Vừa qua, Thành Đoàn TP. HCM đã chính thức giới thiệu danh sách 14 ứng cử viên cho danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM 2023'. Trong 14 cái tên được giới thiệu, có duy nhất một cá nhân thuộc nhóm ứng viên Thanh niên khởi nghiệp, đó chính là anh Nguyễn Hồng Huy, người sáng lập thương hiệu socola Hallelu.
Bén duyên với nghề sản xuất socola
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Huy cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, anh đã đầu quân làm kỹ sư cho một công ty lớn của Nhật Bản với mức lương cao.
Trong một lần đi về các tỉnh ở Miền Tây (thủ phủ của cây ca cao Việt Nam), anh đã tận mắt chứng kiến bà con nông dân ở đây phải ngậm ngùi chặt bỏ những vườn ca cao bạt ngàn do không bán được giá cho các thương lái, một phần nữa vì bị sóc phá hoại mùa màng.
Lúc nhìn thấy những hàng cây ca cao bị bà con đốn hạ, anh Huy cho biết, trong đầu luôn hiện lên nhiều câu hỏi như: Làm gì để bà con nông dân bớt khổ? Làm gì để nâng tầm cây ca cao của Việt Nam?
Sau chuyến đi đó, anh bắt đầu hình thành ý tưởng kinh doanh và phát triển những sản phẩm được làm từ cây ca cao, thế nhưng đó chỉ mới là ý tưởng, vì thời điểm đó, anh vẫn còn sợ mình không đủ ý chí để vượt qua khó khăn, thách thức nên chưa dám bắt tay vào thực hiện ý tưởng này.
Anh Nguyễn Hồng Huy sản xuất socola tại nhà xưởng công ty Hallelu. |
Bẵng đi một thời gian khá dài, vừa làm ở công ty, vừa nghiên cứu nên đam mê ngấm dần, anh quyết định nghỉ hẳn nghề chính để chuyên tâm phát triển "nghề tay trái". Anh đã tìm ra được quy trình sản xuất socola cho riêng mình.
Vượt qua giới hạn bản thân
Giai đoạn đầu khi bước vào thực hiện ý tưởng này, anh đã phải đối diện với hàng loạt vấn đề mới đặt ra: Làm sao để mua được giá ca cao của bà con nông dân cao hơn hiện tại, làm sao nhập khẩu được các loại máy móc khi mình chỉ có đam mê và khối óc...
Lúc bấy giờ (trước năm 2017), giá ca cao khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg quả khô, mà phơi 10 kg quả tươi mới được 1 kg quả khô. Giá ca cao xuất khẩu khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn đóng gói thành phẩm. Lợi nhuận thấp, đầu ra bấp bênh nên hầu hết bà con nông dân đều quyết định đốn cây.
Anh Nguyễn Hồng Huy mời thực khách thưởng thức socola do công ty mình sản xuất tại "Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022". |
“Lúc ấy, tôi từng muốn từ bỏ, thế nhưng sau khi suy nghĩ lại, tôi thấy rằng việc kinh doanh thời gian đầu ai cũng gặp khó khăn cả. Nếu khó khăn này mình không vượt qua được thì công sức tuổi thanh xuân của mình coi như rất uổng, chính vì thế, tôi đã hạ quyết tâm dựa vào chính kiến thức của mình học được ở chuyên ngành ô tô để mày mò tìm hiểu, bắt tay vào chế tạo máy sản xuất socola, rút ngắn giai đoạn sản xuất, nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư và gia tăng lợi nhuận”, anh Huy chia sẻ.
Dù có chuyên môn là kỹ sư cơ khí ô tô, nhưng để làm ra một chiếc máy như hiện tại, có đầy đủ cảm biến, điện tử, điều chỉnh nhiệt độ chuyên dụng, anh phải tự học thêm về các kiến thức nhiệt nóng, lạnh, hệ thống cảm biến, điều chỉnh vận tốc dòng chảy rất nhiều.
Anh Huy bên sản phẩm của mình. |
"Việc nghiên cứu và chế tạo ra một cái máy phải mất từ 4 - 6 tháng, từ công đoạn thiết kế cho đến công đoạn lắp ráp thành phẩm và đưa vào vận hành là cả một quá trình đầy chông gai và thử thách. Hiện tại, xưởng sản xuất socola của tôi có tổng cộng 6 máy, để chế tạo ra được 6 máy này tôi phải mất 4 - 5 năm. Khi sản xuất thành công các máy móc, tôi thở phào vì mình đang gần tới đích rồi", anh Huy nhớ lại.
Đi vào sản xuất, kinh doanh chưa được lâu thì dịch COVID-19 ập tới, cánh cửa xuất khẩu đóng sập lại vì lúc này thành phố hầu như mọi ngành nghề đều bị đóng băng, khó khăn đủ điều. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm cao, vị CEO Hallelu quyết định chuyển hướng từ bán hàng xuất khẩu sang nghiên cứu sản phẩm thông dụng với thị trường nội địa.
Cho đến nay, anh Nguyễn Hồng Huy đã tạo ra hơn 20 dòng sản phẩm socola được người tiêu dùng đánh giá cao và đã có mặt ở các thị trường như: Nhật, Pháp và Singapore, Lào. Đặc biệt, việc nghiên cứu chế tạo ra socola từ quả ca cao góp phần giúp việc trồng ca cao của bà con nông dân ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vũng Tàu, Đắk Lắk đi vào ổn định. Hiện, mỗi tháng anh thu mua cho bà con hơn 2 tấn ca cao, với giá mua cao hơn gần gấp đôi giá xuất hạt ca cao thô ra thế giới.
Anh Nguyễn Hồng Huy vinh được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2023. |
"Tuổi trẻ ai cũng chỉ có khát vọng và lòng can đảm làm hành trang, nhiều lúc muốn chùn bước vì thấy mình đang quá liều lĩnh. Nhưng rồi, hành trình từ ý tưởng lóe lên trong đầu cho tới thực tế cứ như một giấc mơ, nhưng giấc mơ ấy đã và đang thành hiện thực”, anh Nguyễn Hồng Huy tâm sự.
Startup khởi nghiệp đạt nhiều thành tựu
Việc khởi nghiệp thành công từ quả ca cao của anh Huy không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành trồng trọt loại cây này ở Việt Nam, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Công ty anh hiện có gần 30 người đang làm việc trực tiếp, với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Hằng năm, doanh thu của công ty anh đạt khoảng 4 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/ năm. Mỗi tháng, công ty đưa ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm chất lượng cao, với hơn 20 loại, giá chỉ bằng ½ so với giá nhập khẩu từ các nước châu Âu.
Với sự nỗ lực của bản thân, năm 2019 thương hiệu socola Hallelu được chọn làm doanh nghiệp tiêu biểu trong “Triển lãm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. HCM".
Anh Huy là một trong 14 gương mặt trẻ được đề cử danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2023". |
Năm 2020, anh được trao giải thưởng trong cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao TP. HCM phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM tổ chức.
Đầu tháng 10/2022, doanh nghiệp của anh được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Hội LHTN Việt Nam lựa chọn là một trong 10 startup khởi nghiệp sáng tạo tham gia triển lãm sản phẩm tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022, tại Hà Nội.
Anh cũng đã vinh được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2023.