Viết nhạc tình, không cứ phải đa tình

Viết nhạc tình, không cứ phải đa tình
SVVN - Nhắc đến Nguyễn Văn Chung, khán giả sẽ nhớ ngay đến Vầng trăng khóc,Chiếc khăn gió ấm tạo nên tên tuổi của Khánh Phương, Akira Phan và đặc biệt là Nhật ký của mẹ, gắn với Hiền Thục, được nhiều người yêu thích vì ý nghĩa của tình mẫu tử.

Nguyễn Văn Chung đi con đường từ một người “ngoại đạo” đến sáng tác không chuyên và chuyên nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, anh còn đào tạo và làm bệ phóng cho nhiều ca sĩ trẻ. Nhưng với âm nhạc, khán giả “định vị” anh là nhạc sĩ của những ca khúc về tình cảm gia đình. 

Biết yêu thương và đủ nhạy cảm

Là “kẻ ngoại đạo” nhưng lại thành danh trong nghệ thuật từ rất sớm. Cơ duyên nào đưa anh đến với âm nhạc?

Tôi được học nhạc từ nhỏ nhưng đến với sáng tác bắt đầu từ khi... thất tình. Lúc còn là sinh viên năm thứ nhất ở trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP. HCM, tôi quen một cô bạn và sau đó, bạn này ra nước ngoài sinh sống. Điều đó khiến tôi buồn rất nhiều, vì không còn được liên lạc với nhau nữa. Vì buồn, tôi tìm đến âm nhạc. Ban đầu là nghe những bài mình thích để tâm hồn nhẹ nhàng, được chia sẻ nhiều hơn. Sau đó, tôi tập tành sáng tác. Từng chút từng chút một và rồi đi theo con đường sáng tác chuyên nghiệp sau đó. Tính ra, đến nay cũng được gần 20 năm.

Anh nổi tiếng vì những ca khúc viết về tình cảm gia đình. Tình yêu là cảm hứng lớn nhất, tác động nhiều nhất đến các sáng tác của anh?

Tôi là người yêu nhiều. Yêu không chỉ là tình cảm đôi lứa mà tôi thấy mình có nhiều cảm xúc với cuộc sống, con người và nhất là gia đình. Nó tác động nhiều đến các sáng tác của tôi. Tình cảm giúp tôi nhạy cảm với những chuyển động xung quanh, đôi khi chỉ là những sự việc rất nhỏ cũng khiến tôi rung động. Chỉ cần thấy được niềm vui, thấy nhớ, cảm nhận về chờ đợi, cảm giác bình yên bên gia đình, hay chứng kiến niềm vui của trẻ thơ... Tất cả đều là vốn sáng tác của tôi.

Sáng tác về tình cảm gia đình cũng là một cách để anh định hình cái tên Nguyễn Văn Chung với khán giả?  

Tôi lại thấy chính tình cảm gia đình giúp tôi sống tốt hơn và có nhiều cảm hứng với âm nhạc hơn. Tôi rất hạnh phúc khi luôn được khán giả, đồng nghiệp động viên và ghi nhận.

Chắc hẳn anh phải đa tình lắm thì mới có nhiều cảm hứng để viết các ca khúc về tình yêu?

Tôi không nghĩ, cứ là nhạc sĩ thì phải đa tình mới có thể sáng tác, dù các sáng tác của tôi phần lớn là về tình cảm đôi lứa và gia đình. Điều quan trọng với một nhạc sĩ là cần biết yêu thương và đủ nhạy cảm để viết nhạc. Khi viết nhạc bằng cảm xúc chân thật,  những sáng tác sẽ chạm đến trái tim người nghe. 

Khi viết về chủ đề tình cảm, anh dựa nhiều vào cảm xúc hơn là lý trí?

Tôi thấy mình rất giỏi trong việc cân bằng giữa hai thứ đó, kể cả trong cuộc sống. Sống thiên về một hướng chỉ làm khổ mình. Hoặc là khô cứng, nguyên tắc, hoặc là quá ủy mị, yếu đuối và dễ thỏa hiệp. Sáng tác nhạc tuy là giải pháp kinh tế cho gia đình nhưng nhạc sĩ như tôi vẫn muốn đặt trách nhiệm và danh dự của nghệ sĩ lên trên hết trong từng sản phẩm. Nhạc sĩ nào cũng muốn được người nghe trân trọng tác phẩm, hơn là chỉ khơi gợi trong họ sự tò mò cho vui, nghe xong là quên. Trên hết, với nhạc sĩ, anh phải duy trì được đam mê và cảm hứng âm nhạc, rồi mới tính tiếp.

Viết nhạc tình, không cứ phải đa tình

Cần tài năng và sự nghiêm túc

Hiện nay, có nhiều cuộc thi về âm nhạc nhưng không có nhiều những gương mặt đoạt giải chứng tỏ được mình sau cuộc thi. Là người đang đào tạo nhiều nghệ sĩ trẻ, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Sự phát triển của thị trường âm nhạc hiện nay cho thấy, nghệ sĩ trẻ, ngoài năng lực bản thân còn cần sự hỗ trợ của nhiều yếu tố, từ êkíp âm nhạc, cố vấn hình ảnh, truyền thông... Tất cả cộng hưởng với nhau thành lực đẩy. Rất nhiều bạn khi tham dự một cuộc thi nào đó thì rất nổi, được nhiều người chú ý nhưng thi xong lại rất chật vật, không tìm được lối đi. Đó là chưa kể sự thành công chốc lát và kiểu bề nổi này khiến cho các bạn không giữ được “thăng bằng”, thậm chí là ảo tưởng.

Có nghĩa là có khoảng cách rõ ràng giữa trong và sau một cuộc thi âm nhạc?

Tôi nghĩ là vậy. Trong một cuộc thi, với hàng trăm thí sinh như nhau, các bạn sẽ thi thố và cạnh tranh nhau ở “phân khúc” ngang bằng hoặc kém hơn. Tức là sân chơi của những người mới xuất phát, nên một bạn có tố chất vượt hơn một chút sẽ được chú ý. Nhưng sau cuộc thi, khi bạn bước ra thị trường để theo nghề thì phải đối mặt với những tên tuổi đã khẳng định vị trí từ rất lâu. Cạnh tranh theo kiểu mới “tốt nghiệp” với các “chuyên gia lâu năm” thì khoảng cách lớn là lẽ đương nhiên. Chúng ta không thể đòi hỏi một ca sĩ trẻ chỉ mới có kinh nghiệm mấy tháng phải đứng ngang hàng với các đồng nghiệp kỳ cựu, đã lăn lộn nhiều năm trong nghề.

Không khó để thấy thấy được những nghi vấn của người xem rằng, các cuộc thi âm nhạc hiện nay chủ yếu vì lý do thương mại và lăngxê “gà nhà”. Làm việc nhiều năm trong làng nhạc, anh có nghĩ như vậy?

Việc nhà tổ chức mong muốn thu hút được nhiều người xem, theo tôi, là nhu cầu chính đáng. Nếu xem cuộc thi dưới góc độ giải trí thì lượng người xem đông đảo là yếu tố đo đếm thành công. Sử dụng công cụ nào đó để gây chú ý không phải không có. Tuy nhiên, nếu nó đi quá đà thì sẽ gây tác dụng ngược và khiến thí sinh rất dễ “hoang mang” về năng lực của mình. Và như đã nói, thể hiện năng lực sau cuộc thi mới là quan trọng. Chỉ chất giọng hay tỏa sáng chốc lát là chưa đủ, môi trường âm nhạc đòi hỏi nhiều thứ hơn.

Điều đó cũng giải thích tại sao “tuổi thọ” của nhiều cuộc thi âm nhạc hiện nay cũng không cao, chứ không riêng gì câu chuyện của các quán quân?

Thông thường, nếu mùa đầu thành công, nhà sản xuất sẽ luôn hào hứng để tổ chức sân chơi sang mùa tiếp theo, hoặc năm thứ ba, thứ tư... Nhưng nếu chỉ tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng giống nhau về tổ chức, kịch bản thì sẽ gây nhàm chán. Thực tế là ít cuộc thi nào kéo dài hơn 5 mùa. 

Nếu được, anh sẽ đưa ra lời khuyên nào với các bạn trẻ muốn theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp qua các cuộc thi, để không phải “thi xong tất cả lại về”?

Theo tôi, không có gì ngoài đòi hỏi khả năng thực chất. Đam mê là yếu tố quan trọng, quyết tâm theo đuổi là đáng cổ vũ nhưng tất cả sẽ không là gì nếu bạn không có khả năng thật sự. Nhiều bạn trẻ muốn thể hiện khả năng qua các cuộc thi nhưng trước hết, hãy ý thức rằng, nổi tiếng bằng chính tố chất của mình mới là bền chặt. Chiêu trò có thể có nhưng có thể mất tất cả, chỉ có tài năng và sự nghiêm túc trong suy nghĩ là ở lại.

Cảm ơn anh!

Theo Báo Sinh Viên Việt Nam số 41
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm