'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Thông qua dự án "Vắc xin văn hóa", nhóm bạn trẻ hy vọng mọi người đủ sự quan tâm, yêu thích và được truyền cảm hứng dẫn dắt ở bước đầu. Để từ đây, mỗi người có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm về kiến thức văn hóa, lịch sử hay chỉ đơn giản là thêm yêu tiếng Việt.

“Những câu chuyện văn hóa Việt Nam trên tinh thần kế thừa và kết nối”, đó là quan niệm chung của nhóm 'Vắc xin văn hóa' - những bạn trẻ có chung niềm đam mê chia sẻ những câu chuyện kể về dân tộc, xứ sở, nước non…

'Vắc xin văn hóa' - dự án phi lợi nhuận, tổ chức miễn phí vào thứ Hai hằng tuần thông qua mạng xã hội âm thanh - OnMic, “ngồi kể nhau nghe” về những nhân vật lịch sử tiêu biểu hay những câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết dựng nước và giữ nước… trong lịch sử Việt Nam. Đây còn là cơ hội để mọi người có thể giãi bày, thảo luận và trao đổi về góc nhìn thời đại với những vấn đề văn hóa - lịch sử.

'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 1
Nhóm 'Vắc xin văn hóa' trong trang phục áo dài ngũ thân, ấp ủ mong muốn lan tỏa cảm hứng tìm hiểu văn hóa Việt

Sự hài hước và dân tộc tính trong mỗi câu chuyện

Trương Mỹ Dung (cựu sinh viên ngành Ngữ văn Hán Nôm, trường ĐH KHXH&NV TP. HCM), trưởng dự án 'Vắc xin văn hóa' chia sẻ về những ngày đầu quy tụ nhóm: “Trong mùa dịch năm 2021, thời gian giãn cách ở nhà rất buồn và nhiều áp lực, mình khuây khỏa bằng cách chia sẻ những hiểu biết về chữ nghĩa, âm dương ngũ hành… Một lần trò chuyện, mình tình cờ nhắc đến ngành học Hán Nôm và mong muốn mở lớp dạy online cho đỡ buồn, bất ngờ có 5 bạn hưởng ứng nên mình mở lớp dạy chữ luôn.

Từ những buổi học, mình và các bạn bàn nhau làm thêm hoạt động ngoại khóa, chia sẻ về một chủ đề văn hóa tâm đắc. Dự án giúp nhóm vừa học vừa sẻ chia, truyền cảm hứng để mọi người tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. 'Vắc xin văn hóa' ra đời như thế và kéo dài đến tận bây giờ”.

Tập hợp những người vốn sẵn yêu thích tìm hiểu lịch sử nước nhà, 'Vắc xin văn hóa' gồm các 'mảnh ghép': Trương Mỹ Dung - giáo viên dạy chữ Hán cổ (vỡ lòng), Uy Lê - diễn viên hài độc hài, Dante Trần - cử nhân Sáng tác văn chương (ĐH bang Arizona, Mỹ), Nguyễn Bảo Khánh, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành OnMic, Vũ Dũng - Trợ lý trưởng nhãn hàng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Nếu quan tâm đến sử học, ắt hẳn, bạn sẽ từng nghe những tràng cười trong trẻo, những lời chia sẻ gần gũi trong một show kể chuyện, tương tác trực tiếp với người nghe trong show 'Vắc xin văn hóa'.

Từ Chuyện Hồ Hoàn Kiếm, Thần tiên trời Nam, Danh tướng Khai quốc thời Lê, Ngũ hổ tướng, Vụ án Lệ Chi Viên… cho đến bàn luận về Cội nguồn ẩm thực chay với khách mời Hồ Đắc Thiếu Anh, Triết lý âm dương ngũ hành trong ẩm thực và mâm cỗ Tết với nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết…

'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 2

Một poster giới thiệu nội dung đậm chất Việt của dự án 'Vắc xin văn hóa'.

Lối kể chuyện “trẻ hóa”, sự hài hước và dân tộc tính bên trong mỗi câu chuyện sử ký, dã sử… được các thành viên truyền tải thông điệp đến người nghe dễ hiểu, dễ thấm.

“Mỗi một chủ đề là "biển cả" thông tin và quan điểm. Tụi mình rất dễ bị cuốn trôi khi tìm hiểu. Đầu tiên, nhóm tiếp cận chủ đề theo hướng văn hóa dân gian, gần gũi và quen thuộc với mọi người. Thứ hai, các thành viên chọn chủ đề theo dòng lịch sử, từ thời Hồng Bàng rồi trải qua thời Bắc thuộc, đến các triều đại phong kiến Việt Nam...

Trước mỗi số phát sóng, các thành viên cùng ngồi lại để xắn tay áo tìm câu chuyện, bóc tách những chi tiết thú vị trong sử sách, lựa chọn nhân vật tiêu biểu… để dàn dựng thành show kể chuyện chỉn chu về mặt nội dung. Đồng thời, nhóm đầu tư thiết kế từng chiếc poster giới thiệu đẹp mắt… để truyền tải thông điệp trọn vẹn đến người nghe”, Dante Trần giải thích.

Ngồi nghe chuyện xưa để hiểu nay

Sau hơn một năm hoạt động, 'Vắc xin văn hóa' đã thực hiện hơn 50 chương trình chính thức lẫn ngẫu hứng. Điều tâm huyết thấy rõ, mặc dù các thành viên trở lại guồng quay công việc nhưng vẫn dành thời gian tổ chức các buổi chia sẻ online hàng tuần, kết nối cộng đồng yêu văn hóa, sử Việt.

“Mỗi chương trình phát sóng, nhóm có hơn 150 thính giả trung thành luôn theo dõi lắng nghe, phản hồi tích cực, có khen có chê. Nên nói thật, dù bận việc đến mấy, chúng mình cũng không nỡ bỏ show...”, Mỹ Dung cho biết.

Phía sau những cuộc thảo luận văn hóa, lịch sử cởi mở và nhiều suy tư, tất nhiên, nhóm dành nhiều thời gian dành cho việc đọc, thẩm định thông tin để chọn lựa những chi tiết thú vị gửi tới thính giả.

Đồng thời, các thành viên không ngừng học hỏi, mạnh dạn đưa ra những tên tuổi lớn còn khuất lấp bởi những vết gấp của lịch sử… dàn dựng chương trình bài bản hơn.

Diễn viên hài độc thoại Uy Lê - thành viên đồng hành với dự án từ số đầu tiên, chia sẻ: “Khi tham gia dự án, mình thường đặt câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu câu chuyện này xảy ra vào thời này?". Từ đó, mình và nhóm có những so sánh thú vị để khán thính giả soi chiếu với những điều đang xảy ra xung quanh. Văn hoá và lịch sử là đề tài khá nghiêm túc, nên tụi mình tìm cách khai thác phù hợp. Từ đó, mỗi chủ đề luôn có một cách tiếp cận hài hước, truyền tải chân thật đến người nghe”.

Ngoài phát trực tiếp, nhóm sẽ còn thực hiện dạng video, chia sẻ lại trên YouTube, Spotify... Mỹ Dung nói: "Một điều khiến nhóm rất hào hứng là chúng mình đang làm dự án lan tỏa nét đẹp văn hóa dân gian, sức hút của những câu chuyện kể và kết nối để các bạn trẻ hiểu biết thêm về tiền nhân, dân tộc, xứ sở, nước non Việt Nam.

Không gian kết nối thật Việt Nam

'Vắc xin văn hóa' không đơn thuần là tiếng nói riêng mà còn là câu hỏi lớn hơn đặt ra, tại sao mình sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng mình không quan tâm đến dòng chảy văn hóa, hay rộng hơn là lịch sử nước nhà?

“Người Việt mình thích cười, ưa cười, hay cười, mình và nhóm mong muốn đem sự vui vẻ ấy lên các buổi trò chuyện, tự nhiên, gần gũi… Nhóm trộm nghĩ, những câu chuyện văn hóa của dân tộc ta, được lưu truyền qua hàng ngàn năm, đi theo bao biến thiên của dòng chảy lịch sử, thấm đẫm cốt cách và tâm tình của người Việt… Mỗi câu chuyện sử Việt đã tự đậm đà dân tộc tính. Bọn mình lại là người Việt Nam, tiếp nhận và kể lại những câu chuyện đó theo cách nghĩ của thời đại đang sống. Người Việt Nam kể chuyện văn hóa Việt Nam với tinh thần tiếp nối, ắt sẽ tạo nên một không gian thật Việt Nam rồi!”, Mỹ Dung chia sẻ.

Dự án đã đặt đúng cảm xúc để nói thay tiếng lòng của những người trẻ - “dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì ta đi tìm”. Thông qua mỗi số live, nhóm hy vọng mọi người đủ sự quan tâm, yêu thích và được truyền cảm hứng dẫn dắt ở bước đầu. Để từ đây, mỗi người có thể tự tìm hiểu, nghiên cứu thêm về kiến thức văn hóa lịch sử hay chỉ đơn giản là thêm yêu tiếng Việt.

“Các anh chị truyền đạt kiến thức văn hóa dân gian sao mà thật dễ hiểu, thật hài hước, có cả những dẫn chứng liên hệ vào thực tế hiện tại nữa…”; “Trước giờ, mình chưa từng ghét sử hay văn hóa, nhưng khi nghe 'Vắc xin văn hóa', mình chợt nhận ra bản thân thiếu hụt rất nhiều kiến thức về lịch sử và cần thời gian để đọc thêm sách vở để biết thêm các vị vua nhà Nguyễn, các truyện dã sử về những trận chiến giữ nước hào hùng của dân tộc… - đó là những dòng bình luận từ các bạn thính giả khi nghe kể chuyện văn hóa.

Cũng theo nhóm, việc tận dụng mạng xã hội âm thanh để đơn giản hóa khâu sản xuất: Thiết bị đắt tiền, địa điểm, ánh sáng… và những thứ không phải là thế mạnh của nhóm: Khả năng diễn xuất, ngoại hình…

“Có những hôm, tụi mình vừa nằm trên ghế lười vừa giao lưu, không khác gì tán gẫu với bạn bè về chủ đề văn hóa - lịch sử yêu thích. Tụi mình có thể cười, có lúc rớt nước mắt khi được kết nối trực tiếp với thính giả. Chính sự tương tác hai chiều mà 'Vắc xin văn hóa' có một sức hút khác biệt với những podcast khác”, Vũ Dũng bày tỏ.

Việc sử dụng giọng nói để kết nối mọi người với nhau, cũng là hình thức thú vị “vẽ hình ảnh” qua những câu chuyện. Và mỗi câu chuyện để kể cho thật cuốn hút thì người kể phải có góc nhìn và trải nghiệm riêng, mới truyền đạt hết được cho người nghe.

“Trong thời gian tới, tụi mình sẽ gặp mặt trực tiếp lẫn online để trao đổi về nội dung từng show. Từ đó, dự án cải thiện chất lượng nội dung, diễn giả và thính giả cùng ngồi lại thảo luận chuyện xưa để có thêm những góc nhìn mới mẻ, thời đại”, Bảo Khánh và các thành viên nhóm tâm sự.

Một số poster đậm chất Việt gửi gắm đến cộng đồng yêu văn hóa, sử Việt:

'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 3
'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 4
'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 5
'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 6
'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 7
'Vắc xin văn hóa' - Người trẻ kể chuyện xưa bằng mạng xã hội âm thanh ảnh 8
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

SVVN - Với mái tóc ngắn nhuộm nổi bật, Hoài Thu là cô gái ngành kỹ thuật đam mê học hỏi, khám phá và không ngừng tiến bộ. Chỉ trong ba năm đại học, nữ sinh USTH hoàn thành 180 tín chỉ, học thêm tiếng Pháp, đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ, đi trao đổi và thực tập tại Ý, trước khi giành học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus.
500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

SVVN - Đồng diễn, xếp chữ, xếp cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 là hoạt động truyền thống hằng năm của các bạn học sinh tại Hải Hậu, Nam Định - một trong những địa phương 'ăn Tết Độc lập' lớn nhất cả nước với nhiều hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ quần chúng sôi nổi cả tháng.
Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

SVVN - Ngày Quốc khánh 2/9 từ lâu đã trở thành một biểu tượng lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và đoàn kết dân tộc. Đây là ngày để tưởng nhớ sự kiện trọng đại của đất nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua góc nhìn của thế hệ trẻ ngày nay, ngày lễ vừa là cột mốc lịch sử, vừa là dịp để họ khám phá, thể hiện tình yêu quê hương theo cách riêng.
Đồng hành cùng tân sinh viên tìm nhà trọ

Đồng hành cùng tân sinh viên tìm nhà trọ

SVVN - Năm học mới đang cận kề, việc tìm kiếm một chỗ ở an toàn và phù hợp kinh tế trở thành nỗi lo lớn và áp lực đối với nhiều tân sinh viên. Nhằm giúp giảm bớt nỗi lo, các trường đại học tại TP. HCM đã và đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ tìm phòng trọ, giúp tân sinh viên sớm ổn định để yên tâm học tập.