bạ 3 năm đạt trên 6.5 cùng trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 5.5 trở lên là đủ điều kiện để xét tuyển vào các chương trình liên kết này: Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh và Kế toán – Tài chính. Đây là chương trình học đạt chuẩn quốc tế với mức học phí ưu đãi chỉ từ 275 triệu đồng trong 3.5 năm học tại Việt Nam.
Năm nay, trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển sinh dự kiến thêm 4 chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh gồm: Luật dân sự chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã tuyển sinh: 7380101-503CA), Marketing chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã tuyển sinh: 7340115-410CA), Toán kinh tế (ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính) Chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã tuyển sinh: 7310108-413CA), Kinh tế quốc tế Chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã tuyển sinh: 7310106-402CA) và Thương mại điện tử Chất lượng cao bằng tiếng Anh (mã tuyển sinh: 7340122-411CA).